Saturday, November 30, 2024

Ô tô Trung Quốc tràn vào nhiều, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi?

Chỉ trong thời gian ngắn, ô tô Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam với hàng loạt các thương hiệu và sản phẩm lấp đầy mọi phân khúc. Tuy nhiên, bán hàng rất chật vật.

Tràn vào Việt Nam

Trong hơn 1 năm qua, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của ô tô Trung Quốc. Tính đến nay, đã có gần 10 thương hiệu ô tô Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam. Đó là SAIC Motor, Wuling, BYD, Geely, GMW, Haima, Chery, GAC, Dongfeng… Những hãng xe lớn thuộc top 10 của Trung Quốc đều đã có mặt tại thị trường Việt Nam.

Các hãng xe Trung Quốc vào Việt Nam cũng mang theo dày đặc sản phẩm, phủ kín mọi phân khúc ô tô.

SAIC gia nhập thị trường Việt Nam sớm nhất, từ năm 2020, với thương hiệu MG, đến nay đã có một loạt các sản phẩm trải dài trên các phân khúc như sedan hạng C, hạng D, SUV hạng B, hạng C, MPV… Sản phẩm chủ đạo của MG vẫn là xe xăng, bên cạnh đó cũng có thêm mẫu xe thuần điện.

Ô tô Trung Quốc tràn vào nhiều, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi?

Wuling Mini EV khai mở phân khúc xe điện cỡ nhỏ tại Việt Nam.

Wuling là hãng xe điện đầu tiên khai mở thị trường ô tô điện cỡ nhỏ, với mẫu xe Mini EV, ra mắt khách hàng vào tháng 6/2023. Nay tiếp tục ra mắt thêm sản phẩm nữa là Bingo, thuộc phân khúc xe hạng A.

GWM gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 8/2023, với sản phẩm đầu tiên là mẫu xe hybrid mang thương hiệu Haval H6 HEV. Đây là chiếc SUV hạng C, có giá bán cao hàng đầu phân khúc. Đến nay chuẩn bị ra mắt mẫu xe tứ 2 là Haval Jolion hybrid thuộc phân khúc SUV hạng B.

Geely gia nhập thị trường Việt Nam cuối năm 2023 với thương hiệu Link & Co, hiện đã có 1 dải sản phẩm gồm xe thuộc phân khúc SUV hạng B, hạng C và hạng D, sedan hạng C… Link & Co là thương hiệu ô tô Trung Quốc có nhiều mẫu xe giá đắt ngang ngửa xe sang của Thụy Điển, Đức, Mỹ tại Việt Nam.

BYD ra nhập thị trường ô tô Việt Nam từ tháng 7/2024 với tất cả là xe thuần điện. Mặc dù mới gia nhập thị trường Việt Nam nhưng BYD đã có dải sản phẩm ô tô điện trải dài các phân khúc từ sedan hạng D, hạng E đến SUV hạng B, hạng D, hatchback hạng B, MPV.

Haima đã ra nhập thị trường ô tô Việt Nam vào cuối năm 2023 với sản phẩm là xe MPV cả bản thuần xăng và thuần điện. Trong khi GAC cũng ra mắt 2 mẫu xe thuộc phân khúc SUV cỡ D và Mini van vào cuối tháng 8/2024.

Mới đây hãng Chery Auto đã ra mắt mẫu xe đầu tiên là Omoda C5, thuộc phân khúc SUV hạng B; còn hãng xe Dongfeng vốn được biết đến với sản phẩm xe tải, cũng chuẩn bị ra mắt xe cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống tại Việt Nam.

Tham vọng lớn

Các hãng ô tô Trung Quốc đều coi Việt Nam là thị trường tiềm năng và quan trọng. Với quy mô dân số hơn 100 triệu người, kinh tế đang phát triển, dự báo thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030, từ 1,5 – 1,8 triệu xe năm 2035 và trên 6 triệu xe vào năm 2050.

Ô tô Trung Quốc tràn vào nhiều, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi?

Haval H6 HEV đã giảm giá gần 300 triệu đồng vẫn khó bán tại Việt Nam.

Với lĩnh vực giao thông vận tải, đã có lộ trình cụ thể: đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Với định hướng này, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho xe điện. Đây cũng là lý do mà các hãng xe của Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.

Các hãng xe Trung Quốc vào Việt Nam cũng có những kế hoạch đầy tham vọng như lọt vào top 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất trên thị trường. Đại lý bán ô tô Trung Quốc đang mọc lên như “nấm sau mưa” trên khắp cả nước.

Cùng với đó, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, có 24.613 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam, trị giá 732,7 triệu USD. So với cả năm 2023 chỉ nhập có 11.002 xe, với kim ngạch 394,2 triệu USD từ Trung Quốc thì 10 tháng năm 2024 đã tăng gấp hơn 2 lần về số lượng và gần 2 lần về giá trị. Hiện nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc chiếm 17% về số lượng và 24% về tổng giá trị nhập khẩu ô tô của cả nước.

Người tiêu dùng hưởng lợi?

Tuy tràn vào nhiều nhưng đến nay ô tô Trung Quốc bán hàng tại Việt Nam rất chật vật. Các hãng xe Trung Quốc không công bố doanh số bán hàng tháng nhưng qua một số nguồn tin cho thấy, thành công nhất trên thị trường đến nay thuộc về thương hiệu xe MG. Nửa đầu năm 2024 MG đạt doanh số bán hơn 4.000 xe, ước tính cả năm trên 8.000 xe; tiếp đến là Wuling Mini EV với doanh số bán trong năm nay khoảng 1.500 xe, còn lại hầu hết đều rất thấp, có nhiều thương hiệu chỉ đạt doanh số bán 2 con số, tức là chưa tới 100 xe cả năm.

Ô tô Trung Quốc tràn vào nhiều, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi?

Omoda C5 được bảo hành lên tới 1 triệu km cho toàn bộ xe.

Ông chủ đại lý của một hãng xe điện Trung Quốc cho biết, từ khi mở bán cách đây 3 tháng, mỗi tháng chỉ bán được từ 1-3 xe. Trong khi vốn đầu tư ban đầu là hơn 20 tỷ đồng, còn chi phí cố định hàng tháng hiện cũng hết hơn tỷ đồng mà chỉ bán được vài xe như vậy nên bị thua lỗ lớn.

Nếu so về số lượng, hiện các hãng xe Trung Quốc đã vượt các hãng xe của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU tại Việt Nam, sản phẩm cũng rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, doanh số vẫn lẹt đẹt. Ước tính, doanh số bán ô tô cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống, của tất cả các hãng Trung Quốc tại Việt Nam năm 2024, không vượt quá 15.000 xe. Chỉ tương đương với doanh số bán của 1 mẫu xe, của các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ.

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ định kiến về hàng Trung Quốc chất lượng không đáng tin cậy. Trong khi ô tô là tài sản có giá trị lớn, vì vậy, khi mua xe người Việt đặt chất lượng lên hàng đầu. Chiếc xe phải bền bỉ, tin cậy, ít hỏng vặt, chi phí bảo dưỡng thấp và giữ giá… Ô tô Trung Quốc hiện nay có thiết kế đẹp, rất nhiều tính năng, nhưng thương hiệu yếu, chất lượng vẫn chưa được kiểm chứng, mất giá lớn khi bán lại… Để thay đổi được những điều này trong tâm thức người tiêu dùng Việt Nam không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, ô tô Trung Quốc tràn vào nhiều sẽ tạo ra sự cạnh tranh sôi động trên thị trường, khiến các hãng xe của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU sẽ phải giảm giá, tăng khuyến mãi để tránh bị mất thị phần, giảm doanh số. Như vậy người tiêu dùng được hưởng lợi.

Chẳng hạn hãng Chery sau khi ra mắt xe Omoda C5, đã công bố chế độ bảo hành lên tới 1 triệu km cho toàn bộ xe, là điều chưa từng có từ trước đến nay, chắc chắn sẽ gây tác động lớn trên thị trường ô tô, khiến cho các hãng xe khác phải tính toán lại chiến lược cạnh tranh của mình.

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img