Saturday, December 7, 2024

Cán bộ gây thất thoát, lãng phí có thể lãnh án 20 năm tù?

Theo luật sư, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là một trong những tội danh nghiêm trọng được quy định tại bộ luật Hình sự 2015.

Liên quan đến tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự, luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho biết, các hành vi gây thiệt hại hoặc lãng phí tài sản nhà nước không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách mà còn làm giảm hiệu quả trong quản lý tài sản công, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.

Do đó, bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ các khung hình phạt để răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này.

Các yếu tố cấu thành tội phạm gây thất thoát, lãng phí

1Mặt khách quan của tội phạm

Theo luật sư Hiệu, mặt khách quan của tội này thể hiện qua các hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí bao gồm:

  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước, chẳng hạn như mua sắm tài sản vượt mức tiêu chuẩn, sử dụng tài sản không đúng mục đích, hoặc để tài sản xuống cấp mà không bảo trì đúng cách.
  • Sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, hoặc sử dụng tài sản không theo tiêu chuẩn, định mức quy định. Không bảo quản tài sản công dẫn đến hư hỏng hoặc xuống cấp, gây thiệt hại.

2. Mặt chủ quan của tội phạm. 

Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể gây ra hậu quả xấu cho xã hội và tài sản nhà nước, thấy trước được hậu quả và mong muốn hậu xảy ra.

3. Mặt khách thể của tội phạm

Luật sư Phùng Văn Hiệu cho rằng, tội phạm này xâm phạm đến chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp. Đối tượng bị xâm phạm là tài sản nhà nước, bao gồm tiền, tài sản vật chất, hoặc các nguồn lực khác do nhà nước sở hữu.

4. Mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải là những người được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Các cá nhân này phải có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

5. Hậu quả của hành vi

Hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước phải gây ra thất thoát hoặc lãng phí tài sản nhà nước là tội có cấu thành vật chất nên hậu quả gây thiệt hại đến tài sản nhà nước là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Cán bộ gây thất thoát, lãng phí có thể lãnh án 20 năm tù?

Luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương

ẢNH: NVCC

Hình phạt tội phạm gây thất thoát, lãng phí

1. Các khung hình phạt chính

Luật sư Hiệu cho biết, tội danh này có 3 khung hình phạt chính:

Theo khoản 1 điều 219: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm nếu gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng. Gây thất thoát dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm.

Theo khoản 2 điều 219: Phạt tù từ 3 – 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như:

  • Vụ lợi (người phạm tội thực hiện hành vi vì lợi ích cá nhân).
  • Có tổ chức (hành vi phạm tội được thực hiện bởi nhiều người hoặc có sự tham gia của tổ chức).
  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (che giấu hành vi hoặc sử dụng phương thức gian lận để thực hiện).
  • Gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.

Theo khoản 3 điều 219: Phạt tù từ 10 – 20 năm khi gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước từ 1 tỉ đồng trở lên.

2. Hình phạt bổ sung

Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, gồm:

  • Cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
  • Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản có liên quan đến hành vi phạm tội.

Ý nghĩa của việc quy định tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Việc quy định tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ tài sản công của nhà nước, gồm:

  • Cải cách trong phòng chống tội phạm: bộ luật Hình sự năm 2015 thay thế tội danh “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” được quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự năm 1999 bằng các tội danh cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và dễ áp dụng trong thực tiễn.
  • Bảo vệ tài sản nhà nước: Việc quy định cụ thể các hành vi vi phạm và hình phạt nghiêm khắc nhằm bảo vệ tài sản nhà nước, tránh lãng phí và thất thoát trong quá trình quản lý, sử dụng nguồn lực công.
  • Răn đe, phòng ngừa tội phạm: Các mức hình phạt được quy định rõ ràng, đặc biệt là các khung phạt tù từ 1 – 20 năm tù, giúp răn đe, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm tài sản của nhà nước.

Cũng theo luật sư, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là một trong những tội danh nghiêm trọng theo bộ luật Hình sự 2015.

Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về mặt vật chất mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân vào việc quản lý tài sản công.

Do đó, các cá nhân có trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật để đảm bảo tài sản công được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img