Luật sư không đồng tình khi Viện kiểm sát nhận định bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) đã nộp thêm 1 tỉ đồng nhưng vẫn bị xem là không đáng kể.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho rằng, ban đầu thân chủ bị khởi tố ở tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt thấp (từ 10 – 15 năm tù). Tuy nhiên, sau đó bị cáo bị chuyển sang khởi tố tội danh có mức án nặng hơn đó là tội nhận hối lộ (có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình).
Gia đình bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã rất nỗ lực nộp thêm 1 tỉ đồng. Do đó luật sư không đồng tình với Viện kiểm sát nhận định rằng số tiền này không đáng kể.
Ngoài ra, luật sư đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như thật thà khai báo, có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, được tặng nhiều bằng khen, huân chương lao động, gia đình có công với cách mạng. Bị cáo đã giúp đỡ cơ quan điều tra xem xét thực trạng của SCB. Chồng đã nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và em bị cáo đã nộp sổ tiết kiệm. Đã nộp 400.000 USD cho khoản bị cáo nhận tiền.
“Bị cáo đúng là có tội rồi. Nhưng pháp luật có xem xét lại chính sách khoan hồng để cho bị cáo được hưởng mức án dưới khung hình phạt”, luật sư của bị cáo Nhàn nói.
Bào chữa bổ sung, bị cáo Nhàn nói trong nước mắt: “Con bị cáo đi học không có thu nhập, trông chờ vào lương hưu của hai vợ chồng. Khối u trong cơ thể bị cáo ngày một lớn, 2 năm nay chưa được thăm khám. Bị cáo thiết tha đề nghị tòa xem xét thêm những tình tiết giảm nhẹ mới cho bị cáo”.
Trước đó, Viện kiểm sát đã đề nghị tòa bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, y án tù chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi).
Bị cáo Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra tại SCB, đã 4 lần nhận tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, Tổng giám đốc SCB). Tổng số tiền bị cáo Nhàn đã nhận là 5,2 triệu USD. Theo kết quả điều tra, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới đưa ra kết quả thanh tra không khách quan, chính xác, gây thiệt hại 514.000 tỉ đồng, dư nợ gốc là 395.000 tỉ đồng, lãi phát sinh 118.000 tỉ đồng. Do đó, bị cáo Nhàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với mức hình phạt nghiêm khắc.
Hành vi tham nhũng với số tiền đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tiếp tục hành vi sai phạm, gây mất an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng lớn đến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. “Phải xử phạt bị cáo Đỗ Thị Nhàn hình phạt thật nghiêm khắc để răn đe”, Viện kiểm sát nêu.
Cũng theo Viện kiểm sát, tòa án sơ thẩm quy kết bị cáo tội nhận hối lộ, có cân nhắc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội này lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng do trước sơ thẩm bị cáo đã chủ động nộp lại 2/3 tài sản nên được giảm còn mức án chung thân. Song sau phiên tòa phúc thẩm, xét thấy chưa đủ cơ sở để giảm nhẹ thêm hình phạt nên đề nghị tòa giữ nguyên mức án chung thân.
Theo bản án sơ thẩm, ngoài tuyên phạt bị cáo Nhàn tù chung thân, tòa còn tịch thu 4,8 triệu USD đã thu của bị cáo, buộc phải nộp tiếp 400.000 USD để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước và phải nộp phạt 100 triệu đồng.
Sau đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng bị cáo và 1 người khác, 10 sổ tiết kiệm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nhàn đã trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ mới để mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo cũng đã nộp lại 100% số tiền nhận hối lộ và nộp phạt 100 triệu đồng. Đồng thời, gia đình bị cáo cũng có đóng thêm 500 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, bị cáo còn có nhiều đóng góp chăm sóc, ổn định cuộc sống cho nạn nhân chất độc da cam; chủ động kêu gọi, đóng góp xây dựng trường học, nhà ăn, nhà vệ sinh cho trường cấp 1, 2 ở tỉnh này. Gia đình bị cáo cũng hiến rất nhiều đất để xây dựng cầu đường trong phong trào nông thôn mới.
Điểm đáng chú ý trong vụ án, ngoại trừ bị cáo Nhàn bị xử lý tội nhận hối lộ (có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình), 16 thành viên trong đoàn thanh tra cũng nhận tiền nhưng bị truy tố tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt thấp hơn (từ 10 – 15 năm tù).
Trong vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình cho 3 tội danh: tội tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù) và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 – 18 năm tù, sơ thẩm là 20 năm tù) và bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỉ đồng.
Nguồn: thanhnien.vn