Nhiều trẻ em theo gia đình đến TP.HCM nhưng thiếu sự quan tâm, thậm chí có gia đình cả 3 thế hệ đều không có giấy tờ tùy thân.
Tọa đàm do Ban Văn hóa – Xã hội HĐND, Sở LĐ-TB-XH, Sở Tư pháp, Hội bảo vệ quyền trẻ em và Công đoàn Viên chức TP.HCM tổ chức.
Tham dự sự kiện có đại diện Bộ LĐ-TB-XH, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, các ban HĐND TP.HCM, Công an TP.HCM và một số tỉnh, thành, Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI), các chuyên gia trong lĩnh vực…
Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết tọa đàm tập trung thảo luận các giải pháp hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc hoàn tất giấy tờ tùy thân, nhằm đảm bảo quyền lợi pháp lý và tạo điều kiện cho các em tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, và an sinh xã hội.
Khó khăn từ người lớn, trẻ em chịu thiệt thòi
TS Lê Văn Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày kết quả khảo sát tại 41 cơ sở xã hội ngoài công lập. Qua đó cho thấy nguyên nhân phổ biến khiến trẻ gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ tùy thân là do không có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh.
Nhiều trường hợp, cha mẹ, người giám hộ hoặc chủ cơ sở xã hội chưa quan tâm đến việc làm giấy tờ cho trẻ. Điều này khiến các em bị thiệt thòi, nhất là khi đăng ký đi học, tiếp cận dịch vụ y tế (mua bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh).
“Trẻ em không có giấy khai sinh rơi vào trạng thái vô định, không được công nhận về pháp lý, lớn lên không thể làm căn cước và các giấy tờ khác”, TS Công nói và chỉ ra sự bất cập trong quy định độ tuổi trẻ em (dưới 16 tuổi theo luật Trẻ em 2016) và người chưa thành niên (dưới 18 tuổi theo bộ luật Dân sự 2015), khiến nhóm trẻ 16 – 17 tuổi bị thiệt thòi khi không được hưởng đầy đủ quyền lợi của cả hai nhóm.
Đáng lưu ý, nhiều đại biểu cho biết thủ tục hành chính phức tạp, yêu cầu nhiều bước và giấy tờ, là nguyên nhân sâu xa khiến trẻ em thiếu giấy tờ tùy thân. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương còn hạn chế.
Thống nhất các quy định pháp luật
TS Nguyễn Mạnh Bình, nguyên Trưởng khoa Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM, cũng nhận định nhiều điều luật ở nước ta hiện nay (như luật Trẻ em, luật Thanh niên, bộ luật Hình sự) còn mâu thuẫn nhau.
“Công chức tư pháp rất khổ sở khi xử lý các thủ tục giấy tờ liên quan các luật này”, do đó TS Bình cho rằng cần thống nhất định nghĩa “trẻ em” và “người chưa thành niên” trong hệ thống pháp luật, lấy chuẩn theo Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Các đại biểu cũng kêu gọi cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian và đơn giản hóa hồ sơ cấp giấy tờ cho trẻ em. Đồng thời, đề xuất sửa đổi quy định về cư trú và hộ tịch để trẻ em được cấp căn cước công dân độc lập với hộ khẩu hoặc nhà ở của cha mẹ.
Ngoài ra, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế cần phối hợp tích hợp hệ thống để tự động cấp giấy khai sinh, căn cước công dân và hộ chiếu cho trẻ ngay khi sinh ra.
Các cơ quan không thể dừng lại ở “chuyển nhận văn bản”
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nhấn mạnh rằng để trẻ em được cấp giấy tờ pháp lý đầy đủ, các bên liên quan là công an, tư pháp, LĐ-TB-XH, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần phối hợp chặt chẽ với nhau, có cách tiếp cận linh hoạt, đa ngành để xử lý hiệu quả các trường hợp đặc thù.
Cũng đồng quan điểm, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình nhấn mạnh các cơ quan không thể chỉ dừng lại ở việc chuyển nhận văn bản, thay vào đó, cần ngồi lại với nhau và khi cần thiết, có thể tổ chức một cuộc họp có đầy đủ các bên để cấp giấy tờ cho trẻ nhanh chóng, triệt để.
Ông Bình cũng kiến nghị biên soạn tài liệu hướng dẫn, tổng hợp từ các trường hợp đặc biệt đã xử lý và xem nó như “án mẫu” giúp giải quyết hiệu quả các tình huống tương tự trong tương lai.
TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐNĐ TP.HCM cũng cho biết nhiều trẻ em theo gia đình đến TP.HCM nhưng thiếu sự quan tâm, thậm chí có gia đình cả 3 thế hệ đều không có giấy tờ tùy thân, và điều này gây rất nhiều khó khăn, áp lực xác minh thông tin cho cán bộ địa phương.
Ông Nhựt nhấn mạnh cần số hóa dữ liệu để cán bộ thuận tiện truy xuất thông tin và xử lý các trường hợp này, đồng thời ông cũng kêu gọi cán bộ dám nghĩ, dám làm và kiên trì xử lý các trường hợp khó khăn để đảm bảo quyền lợi giấy tờ cho trẻ.
Phó giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Đình Dương cũng đề nghị các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, xử lý triệt để các trường hợp chưa được giải quyết, đảm bảo phối hợp chặt chẽ và hành động nhanh chóng để tránh tồn đọng hồ sơ.
Theo báo cáo tại tọa đàm, hiện TP.HCM có 444 trẻ em, thanh thiếu niên (16 – 18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương. Đến nay, chỉ còn 27 trường hợp tại 8 quận, huyện chưa được cấp giấy khai sinh.
Điều này cho thấy sự nỗ lực và thành tựu bước đầu của TP.HCM trong việc cấp giấy tờ cho các trẻ.
Tại tọa đàm, 8 quận, huyện báo cáo còn 27 trường hợp chưa cấp giấy tờ, cam kết giải quyết 21 trường hợp trong năm nay, còn lại 6 trường hợp gặp vướng mắc pháp lý sẽ báo cáo cụ thể về Sở Tư pháp và Công an TP.HCM chỉ đạo xử lý.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, đánh giá cao trách nhiệm và nỗ lực của lãnh đạo TP.HCM cùng các ban ngành và tổ chức liên quan trong việc vượt qua các rào cản pháp lý và thiếu đồng bộ để bảo vệ quyền trẻ em.
Qua đó, ông Nam hy vọng rằng những bài học kinh nghiệm từ TP.HCM, với sự nỗ lực ở cấp quận, xã, phường, từng hộ gia đình và từng trường hợp cụ thể, sẽ là tài liệu quý giá để các địa phương khác học tập trong tương lai.
Nguồn: thanhnien.vn