Không thể phủ nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật trong thực tế: Học sinh đi học thêm để thi cử; phụ huynh muốn con học thêm vì có nơi gửi con; giáo viên muốn dạy thêm vì có thêm thu nhập, giúp được học trò…
Đến cổng các trường tiểu học ở TP.HCM vào mỗi giờ học sinh tan học, sẽ không hiếm để bắt gặp hình ảnh các phụ huynh hoặc người giúp việc mở các phần đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn trong các tô, hộp để giục các con ăn cho mau, sau đó chở con đến lớp học thêm ca tối. Một phụ huynh trú ở huyện Bình Chánh, TP.HCM làm nhiệm vụ đưa rước cháu của mình (học sinh tại quận 1) mỗi buổi chiều cho biết sang năm cháu lên lớp 6, gia đình cần bồi dưỡng thêm cho con kiến thức toán, tiếng Việt, tiếng Anh để vào một ngôi trường có tiếng. “Ba mẹ cháu nói chỉ học trên lớp thì khó mà vượt qua kỳ khảo sát đánh giá năng lực để chọn thí sinh vào lớp 6 của trường này nên từ lớp 3 là đã đăng ký cho cháu học thêm các buổi chiều, sau khi tan học. Học từ 17 giờ tới 19 giờ”, chị này nói.
Chị T.T, phụ huynh có con học lớp 2 tại quận 5, TP.HCM cũng đăng ký cho con học thêm 3 buổi trong tuần với môn tiếng Anh, còn lại là học võ thuật, bơi lội. Chị này cho hay nếu chỉ học tiếng Anh trong lớp thì khó mà rèn được cho con các kỹ năng nghe – nói tốt. Học thêm ở ngoài với sĩ số lớp ít hơn, con có môi trường được thực hành tiếng Anh nhiều hơn, vừa học vừa chơi, không tạo cho con áp lực gì.
Thanh Vân, học sinh lớp 9 một trường THCS tại quận 12, TP.HCM cho biết chỉ học thêm tiếng Anh tối thứ ba, thứ năm và 3 buổi tối trong tuần sẽ học bóng chuyền (thứ hai, tư, sáu). “Lúc đầu em nghĩ là em không đủ thời gian làm bài tập nhưng em nghĩ lại là có thể do mình không biết tranh thủ thời gian. Sau đó khi em đã sắp xếp được rồi, em sẽ tranh thủ làm bài tập, đọc trước bài học ngày hôm sau để lên lớp nghe thầy cô giáo giảng bài sẽ tiếp thu tốt hơn”, Thanh Vân nói.
Theo Thanh Vân, học thêm là nhu cầu rõ ràng có thể thấy của nhiều học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, theo góc nhìn của bạn, học sinh cần là người hiểu sức học của mình ở đâu để đăng ký học những môn thật sự cần thiết, không học thêm tràn lan để có thời gian tự học, nghỉ ngơi, tham gia những môn thể thao mình thích. “Học sinh chỉ nên học thêm những môn mình thực sự yếu, hoặc những môn mình muốn học nâng cao lên, hoặc học thêm kỹ năng sống để có ích cho bản thân”, nữ sinh lớp 9 chia sẻ.
Học lực khá giỏi vẫn đi học thêm để… có động lực học tập
Thực tế ghi nhận của phóng viên cho thấy không ít học sinh bậc THCS, THPT tự đề xuất với cha mẹ cho con được đi học thêm thầy A, cô B… vì biết đây là những thầy cô có tiếng ở TP.HCM, người dạy toán giỏi, người dạy ngữ văn hay, người dạy tiếng Anh truyền cảm hứng… sẽ giúp cho mục tiêu trong học tập của em này đạt được.
Một giáo viên dạy toán Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM nay đã nghỉ hưu, hiện dạy các lớp ôn luyện toán cho học sinh THPT, cho biết rất nhiều học sinh của cô học lực khá, giỏi nhưng vẫn đến đăng ký bằng được để được học thêm toán. Các em đi học thêm cũng không phải để luyện đề mà để có một cộng đồng học tập, để gặp được cô giáo dạy giỏi, gặp gỡ các bạn bè có cùng chí hướng học tập, trong giờ học các bạn cùng thảo luận, tìm các cách giải khác nhau, có thêm động lực học hành hơn.
“Giáo viên lúc bấy giờ không phải là người chỉ cho các bạn đáp án đúng, mà là người định hướng cho các bạn lộ trình ôn tập, thời điểm này nên học cái gì, khi nước rút thì ôn tập thế nào. Đồng thời, giáo viên gợi mở phương pháp, để các bạn tự tìm ra đáp án”, cô giáo này chia sẻ.
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề nóng trong giáo dục
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM, cho biết từ trước đến nay thì dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề nóng trong giáo dục. Dự thảo thông tư mới của Bộ Giáo dục – Đào tạo về dạy thêm học thêm có một số điểm thoáng hơn thông tư cũ, trong đó cho phép giáo viên được dạy thêm chính học sinh của mình.
Về điều này, có người đồng tình, có người không đồng tình vì họ lo ngại rằng việc này có thể dẫn tới tiêu cực như ép học sinh học thêm ở nơi mình dạy thêm. Tuy nhiên theo nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, ông đồng tình với dự thảo thông tư mới của Bộ Giáo dục – Đào tạo về dạy thêm học thêm. Bởi theo nhà giáo Nguyễn Văn Ngai dù trước đây chúng ta có quy định cấm dạy thêm học thêm nhưng chúng ta có kiểm soát hết được việc này không, vẫn có những trường hợp giáo viên làm cách này hay cách khác để dạy thêm, học sinh tìm được cách để đi học thêm được người thầy mà mình thích.
“Học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, phụ huynh học sinh. Mỗi học sinh sẽ có nhu cầu học thêm khác nhau. Với những học sinh chưa nắm vững kiến thức được trên lớp vì nhiều lý do, thì các em có thể đến lớp học thêm để củng cố, ôn tập kiến thức. Với những học sinh khá, giỏi thì đến lớp học thêm để được nâng cao, đào sâu kiến thức hơn. Rồi những học sinh mong muốn được ôn tập sâu hơn để thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực, các em cũng có nhu cầu đi học thêm”, nhà giáo Nguyễn Văn Ngai cho hay.
Ông Ngai nhấn mạnh: “Quan trọng là việc quản lý việc dạy thêm học thêm ra sao cho hiệu quả, thực chất, không xảy ra việc ép học sinh đi học thêm; dạy thêm học thêm đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh và thầy cô giáo được đàng hoàng dạy thêm. Lãnh đạo, trường lớp cần có những biện pháp tích cực để làm tốt tư tưởng cho thầy cô giáo để họ là những người gương mẫu, đi dạy là vì học sinh thân yêu, làm những gì tốt đẹp cho các em học sinh. Nhà trường, địa phương, nơi mà các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm cũng cần phối hợp ra sao để quản lý cho tốt”. Đồng thời ông Ngai đề xuất, có thể có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể dạy thêm học thêm đúng quy định, ví dụ nếu sai quy định thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào…
Nguồn: thanhnien.vn