Saturday, December 7, 2024

Đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí

VTV.vn – Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí đã giảm từ 30-40%, thậm chí có đơn vị còn giảm tới 70%.

Sáng 28/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Tại dự thảo dự án luật này có nội dung đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí từ 20% xuống còn 15%. Báo in thì vẫn giữ ở mức 10% như trước. Đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên mức đề xuất này theo ý kiến thì vẫn chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn cho cơ quan báo chí.

Chưa bao giờ các cơ quan báo chí phải đối mặt với nghịch cảnh như hiện nay. Nhiều cơ quan báo chí đã tự chủ song doanh thu thì càng ngày càng sụt giảm, chi phí sản xuất thì lại ngày một tăng. Trong khi đó, vẫn cần đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí đã giảm từ 30-40% kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đến nay, thậm chí có đơn vị còn giảm tới 70%, do chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho các cơ quan báo chí đang tự chủ hoặc tự chủ 1 phần gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động, thậm chí nhiều nhân sự cũng đã chủ động rời đi.

“Chúng tôi đang phải đối mặt với những nghịch cảnh chưa từng có như bây giờ. Đó là chi phí sản xuất cho nội dung tăng lên, trong khi đó doanh thu từ quảng cáo giảm 60-70%. Anh chị em thấy thu nhập không đảm bảo thì họ cũng tìm thu nhập khác để họ đảm bảo cuộc sống ổn định gia đình của họ”, ông Lê Xuân Thành – Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ.

Ông Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Quảng cáo sụt giảm với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Sau đại dịch Covid-19 thì mức độ sụt giảm này còn nhanh hơn, với nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam mức độ sụt giảm như chúng tôi được biết còn lên đến khoảng 70%”.

Sáng 28/11, thảo luận tại Hội trường các đại biểu cho rằng mức thuế áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện nay là quá cao. Đây là các lĩnh vực quan trọng, phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông, không phải lĩnh vực kinh doanh nên cần sự ưu đãi thuế nhiều hơn nữa.

Đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí

Đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí - Ảnh 1.

Đa số ý kiến các đại biểu đều kiến nghị cần áp dụng mức thuế suất ưu đãi sâu hơn nữa cho các cơ quan báo chí, thay vì mức 15% như dự thảo đề xuất. Ảnh: Hội Nhà báo

Thảo luận tại Hội trường sáng 28/11, đa số ý kiến các đại biểu đều kiến nghị cần áp dụng mức thuế suất ưu đãi sâu hơn nữa cho các cơ quan báo chí, thay vì mức 15% như dự thảo đề xuất. Thậm chí có đại biểu còn kiến nghị miễn hẳn thuế.

Đóng góp ý kiến, các đại biểu khẳng định: Báo chí là hoạt động chính trị xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn. Các phóng viên, nhà báo làm việc ngày đêm, bất kể giờ giấc nhưng thu nhập đang giảm sút rất nhiều, hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều thách thức.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nêu ý kiến: “Lao động đêm hôm sớm tối, nhất là phóng viên nữ rất khó khăn. Chỉ giảm thu 1 chút thôi đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của anh chị em. Dù rất yêu nghề, say sưa với nghề nhưng thu nhập giảm, họ cũng phải lo cho gia đình con cái đi học”.

Để bảo đảm cho các các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, các đại biểu đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí. Không chỉ giảm thuế xuống 10% mà còn có thể giảm sâu hơn, thậm chí miễn hẳn thuế.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng: “Quốc hội cho giảm thuế tất cả các loại hình báo chí xuống còn 10% thì nó sẽ rất tốt, giảm thêm 5% thì ngân sách nhà nước cũng không mất đi nhiều vì doanh thu của báo chí hiện nay đang rất khó khăn. Khi chúng ta giảm thuế thì chúng ta lại tăng giá trị thông tin, tăng giá trị tinh thần để anh em làm việc tốt hơn. Cũng là sản phẩm báo chí nhưng để làm cho xong, lấp sóng thì lại khác. Nhưng nếu làm có hồn, có tâm huyết vào đấy thì chắc chắn cả xã hội được hưởng lợi”.

“Báo chí tập trung vào nhiệm vụ chính trị là chính, làm thêm là rất nhỏ. Đa số là không có doanh thu, không nộp thuế được đâu, nên tôi đề nghị cái này là miễn”, Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho ý kiến.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm: “Đề xuất mức thuế 10% hoặc nếu được thì có thể thấp hơn với phần thu nhập chịu thuế từ ngoài hoạt động chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện”.

Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, nếu Quốc hội đồng ý thì sẽ đề xuất áp dụng thuế suất 10% cho tất cả các loại hình báo chí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ch biết: “Đối với báo in và các loại báo khác 10%. Nếu Quốc hội đồng ý thì chúng tôi đề xuất là 10%. Chúng tôi cũng đã trao đổi với Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất những nội dung này để giúp cho các cơ quan báo chí”.

Nhiều năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam được xem là phương tiện, vũ khí rất quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật đến mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Báo chí cũng góp phần đấu tranh với những thông tin xấu độc, phản động, chống phá, đóng góp lớn trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội. Việc miễn, giảm thuế sẽ là động lực để các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian tới.

Không chỉ ở Việt Nam, việc miễn, giảm thuế để hỗ trợ cho cơ quan báo chí cũng đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông truyền thống gặp khó khăn vì sự cạnh tranh từ các nền tảng kỹ thuật số.

Tại Ấn Độ, Hàn Quốc, hay liên minh châu Âu EU hoàn toàn miễn thuế hàng hóa và dịch vụ đối với các ấn phẩm báo in. Các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu cũng rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các sản phẩm báo chí kỹ thuật số, trong đó nổi bật là Na Uy, khi là quốc gia Bắc Âu đầu tiên miễn thuế giá trị gia tăng VAT đối với tin tức kỹ thuật số. Hoặc hình thức hỗ trợ khác như năm 2020, Pháp chọn hình thức hỗ trợ tín dụng thuế lên tới 50 Euro cho mỗi hộ gia đình khi đăng ký tin tức báo chí. Ngân sách của biện pháp này được ấn định ở mức 120 triệu Euro (khoảng 143,6 triệu USD). Người thụ hưởng trực tiếp là cá nhân, còn gián tiếp là các cơ quan báo chí và ấn phẩm truyền thông, khi doanh thu của cơ sở được mở rộng.

Việc các quốc gia đều có chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động báo chí, thể hiện rõ ý chí của chính phủ các nước trong việc hỗ trợ và đảm bảo quyền tiếp cận báo chí của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img