VTV.vn – Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 7 nghìn người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có hơn 6,5 nghìn trường hợp đã được quản lý, đưa vào điều trị.
Chỉ tính riêng trong năm nay đã phát hiện 356 trường hợp nhiễm HIV mới (trong đó 155 trường hợp có địa chỉ thường trú trong tỉnh). TP Biên Hòa là địa phương có số người nhiễm HIV nhiều nhất với hơn 4,7 nghìn trường hợp.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình hình dịch HIV/AIDS tại Đồng Nai hiện đang ở giai đoạn dịch tập trung. Dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm chững lại, tuy nhiên nhóm người nhiễm HIV phát hiện trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ tuổi từ 15-34 tuổi đang gia tăng chiếm gần 60%, tập trung ở khu vực thành thị, nơi nhiều khu công nghiệp. Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do các yếu tố liên quan di dân biến động nhiều giữa các tỉnh, thành phố lân cận, nhất là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp.
Vì vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của các sở ban ngành, đặc biệt sự quan tâm của thanh niên các công ty, doanh nghiệp, nhà máy tại các khu công nghiệp; học sinh sinh viên…tiếp tục chung tay vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để thực hiện tốt các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vào năm 2030.
Ngành Y tế Đồng Nai xác định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng; nâng cao sự hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Trong đó, sẽ tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV. Cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Đẩy mạnh truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV như: xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tổ chức các điểm cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp…