Nhiều ý kiến tán thành việc giao quyền chủ động nhà giáo cho ngành giáo dục, nhưng đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm và tiêu chí đánh giá.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, nơi vừa qua có huyện miền núi phải dừng một số môn học vì thiếu giáo viên (GV), chia sẻ: Thực trạng thừa, thiếu GV cục bộ ngày càng trầm trọng, một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục không được chủ động. Trong khi đó, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo.
Cũng theo ông Thức, việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng GV nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được GV thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.
“Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát cho thấy địa phương không thể tuyển được GV, không thể tổ chức dạy một số môn học”, ông Thức nêu.
Đồng quan điểm, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Mục đích lao động sư phạm là phát triển phẩm chất năng lực người học, đối tượng lao động sư phạm là người học có nhân cách đang được hình thành và phát triển, sản phẩm lao động sư phạm là người học phát triển toàn diện…
RẤT CẦN THỰC HÀNH SƯ PHẠM TRONG TUYỂN DỤNG
Theo ông Thái Văn Thành, cần những quy định tuyển dụng phù hợp với tính chất đặc thù lao động sư phạm. Việc tuyển dụng chú trọng đến năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và đặc biệt là thực hành sư phạm. Điều đó bảo đảm cho việc tuyển dụng nhà giáo có chất lượng, phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu chuyên môn, môn học. Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được chủ trì trong quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, điều này giúp cho cơ quan quản lý giáo dục chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đồng thời, giải quyết được những tồn tại, bất cập về chất lượng, tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở các địa phương như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho rằng: “Thực hành sư phạm, tức giảng bài là bước cuối và khâu quyết định để cơ quan tuyển dụng hiểu về kiến thức, năng lực sư phạm, khả năng truyền thụ, sự sáng tạo, nhiệt huyết, chữ viết, cảm xúc trong giọng nói, gương mặt của ứng viên. Đây đều là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một GV giỏi sau này”.
Bà Phan Thị Hằng Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), khẳng định hình thức thực hành sư phạm là cách để đơn vị tuyển dụng có thể đánh giá không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn kỹ năng và khả năng vận dụng phương pháp dạy học vào thực tế của ứng viên. Tuy nhiên, cần xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, minh bạch, chứ không phải theo cảm tính của mỗi đơn vị tuyển dụng.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo luật Nhà giáo mới đây, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng việc tuyển dụng nhà giáo phải đảm bảo có thực hành sư phạm, nhằm lựa chọn những người có năng lực đáp ứng hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo… Một trong những điểm yếu của ngành giáo dục VN là quá nặng về lý thuyết, trong khi yếu về thực hành, thực tế, việc yêu cầu các giảng viên có kinh nghiệm thực tế sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho ngành giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu: “Quy định giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục rất quan trọng. Trong quá trình chúng tôi đi giám sát, khảo sát thì nghe cử tri nói rất nhiều về điều này. Trên thực tế, cả nước đang thiếu gần 114.000 GV, bên cạnh đó vẫn thừa 64.000 biên chế. Vậy, vấn đề không chỉ là do không có người mà là mất cân đối, thiếu đồng bộ, không nhất quán, không thấu hiểu trong quá trình tuyển dụng”.
ĐỀ XUẤT TRƯỜNG TUYỂN GIÁO VIÊN, CƠ QUAN QUẢN LÝ GIÁM SÁT
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, nêu hình dung: Nếu được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ngành giáo dục sẽ có thể chủ động điều động GV từ cơ sở giáo dục này sang cơ sở giáo dục khác, từ huyện này sang huyện khác… Điều này sẽ tránh được bất cập như hiện nay, khi trong cùng một tỉnh, có huyện này thừa, huyện kia thiếu GV, nhưng ngành không điều động được, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để.
Phát biểu tại một cuộc họp liên quan vấn đề này, ông Vừ A Bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nêu nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo. Trong đó, ngành giáo dục được giao tổng biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc cơ quan nội vụ. Sở GD-ĐT trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức GV và học sinh cấp THPT, các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn, các cấp học còn lại trực thuộc chức năng nhiệm vụ phòng GD-ĐT cấp huyện do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Do đó, ngành giáo dục không chủ động được việc phân bổ, điều động, bố trí sử dụng (tuyển dụng, biệt phái…) biên chế GV, nhất là GV thuộc cấp học THCS, tiểu học, giáo dục mầm non để thực hiện nhiệm vụ hằng năm giữa các địa phương trong tỉnh.
Theo ông Bằng, điều này dẫn đến mâu thuẫn, mặc dù ngành giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng, nhưng lại không thể điều động hay luân chuyển được đội ngũ GV do thẩm quyền quản lý, cũng như các chính sách hiện hành. Do vậy, rất cần phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ T.Ư đến địa phương.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nêu quan điểm: Khi cơ quan quản lý giáo dục được giao trách nhiệm, sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng GV, ngành giáo dục có thể xác định rõ ràng hơn nhu cầu, mục tiêu và các biện pháp cần thiết để phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của hệ thống giáo dục.
Bàn về quy định phân cấp quản lý nhà giáo, ông Vinh cho rằng cần thiết nhưng điều này cũng cần được nghiên cứu, đánh giá tác động thêm về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm. Cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục công lập chủ động tuyển dụng nhân sự nhà giáo với quan điểm phải gắn với trách nhiệm.
“Nếu không, sự quan liêu hành chính, tiêu cực trước đây rất có thể chuyển vai sang cơ quan quản lý giáo dục địa phương – cấp trên của trường học. Vì vậy, nên chăng để nhà trường tuyển GV và chịu trách nhiệm, còn cơ quan quản lý chỉ tham gia giám sát, lập quy hoạch tuyển dụng trên cơ sở nhu cầu của nhà trường”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Gia tăng yếu tố chuyên môn trong đào tạo và tuyển dụng
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Định hướng xây dựng luật là gia tăng yếu tố chuyên môn, yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo. Như vậy sẽ hướng đến việc quản lý chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, đóng góp với nghề.
Nguồn: thanhnien.vn