Sau khi hứng chịu những đòn trừng phạt của phương Tây cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng, đồng rúp của Nga đã rớt xuống mức tỷ giá thấp nhất so với đồng đô la Mỹ (USD). Kinh tế Nga đang thiên về mảng quân sự. Tuy nhiên, dường như Nga đang chủ ý chấp nhận tỷ giá thấp.
Rúp Nga sụt mạnh sau đòn trừng phạt mới của Mỹ
Cụ thể hôm 27/11/2024, đồng rúp của Nga chạm mức 110 so với đồng USD lần đầu tiên kể từ ngày 16/3/2022 (thời điểm những tuần đầu tiên của “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động nhằm vào Ukraine). Trước khi Nga tiến công quân sự vào Ukraine vào tháng 2/2022, đồng nội tệ Nga được giao dịch với tỷ lệ “một USD ăn khoảng 75-80 rúp”.
Mức giảm mới nhất xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Mỹ giới thiệu các gói trừng phạt nhằm vào Gazprombank – ngân hàng lớn thứ 3 của nước Nga. Ngân hàng này đóng vai trò chủ chốt trong xử lý các khoản thanh toán cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên còn lại của Nga sang châu Âu.
Các đợt trừng phạt trước đó đã chừa khí đốt Nga ra do nền kinh tế châu Âu quá phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng nay EU đã bớt phải dựa vào nguồn cung của Nga. Các trừng phạt mới nhằm vào Gazprombank làm tăng khả năng Nga sẽ bị giảm nguồn thu từ khí đốt.
Đồng rúp suy yếu đe dọa làm xói mòn sức mua của Nga do nó làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa và có thể đẩy cao lạm phát của nước này hơn nữa.
Nga đang chật vật với lạm phát tăng cao, có thể lên tới mức 8,5% trong năm nay – gấp đôi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga.
Chỉ số borscht (xúp cải đỏ) – chỉ số theo dõi chi phí sinh hoạt trực tuyến chuyên giám sát mức giá của 4 thành phần cần thiết để làm món xúp truyền thống này tại Nga, phản ánh mức tăng 20% so với năm 2023.
Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy Ngân hàng Trung ương vào tháng 10 tăng lãi suất lên mức 21% – mức cao nhất trong hơn 20 năm. Dự báo, mức tăng còn cao nữa vào tháng 12 tới.
Ý đồ chiến lược của Nga
Tuy nhiên, đồng rúp yếu cũng giúp điện Kremlin tăng cường ngân sách, với nguồn thu lớn đến từ xuất khẩu năng lượng, để chi trả cho hoạt động quân sự ở Ukraine cũng như chi tiêu công.
Trong lúc châu Âu giảm đáng kể việc dựa vào năng lượng Nga thì Nga lại thành công trong việc tái định hướng tỷ lệ lớn xuất khẩu dầu mỏ sang các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong một bình luận hiếm hoi chính thức về tỷ giá hối đoái, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov bóng gió rằng Moscow hài lòng với việc để đồng rúp trượt giá. Ông này cho biết, đồng rúp yếu có lợi cho các công ty xuất khẩu, bù trừ lại tác động tiêu cực từ mức lãi suất cao chót vót của Ngân hàng Trung ương.
Bộ trưởng Siluanov phát biểu tại một hội nghị tài chính ở Moscow: “Tôi không nói rằng tỷ giá hối đoái hiện này là tốt hay xấu. Tôi chỉ nói rằng hôm nay, tỷ giá hối đoái đang rất, rất có lợi cho các nhà xuất khẩu”.
Nền kinh tế Nga đã chứng tỏ sự kiên cường trước các lệnh trừng phạt quốc tế và áp lực từ xung đột vũ trang, kiên cường hơn so với dự báo trước đó của nhiều quan chức phương Tây.
Về dài hạn, Nga vẫn đối mặt nhiều rủi ro
Mặc dù vậy, chi phí tăng vọt cho quân sự và tình trạng thiếu hụt lao động tại Nga do nhiều nam giới trong độ tuổi lao động đã phải ra mặt trận hoặc đi ra nước ngoài đã làm gia tăng mối quan ngại ở Moscow về tình trạng căng thẳng của nền kinh tế và khả năng duy trì lâu dài cuộc xung đột Ukraine tốn kém.
Tới 1/3 ngân sách Nga năm 2024 được phân bổ cho chi tiêu quân sự – mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Giới phân tích cho rằng nền kinh tế Nga bắt đầu bộc lộ dấu hiệu của hiện tượng stagflation (lạm phát kèm suy thoái).
Trong một báo cáo xuất bản trước đó trong tháng 11 này, các nhà kinh tế học tại Viện Dự báo kinh tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga nói rằng “hoạt động kinh tế chậm lại và chỉ số tài chính xấu đi đang trở nên ngày càng rõ trong một số ngành”.
Các nhà kinh tế Nga Alexander Kolyandr và Alexandra Prokopenko lập luận rằng tình trạng quân sự hóa tại Nga đã làm đình trệ tăng trưởng ở những khu vực khác của nền kinh tế.
Một báo cáo gần đây của 2 nhà kinh tế này có đoạn: “Nơi duy nhất mà tăng trưởng vẫn thấy rõ là các ngành liên quan đến quân sự. Còn những khu vực khác thì thiếu vắng sự tăng trưởng”.
Nguồn: vov.vn