Wednesday, November 27, 2024

Nỗ lực xử lý nhà đất ‘vàng’ hoang phế

Lẩn khuất trong ánh sáng rực rỡ của hàng quán nhộn nhịp người ra vào trên những tuyến đường trung tâm TP.HCM là các khu nhà đất công tối om, bỏ trống nhiều năm liền.

Nhà đất công đóng cửa, bỏ trống nhiều năm

Trong kết luận thanh tra về việc quản lý nhà đất tại Q.1 mới đây, Thanh tra TP.HCM chỉ ra hàng chục khu đất chưa sử dụng đúng phương án phê duyệt, bỏ trống nhiều năm liền dẫn đến lãng phí.

Nỗ lực xử lý nhà đất 'vàng' hoang phế

Khu đất thương xá Tax ở ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi (Q.1, TP.HCM) bỏ trống từ khi tháo dỡ cuối năm 2016 đến nay

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

UBND Q.1 được UBND TP.HCM phê duyệt theo dõi, quản lý 186 địa chỉ nhà đất. Thông qua rà soát, địa phương ghi nhận thêm 42 nhà đất khác thuộc sở hữu nhà nước, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý gửi Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) từ năm 2019 nhưng đến nay chưa được phê duyệt. Qua kiểm tra 53 địa chỉ, Thanh tra TP.HCM xác định có 19 nhà đất chưa thực hiện đúng phương án phê duyệt, gồm 15 địa chỉ phê duyệt bán đấu giá nhưng 4 địa chỉ đang để trống, 11 địa chỉ khác sử dụng tạm làm trụ sở và hoạt động của phường. Ngoài ra, 13 địa chỉ khác đang để trống gần 2 năm mà chưa khai thác bị Thanh tra TP.HCM đánh giá sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Hiện Thường trực Ban chỉ đạo 167 đều báo cáo UBND TP.HCM phương án xử lý, trung bình tháo gỡ khoảng 5 – 7 địa chỉ/tuần. Với hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công, nếu không số hóa, không nghiên cứu bài bản thì không tháo gỡ nhanh được.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM

Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.1 được giao quản lý 108 địa chỉ theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ, cho các mục đích như tiếp tục quản lý theo quy hoạch, tạm quản lý cho thuê, điều chuyển cho đơn vị khác, bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Kiểm tra hiện trạng 37 địa chỉ, Thanh tra TP.HCM ghi nhận 7 địa chỉ có phương án là cho thuê nhưng hiện trạng để trống trên 12 tháng, là chưa khai thác, sử dụng hiệu quả, gây lãng phí tài sản.

Nỗ lực xử lý nhà đất 'vàng' hoang phế

Khu đất vàng 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng (Q.1) bỏ hoang nhiều năm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, các địa chỉ bỏ trống đều nằm ở những vị trí đắc địa trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hồ Tùng Mậu, Trần Hưng Đạo, Trần Cao Vân. Đơn cử như mặt bằng tầng trệt số 48 – 52 Trần Hưng Đạo (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) rộng 250 m2 để trống từ tháng 5.2021 do hỏa hoạn, sau đó đơn vị thuê cải tạo, sửa chữa lại và bàn giao nhà trống cho công ty công ích từ tháng 8.2023, nhưng đến nay chưa có ai thuê. Trong khi đó, các mặt bằng bên cạnh thì nhộn nhịp. Đáng tiếc nhất là mặt bằng tầng trệt số 82 Lê Lợi để trống từ năm 2013 đến nay.

Cách đó không xa, căn nhà số 86 – 88 Hồ Tùng Mậu (P.Bến Nghé) rộng 385 m2 cửa đóng then cài, trong khi 2 căn nhà bên cạnh luôn sáng đèn đón thực khách ra vào. Từ đầu năm 2023 đến nay, khu đất này bỏ trống, không có người trông coi, phần vỉa hè phía trước căn nhà bị chiếm dụng làm bãi đậu xe gắn máy. Phần mái nhà hư hỏng nặng, trống hoác, ban công cây dại mọc um tùm.

Một địa chỉ khác được phê duyệt phương án cho thuê là căn nhà 3 tầng số 51 Nguyễn Huệ nhưng đóng cửa im lìm gần 2 năm qua, trong khi cửa hàng tiện lợi và quán cơm bên cạnh luôn nhộn nhịp. Theo thống kê, riêng 7 nhà đất bỏ trống của công ty có tổng diện tích sàn hơn 1.100 m2, còn 6 mặt bằng bỏ trống chưa thực hiện bán đấu giá rộng hơn 1.100 m2.

“Sốt ruột” nhưng vẫn phải chờ

Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.1, cho biết doanh nghiệp chỉ được “quản hộ, giữ hộ”, tức là UBND TP.HCM giao cho doanh nghiệp quản lý và thu tiền thuê nhà nộp vào ngân sách. Công ty không được quyết định vấn đề gì, kể cả chi phí quản lý cũng không được sử dụng. Theo ông Trung, các hợp đồng thuê nhà phần lớn đều do lịch sử để lại, công ty chỉ tiếp tục quản lý, ký hợp đồng tiếp tục cho thuê ngắn hạn. Khi mặt bằng bị trả lại, nếu muốn cho đơn vị mới thuê thì các sở, ngành tham mưu cho UBND TP.HCM phương án, đơn giá cho thuê.

Nỗ lực xử lý nhà đất 'vàng' hoang phế

Nhà số 86 – 88 Hồ Tùng Mậu (Q.1) đang bỏ trống

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Trung cho biết thêm, khi căn nhà xuống cấp cần phải duy tu, sửa chữa rồi mới cho thuê tiếp; nhưng công ty cũng không thể tự lấy kinh phí ra sửa. “Dùng tiền nhà nước phải có chủ trương, quy định”, ông Trung nói. Một bất cập khác khiến mặt bằng để trống vì không xác định được đơn giá cho thuê, không rõ quy trình đấu giá, đấu thầu.

Muốn cho thuê tiếp thì cần những gì, PV Thanh Niên đặt câu hỏi. Ông Trung giải đáp, đầu tiên là phải có người thuê, thứ hai là phải có cơ chế, quy trình, quy định, đơn giá. Hiện các đơn vị cho thuê theo đơn giá từ hơn 20 năm trước, điều chỉnh hằng năm. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2024 có hiệu lực từ ngày 15.10 giao cho UBND TP.HCM xây dựng đơn giá. Trả lời câu hỏi có cho thuê theo giá thị trường được không, ông Trung phân trần: “Quy định nào, cơ sở nào, ai cho phép. Đây là tài sản nhà nước, tiền thuê nhà nộp vào ngân sách. Mình làm cảm tính rồi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào hỏi cơ sở nào, đó là dấu hiệu hình sự”.

Theo khảo sát, mặt bằng nhà đất bỏ trống là thực trạng chung của các công ty dịch vụ công ích quận, huyện cũng như một số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Không chỉ vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng gặp vướng mắc trong việc sử dụng mặt bằng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết. Muốn cho thuê phải lập đề án trình các sở, ngành, rồi trình Chủ tịch UBND TP.HCM phê duyệt, dù diện tích cho thuê chỉ vài chục mét vuông. Chưa kể, một số khu đất liên quan đến các vụ án cũng đang bỏ trống nhiều năm như số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, 8 – 12 Lê Duẩn, số 34 – 36 và 42 Chu Mạnh Trinh (P.Bến Nghé, Q.1)…

Tổng rà soát nhà đất không sử dụng

Theo kế hoạch xử lý các dự án tồn đọng, công trình không hiệu quả, UBND TP.HCM xác định có 3 nhóm liên quan đến nhà đất công cần rà soát, gồm: trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa chưa được đưa vào sử dụng; các công trình, dự án tồn đọng liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Nỗ lực xử lý nhà đất 'vàng' hoang phế

Mặt bằng tầng trệt số 48 – 52 Trần Hưng Đạo (Q.1) đóng cửa im lìm

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức, cho biết TP.Thủ Đức được sáp nhập từ tháng 1.2021, dôi dư khoảng 29 trụ sở do trước đây có 3 đơn vị thì nay còn 1 đơn vị. Các trụ sở dôi dư thực hiện theo Nghị định 167/2017 và Nghị định 67/2021 về quản lý, sử dụng tài sản công, Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn việc sắp xếp. Ông Dũng cho biết Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức có nghị quyết riêng để thực hiện việc sắp xếp, UBND TP.Thủ Đức đang tham mưu việc bố trí. Vừa qua, địa phương thành lập 3 trung tâm: xúc tiến đầu tư, an sinh, hạ tầng kỹ thuật nên đã sử dụng trụ sở dôi dư bố trí cho 3 đơn vị mới.

Ông Dũng giải thích việc sử dụng nhà đất không chỉ liên quan quy định tài sản công mà còn thực hiện theo quy hoạch. Đơn cử như Chi cục Thuế TP.Thủ Đức cần xây dựng tòa nhà 12 tầng mới đủ chỗ làm việc, muốn đầu tư phải điều chỉnh quy hoạch mới đủ điều kiện khởi công. Hiện các trụ sở dôi dư được giao về cho các phường quản lý.

Trong đợt giám sát việc thực hiện chủ đề năm 2024 của HĐND TP.HCM hồi tháng 10.2024, đề án quản lý tài sản nhà đất công được đại biểu quan tâm. Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng ban Kinh tế – ngân sách, đánh giá tiến độ thực hiện đề án quản lý tài sản nhà đất công thực hiện khá chậm, chưa sử dụng hiệu quả dẫn đến lãng phí. Bà Ngọc đề nghị Sở Tài chính đánh giá việc sử dụng tài sản công ở các đơn vị sự nghiệp công lập và cần tăng cường chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực này.

Nỗ lực xử lý nhà đất 'vàng' hoang phế

Nhà số 51 Nguyễn Huệ (Q.1) đóng cửa trong khi những cửa hàng bên cạnh luôn sáng đèn

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết hiện nay toàn TP.HCM có hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công với khối lượng hồ sơ giấy dài khoảng… 300 m. Từ năm 2022, Sở Tài chính thuê Trường Đại học Kinh tế – Luật làm tư vấn đề án quản lý tài sản công nhưng tiến độ rất chậm vì thiếu kinh phí, nhân sự lãnh đạo thay đổi. Ông Hải cho biết TP.HCM đưa ra 12 chuyên đề để đánh giá, phân loại, như nhóm tài sản trước năm 1975 để lại, tài sản xử lý dôi dư, tài sản công đã giao cho Công ty quản lý kinh doanh nhà, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng). “Rất nhiều tài sản công cần đánh giá, phân nhóm và khuyến nghị phương án xử lý với từng nhóm”, ông Hải nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính, hiện Thường trực Ban chỉ đạo 167 đều báo cáo UBND TP.HCM phương án xử lý, trung bình tháo gỡ khoảng 5 – 7 địa chỉ/tuần. Với hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công, ông Hải cho biết nếu không số hóa, không nghiên cứu bài bản thì không tháo gỡ nhanh được. Sở Tài chính đang phối hợp Trung tâm Chuyển đổi số, Sở QH-KT, Trung tâm Lưu trữ quốc gia thực hiện chỉnh lý, số hóa toàn bộ hồ sơ nhà đất công, dự kiến hoàn thành dịp 30.4.2025. Khi đó, TP.HCM sẽ đánh giá được hiện trạng các địa chỉ nhà đất đang bỏ trống.

Thanh tra phát hiện cho được điểm nghẽn để tháo gỡ

Tại hội thảo do Thành ủy TP.HCM tổ chức mới đây, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cũng nêu thực trạng nhiều mặt bằng bỏ trống rất lãng phí.

Theo bà Thảo, công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện cho được những điểm nghẽn để đề xuất tháo gỡ chứ không chỉ dừng lại ở việc quy kết làm không đúng văn bản này, văn bản kia. Bởi lẽ, có khi văn bản pháp luật đã lạc hậu, xung đột mà cứ ghè vô văn bản này, văn bản khác nhưng không tháo gỡ điểm nghẽn đó thì sẽ rất khó khăn.

“Tôi nhìn thấy nhiều mặt bằng để trống, rất lãng phí mà ta không dám sử dụng làm dịch vụ cho ngành, hay làm bãi giữ xe. Muốn làm phải lập đề án, nhưng trình lên không ai duyệt rồi kéo dài cho đến giờ này. Thanh tra, kiểm tra cứ nói làm sai quy định này, quy định kia thì rất khó. Phải đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn như thế nào”, bà Thảo chia sẻ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img