Để ngăn chặn những thai phụ rời quê, trốn sang Trung Quốc chờ sinh con rồi bán, chính quyền xã Hữu Kiệm (H.Kỳ Sơn, Nghệ An) phải thành lập Tổ phòng, chống mua bán bào thai và mua bán người với nhiều chuyện bi hài trong khi chế tài xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được định hình trong luật.
Chuyện thai phụ vượt biên sang Trung Quốc bán con là câu chuyện buồn xảy ra nhiều ở xã Hữu Kiệm vào năm 2018 và trước đó. Điển hình là ở 3 bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Chà Lắn của xã này. Đến cuối năm 2018, theo thống kê của chính quyền địa phương, các bản này có hàng chục phụ nữ mang thai đã bị các đường dây mua, bán người lôi kéo sang Trung Quốc sinh con rồi bán làm con nuôi. Mỗi trẻ sơ sinh sau khi sinh được bán với giá từ 40 – 80 triệu đồng.
Sau khi phát hiện tình trạng nhiều phụ nữ bán con, năm 2019, chính quyền xã Hữu Kiệm đã thành lập Tổ phòng, chống mua bán bào thai và mua bán người bao gồm lãnh đạo UBND xã và các lực lượng công an, quân sự, đoàn thể, trưởng bản.
“Tổ phải thường xuyên đến các gia đình có phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để vận động, ngăn chặn hành vi mua bán bào thai. Các thành viên của tổ lập danh sách những phụ nữ ở các bản này đang mang thai để theo dõi, yêu cầu ký cam kết không đi bán con. Mỗi tuần, các thành viên trong tổ 2 lần đến từng nhà thai phụ để thăm hỏi, theo dõi cho đến khi sinh con”, ông La Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, cho biết.
Con đường dẫn vào bản Đỉnh Sơn 2 ngoằn ngoèo, dốc dựng đứng. Những căn nhà sàn mọc san sát bên nhau dưới thung lũng. Đây là bản có nhiều thai phụ đã sang Trung Quốc bán con, có người bán cả đứa con đầu lòng với giá 50 triệu đồng để lấy tiền làm nhà. Ông Cụt Văn Thuận (44 tuổi), Trưởng bản Đỉnh Sơn 2, là thành viên Tổ canh gác thai phụ, cho hay bản có gần 100 hộ dân là người dân tộc Khơ Mú, đa số không biết chữ, cuộc sống đều khó khăn.
Gánh trách nhiệm theo dõi các phụ nữ có dấu hiệu mang thai để báo lên xã nhằm ngăn chặn họ lẻn đi bán con, ông Thuận và các thành viên của Tổ canh gác thai phụ cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn bị trả thù. Gia đình ông bị kẻ xấu chém trâu, bò nuôi thả rông trong rừng, nhiều con trâu, bò bị thương nặng phải làm thịt bán rẻ.
Để phát hiện, theo dõi các phụ nữ trong bản mang thai, ông Thuận thường xuyên phải đến các gia đình trong bản hỏi thăm chuyện mang thai của các phụ nữ. Việc làm mang tính tò mò này khiến một số người chưa hiểu cứ nghĩ ông có tình ý với một số phụ nữ trong bản.
“Có người còn nổi nóng, nghi ngờ tôi dan díu với vợ của họ. Tôi phải đứng ra giải thích, nhưng nhiều người vẫn phản ứng, bảo tôi tọc mạch chuyện gia đình họ. Việc mang thai, bán con là chuyện riêng của họ”, ông Thuận kể.
Tổ phải lập danh sách những người phụ nữ mang thai, đến từng gia đình yêu cầu ký cam kết không rời khỏi xã cho đến khi sinh con. Việc này khiến nhiều người phản ứng tiêu cực, nhất là những kẻ nằm trong đường dây chuyên lôi kéo phụ nữ sang Trung Quốc bán con để hưởng tiền môi giới.
Ông Thuận phản ánh, không chỉ gây khó dễ trong việc theo dõi các thai phụ, một số người sau khi sinh con còn đòi bắt đền với lý lẽ bán con được 70 – 80 triệu đồng để lo cho gia đình, giờ sinh con ra không có gì để nuôi con.
“Có người còn gọi điện yêu cầu tôi mua sữa, quần áo cho đứa bé vì nhà không có tiền. Tôi phải nói chuyện với vợ rồi mua quà đến thăm sản phụ để động viên họ”, ông Thuận kể.
Chờ luật
Ông La Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, cho biết việc giám sát các phụ nữ mang thai để họ không đi bán con vô cùng vất vả. Nhu cầu đi lại, làm ăn là của quyền tự do của người dân, nhưng xã phải dùng biện pháp bất đắc dĩ để ngăn những phụ nữ đang mang thai vì sợ họ đi bán con. Hiện nay, luật pháp chưa có quy định cụ thể về việc bào thai là con người hay không phải con người, nên hành vi bán bào thai rất khó để xử lý.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội khóa XIV, từng phản ánh trước Quốc hội về tình trạng thai phụ trốn sang Trung Quốc bán con. Ông Cầu cho biết, bộ luật Hình sự hiện có tới 5 tội danh liên quan đến hành vi mua bán người nhưng lại không nhắc đến việc mua bán bào thai.
Quá trình điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại cho rằng, bào thai không phải là một bộ phận của cơ thể người mẹ, bào thai cũng chưa phải là trẻ em nên cơ quan điều tra không thể áp dụng điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi, điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người theo bộ luật Hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự. Công an tỉnh Nghệ An từng gửi văn bản tới nhiều bộ, ngành xin ý kiến hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai nhưng không được hướng dẫn cụ thể.
Trong khi pháp luật chưa có quy định cụ thể về hành vi kể trên, chính quyền địa phương đã đề nghị các bản đưa quy định vào hương ước không được bán con, nếu ai vi phạm sẽ bị khiển trách công khai trước bản và phải đóng 10 triệu đồng tiền phạt.
“Từ khi đưa vào hương ước và Tổ phòng, chống mua bán bào thai và mua bán người được thành lập đã ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp có dấu hiệu nghi vấn đi bán bào thai”, ông Hà thông tin.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Hà cho rằng, cần phải bổ sung quy định cấm vào luật vì nếu không, người dân có ý định bán con, họ sẽ rời khỏi địa phương, đến nơi khác mang thai, sau đó sang Trung Quốc sinh và bán con thì chính quyền không thể kiểm soát được.
Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về quy định mới trong dự thảo sửa đổi luật Phòng chống mua bán người, trong đó có quy định mới về hành vi mua, bán bào thai. Nội dung bổ sung này nhận được sự đồng tình từ nhiều đại biểu.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng các đối tượng phạm tội thường tìm đến những phụ nữ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ việc ra nước ngoài sinh con bán lấy tiền hoặc đổi bằng các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, nhưng việc xử lý rất khó khăn, vì trong quy định của bộ luật Hình sự chưa có.
Theo bà Chung, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định tại khoản 2 điều 3 nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai trong dự thảo luật tại kỳ họp thứ 8 lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
“Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ”, bà Chung nhìn nhận.
Nguồn: thanhnien.vn