VTV.vn – Khóa tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên tại VQG Cát Tiên thu hút nhiều cán bộ kiểm lâm và người dân địa phương.
Kể từ khi Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận năm 2011, lượng khách đến hai vùng lõi là Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa (BTTN-VH) Đồng Nai liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 15.7%/năm. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú và đa dạng với hơn 2.353 loài thực vật bậc cao, 2.024 loài động vật hoang dã; là nơi giao thoa văn hóa của hơn 30 dân tộc anh em, đặc biệt như những cộng đồng dân tộc bản địa Chơro, S’tiêng, Mạ… Khu vực này cũng được biết đến với các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ hội cúng thần Lúa (Sayangva) của người Chơro, Lễ hội Đâm Trâu của người Mạ, Lễ hội cầu mưa của người S’tiêng…
Các hướng dẫn viên mặc dù có kiến thức về rừng, sinh thái, đa dạng sinh học, lịch sử, văn hoá, tuy nhiên kỹ năng diễn đạt thông tin chưa cao, khả năng xây dựng nội dung thuyết minh chưa bài bản, hấp dẫn,… Do vậy, một khóa tập huấn “Nâng cao năng lực cho đội ngũ thuyết minh viên/hướng dẫn viên của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai” vừa được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho các hoạt động du lịch sinh thái. Chương trình do Sở Tài nguyên và Môi trường, Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển phối hợp thực hiện.
Khóa tập huấn thuộc khuôn khổ dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (viết tắt: dự án BR). (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Khóa tập huấn có sự tham gia của gần 50 thuyết minh viên/ hướng dẫn viên địa phương trong 5 ngày liên tiếp. Thành phần tham gia khóa học không chỉ là cán bộ, nhân viên VQG Cát Tiên mà có cả nhân sự của các đơn vị lữ hành, nhà nghỉ/ homestay tại địa phương. Đặc biệt, những học viên “áo xanh” là các cán bộ kiểm lâm đã mang đến một sức sống mới trong các buổi học, với lượng kiến thức “khổng lồ” về rừng của các anh.
Bạn Võ Ngọc Trân, học viên đến từ Núi Tượng Village Stay bày tỏ sự háo hức khi lần đầu được tham gia một chuyến đi rừng cùng với các cán bộ kiểm lâm: “Em đã được mở mang rất nhiều khi nghe các anh chia sẻ những hiểu biết về rừng, về đặc điểm phân bố hay đặc tính của các loài động thực vật rừng. Em rất ấn tượng bởi hầu như mỗi loài cây, mỗi loài động vật hay một địa điểm nào đó đều có những câu chuyện riêng của nó. Có những câu chuyện được thêm vào yếu tố ma mị như “cây đa bóp cổ” khi nhắc về Cây đa Lộc Giao, thực tế để chỉ một hiện tượng tự nhiên và mối quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau của các thành tố trong hệ sinh thái rừng. Và chính nhờ cách kể chuyện rất bình dị của các anh mà những kiến thức về rừng vốn xa lạ với em lại trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn.”
Kiểm lâm Trạm Bàu Sấu thuyết minh về rừng với nhiều thông tin lôi cuốn. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Xuyên suốt khóa tập huấn, học viên vừa được trau dồi kiến thức, rèn giũa kỹ năng nghiệp vụ cơ bản và thiết yếu, vừa kết hợp với các chuyến đi tham quan rừng, Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã và Bảo tàng Thiên nhiên Cát Tiên để thực hành tại điểm tham quan, áp dụng thành công kiến thức và nghiệp vụ đã học vào tuyến điểm du lịch thực tế.
Anh Nguyễn Mạnh Hoàng, Trạm Kiểm lâm Núi Tượng chia sẻ: “Điểm nghỉ Kơ Nia Lữ Quán ở Trạm Núi Tượng có 7 phòng nghỉ do Trung tâm du lịch quản lý nhưng kiểm lâm chúng mình trực tiếp phục vụ khách, nên khóa học đã trau dồi cho anh em kỹ năng tiếp khách hay đưa khách đi xem thú ban đêm, xem cây tung, cây đa cổ thụ,… bởi kiểm lâm không phải ai cũng nói được lưu loát. Bên cạnh đó, chúng mình còn có thể vận dụng kỹ năng đã học trong việc tuyên truyền cho người dân về vấn đề bảo vệ rừng. Mình cũng mong muốn được học thêm các kỹ năng sơ cứu an toàn để kịp thời xử lý trong các chuyến tuần tra rừng.”
Anh Nguyễn Mạnh Hoàng giới thiệu về cây bằng lăng năm ngọn. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Khám phá Bảo tàng thiên nhiên. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Hoạt động thực tế giúp các học viên dễ tiếp nhận kiến thức vừa được học. (Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Theo Thạc sĩ Phùng Anh Kiên, Giảng viên Khoa Du lịch và Ẩm thực, Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh, các học viên đợt này có chất lượng tốt, có sự cầu thị, ham học hỏi. Hiện nay du lịch chủ yếu đang là du lịch kết hợp, sinh thái chỉ là một phần trong cả hành trình, chỉ có về các vườn quốc gia thì du lịch mới hoàn toàn là sinh thái. Tuy nhiên trước cuộc sống xô bồ, áp lực như hiện nay thì du lịch sinh thái chắc chắn sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.
Du lịch sinh thái đang dần trở thành xu hướng.
Trước đó, Hội nghị Xúc tiến Du lịch cộng đồng và Giới thiệu điểm đến Vườn quốc gia Cát Tiên đã được tổ chức nhằm kết nối các công ty du lịch, lữ hành với cộng đồng làm du lịch, homestay, lưu trú tại địa phương. Việc phát triển các hoạt động và chương trình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử ở Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai không chỉ giúp thu hút du khách đến trải nghiệm, học tập, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương, tạo thêm các cơ hội cho người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch cũng như bảo vệ rừng.
Kí kết hợp tác giữa các công ty lữ hành và cơ sở lưu trú tại xã Nam Cát Tiên, Tân Phú, Đồng Nai. (Ảnh: Nhân Trương)
Giao lưu, quảng bá văn hóa truyền thống tại địa phương. (Ảnh: Nhân Trương)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!