Giới trẻ ngày nay thường dùng cụm từ ‘red flag’ để cảnh báo rủi ro, nguy hiểm trong một mối quan hệ, tình huống hay tính cách con người.
Mập mờ chính sách phúc lợi và sếp, đồng nghiệp “toxic”
Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều nơi, chị Ngọc Tuyết (hiện đang làm việc ở Công ty TNHH Truyền thông E. ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay ngay từ vòng tuyển dụng, người lao động có thể nhận diện “độ đỏ” của một công ty qua những biểu hiện như: né tránh hoặc mập mờ về chế độ phúc lợi, người phỏng vấn thiếu chuyên nghiệp hoặc không tôn trọng ứng viên, yêu cầu ứng viên làm việc trước khi có hợp đồng chính thức.
Chị Tuyết nói: “Tôi từng làm việc ở một công ty quy mô nhỏ, dưới 10 nhân viên thôi và không có hợp đồng dù xong thời gian thử việc và nhận lương như nhân viên chính thức rồi. Lúc đó mới ra trường, tôi không hiểu biết nhiều về pháp luật, cứ nghĩ vậy là bình thường. Nhưng sau này mới biết, không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội thì mình rất thiệt thòi, nhất là khi thất nghiệp, bệnh hoạn”.
Ngoài những yếu tố ban đầu này, chị Tuyết cho rằng để biết công ty có “red flag” thật sự hay không thì cần xem văn hóa làm việc.
Người lao động có thể xét đoán các yếu tố như: sếp hoặc đồng nghiệp “toxic” (độc hại) khi hay chỉ trích, đổ lỗi; sếp thiếu kỹ năng lãnh đạo; công ty phân biệt đối xử, không tôn trọng sự khác biệt về giới tính, quan điểm; giao nhiều đầu việc không tên, không liên quan đến chuyên môn của người lao động; công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
“Những nơi này nhân viên nghỉ việc nhiều lắm. Người lao động có thể kiểm tra trên mạng xã hội để biết công ty đó có bị đánh giá tiêu cực hay có tiếng xấu trong ngành không”, chị Tuyết cho hay.
Muốn nhân viên “làm việc quên mình” nhưng không trả công xứng đáng
Chị Trần Phương Trang (29 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trước đây từng làm cho một công ty trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Hằng ngày, chị đi làm từ sáng và tới tận 21 – 22 giờ mới trở về nhà.
Kể về thời gian đó, chị nói: “Sếp của tôi làm việc hầu như 24/7. Nửa đêm sếp cũng nhắn giao nhiệm vụ. Dần dà tôi kiệt sức, trụ không nổi nên nghỉ việc. Nhưng điểm tốt là công ty vẫn trả lương tăng ca. Nếu quản lý biết điều phối thời gian thì nhân viên sẽ không bị stress đến vậy. Tôi từng làm ở một công ty khác mà lúc nào quản lý cũng muốn nhân viên làm thêm giờ nhưng hễ đề cập đến lương tăng thêm là bác bỏ, chì chiết nhân viên không muốn cống hiến”.
Trong khi đó, anh Đăng Khoa (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), làm việc tại công ty dịch vụ tư vấn hướng nghiệp, cũng chia sẻ lúc mới ra trường, anh từng “dính chưởng” một công ty vì sếp toàn hứa suông, điển hình là xét tăng lương. Chưa kể, nhân viên trong công ty bị giao nhiều việc và phải tự mày mò để giải quyết.
“Hồi mới vô làm, tôi không được ai hướng dẫn. Đã đành vậy, mỗi lần làm chưa đúng ý sếp, ông ấy lại lôi tôi ra chỉ trích với lời lẽ nặng nề trước mặt mọi người. Những lúc đó, tôi cảm thấy mình không được tôn trọng. Đồng nghiệp xung quanh cũng không dám tiếp xúc với tôi vì sợ bị vạ lây, mích lòng sếp”, anh Khoa chia sẻ.
Làm gì khi đối mặt với công ty red flag?
PV Thanh Niên khảo sát nhanh 10 người lao động dưới 35 tuổi về giải pháp ứng phó với công ty “red flag”.
Đa số đều cho biết không có công ty nào hoàn hảo và “xanh” mọi mặt, do đó, người lao động phải điều tiết những mong muốn của mình, cân nhắc, kiểm tra công ty trước khi nhận việc. Trường hợp đã đi làm rồi, người lao động cần quan sát, đánh giá môi trường làm việc để xem có “dễ thở” và công bằng không.
“Nếu mỗi sáng thức dậy, người lao động đều thở dài, đi làm nhưng không thấy vui vẻ nữa, thì nên cân nhắc đổi việc. Trong quá trình làm việc, người lao động nên tìm kiếm sự hỗ trợ, trao đổi kịp thời với sếp hoặc bộ phận nhân sự để tránh dồn nén khúc mắc và mâu thuẫn. Tinh thần đối thoại rất quan trọng trong công sở”, chị Hiền, nhân viên phòng nhân sự của công ty về dịch vụ ăn uống ở Q.1, TP.HCM, nêu ý kiến.
Nguồn: thanhnien.vn