Theo Viện KSND, đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mà đã nộp được 3/4 tài sản, tức nộp 280.000 tỉ đồng, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn thi hành án.
Theo Viện kiểm sát (VKS), đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mà đã nộp được 3/4 tài sản, tức nộp 280.000 tỉ đồng, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn thi hành án (THA). Trong quá trình tổ chức xử lý tài sản tại giai đoạn THA, nếu bị cáo Lan tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, thì có thể nộp đơn lên Chủ tịch nước xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa ghi nhận bị cáo Lan tự nguyện dùng 658 mã tài sản, dự án 6A, tiền mặt và một số tài sản khác để khắc phục, cho thấy bị cáo đã có thái độ tích cực hợp tác, nỗ lực khắc phục hậu quả, VKS đề nghị tòa ghi nhận điểm này cho bị cáo.
“Tuy nhiên, số tiền tham ô là quá lớn, chưa từng có trong lịch sử. Hậu quả để lại không biết đến khi nào mới khắc phục, ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội, nền kinh tế, thị trường tài chính, bất động sản… Để ngân hàng (NH) không đổ vỡ, phá sản thì nhà nước phải nỗ lực rất nhiều. Mà tiền của nhà nước là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân”, đại diện VKS nêu.
Từ đó, VKS đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan y án tử hình về tội tham ô tài sản và 20 năm tù tội đưa hối lộ.
VKS đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lan, tuyên phạt từ 16 – 18 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (sơ thẩm 20 năm tù). Tổng hình phạt chung mà bị cáo Lan bị đề nghị là án tử hình cho cả 3 tội danh. Bị cáo còn bị đề nghị bồi thường cho NH SCB hơn 673.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, cũng theo VKS, 440 mã tài sản của bị cáo thực chất là không định giá được chứ không phải định giá bằng 0 đồng. Các tài sản này sẽ có giá trị khi THA và đã có đầy đủ cơ sở pháp lý. Còn 658 mã tài sản đang bị kê biên của bị cáo Lan cũng có nhiều mã là do người khác đứng tên, chưa đánh giá được giá trị thực chất của tài sản.
Tại tòa, bị cáo Lan yêu cầu không giao tài sản bị kê biên là dự án 6A cho SCB xử lý mà giao cho cơ quan THA tổ chức. Bởi bị cáo lo ngại rằng NH này không có khả năng xử lý, sẽ gây thất thoát tài sản cho nhà nước.
Về vấn đề này, VKS cho rằng đây là vụ án hình sự nên không thể giao cho SCB quản lý xử lý tài sản mà phải có các cơ quan liên quan phối hợp tham gia, như cơ quan điều tra, VKS giám sát để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Đáng chú ý, VKS đã thay đổi quan điểm về giảm án cho bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB). Cụ thể, VKS đề nghị tòa giảm án thêm cho bị cáo Hoàng, tuyên phạt bị cáo từ 15 – 16 năm tù về tội tham ô tài sản. Trước đó hôm 15.11, VKS đề nghị tòa sửa án sơ thẩm để giảm án cho bị cáo từ 18 năm xuống còn 16 – 17 năm tù. Lý do là bị cáo Hoàng có thêm tình tiết giảm nhẹ mới như như nộp 1,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, tham gia công tác thiện nguyện…
VKS vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị tòa bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt án chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát NH II) đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD của bị cáo Lan.
Nguồn: thanhnien.vn