Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo (trong đó có 45 Giáo sư và 569 Phó giáo sư). PGS-TS Nguyễn Quang Hưng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng (IFAS), Đại học (ĐH) Duy Tân là một trong 45 Giáo sư được công nhận năm 2024.
Làm chủ một trường phái nghiên cứu, có tầm ảnh hưởng và đóng góp cho cộng đồng khoa học
Đạt chuẩn chức danh Giáo sư là kết quả từ một quá trình nỗ lực phi thường và không ngừng nghỉ của mỗi ứng viên trong một lĩnh vực ngành nghề hay chuyên môn nghiên cứu.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Hưng: “Ngoài những tiêu chí chung cần có để đạt chuẩn giáo sư, một điều kiện thực sự quan trọng đối với các ứng viên, đặc biệt là các ứng viên trẻ trong ngành Vật lý là phải làm chủ một trường phái nghiên cứu, có tầm ảnh hưởng ít nhất trong lĩnh vực nghiên cứu hẹp của mình và phải có các đóng góp rõ nét cho cộng đồng khoa học“.
Đặt mục tiêu rõ ràng cùng quyết tâm theo đuổi đam mê của bản thân, GS-TS Nguyễn Quang Hưng đã đạt được rất nhiều thành tựu trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, cụ thể:
- Thành viên Hội đồng Khoa học ngành Vật lý của Quỹ NAFOSTED từ năm 2017 đến nay;
- Công bố tổng cộng 96 bài báo khoa học, trong đó, số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín mà ứng viên làm tác giả chính sau khi được công nhận chức danh Phó Giáo sư là 35 bài;
- Hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học do Quỹ Nafosted tài trợ, xuất bản 1 cuốn sách chuyên khảo được sử dụng làm tài liệu phục vụ đào tạo tại ĐH Duy Tân và hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ;
- Chủ trì 2 chương trình đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ được đưa vào áp dụng thực tế tại ĐH Duy Tân.
Trong quá trình công tác, GS-TS Nguyễn Quang Hưng đã xuất sắc nhận được:
- Giải thưởng Nghiên cứu trẻ do Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam trao tặng vào năm 2012,
- Nhận thư khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với ghi nhận: “Bài báo có ý nghĩa đặc biệt đối với nghiên cứu Vật lý hạt nhân ở Việt Nam và là niềm tự hào cho khoa học cơ bản Việt Nam” cho một công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín Physical Review Letters năm 2017,
- Được Quỹ NAFOSTED 2 lần liên tiếp đề cử giải chính tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 và 2020.
Trước đó, anh Nguyễn Quang Hưng tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật lý, chuyên ngành Công nghệ hạt nhân tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2003; tiếp tục nhận bằng Thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và làm nghiên cứu sinh toàn thời gian tại Viện Nghiên cứu Vật lý và Hóa học (RIKEN), Nhật Bản theo học bổng chương trình Asian Program Associate.
PGS-TS Nguyễn Quang Hưng công tác tại ĐH Duy Tân từ cuối năm 2015 và chính thức được bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản & Ứng dụng (IFAS) của ĐH Duy Tân vào năm 2017 với rất nhiều hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao bên cạnh sự ghi nhận của xã hội.
Chuỗi nghiên cứu chất lượng định hình nhóm nghiên cứu mạnh
Bắt đầu theo đuổi hướng nghiên cứu về lý thuyết Cấu trúc các hạt nhân bị kích thích (“Hạt nhân nóng”) từ giai đoạn làm nghiên cứu sinh và sau TS, GS-TS Nguyễn Quang Hưng đã mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu chuyên sâu hữu ích trong lĩnh vực Vật lý Hạt nhân cũng như các hướng nghiên cứu về khảo cổ học sau này.
Ở giai đoạn đầu vào năm 2017, GS-TS Hưng cùng các đồng nghiệp đã thành công trong việc xây dựng một mô hình Lý thuyết vi mô cho phép mô tả đồng thời mật độ mức và hàm lực bức xạ của các hạt nhân nóng. Mô hình lý thuyết này sau đó được tiếp tục phát triển và ứng dụng vào việc giải thích các số liệu thực nghiệm mới nhất trên thế giới. Theo hướng nghiên cứu này, GS-TS Hưng đã chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu cơ bản về Vật lý do Quỹ NAFOSTED tài trợ, trong đó có 1 đề tài nhóm nghiên cứu mạnh về “Phát triển một mô hình lý thuyết thống nhất và vi mô cho mô tả cấu trúc hạt nhân tại nhiệt độ bằng không, nhiệt độ và mô men góc khác không, có tính tới lời giải chính xác bài toán kết cặp” giai đoạn 2020-2023.
Tiếp đó, GS-TS Hưng mở rộng hướng nghiên cứu sang lĩnh vực Vật lý hạt nhân thực nghiệm, cụ thể là nghiên cứu sơ đồ các mức kích thích của hạt nhân dựa trên phản ứng bắt nơtron nhiệt từ lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Theo hướng nghiên cứu này, nhóm đã công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín các bộ số liệu thực nghiệm được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam, do các nhà khoa học Việt Nam làm chủ. Đặc biệt, trong công trình công bố trên tạp chí Physical Review C năm 2019 (một tạp chí uy tín hàng đầu trong chuyên ngành Vật lý hạt nhân), toàn bộ số liệu sơ đồ mức của hạt nhân Sm-153 đã vượt qua vòng đánh giá bởi các chuyên gia số liệu hạt nhân và sau đó được đưa vào cơ sở dữ liệu hạt nhân quốc tế NNDC (National Nuclear Data Center) được quản lý bởi Phòng Thí nghiệm Quốc gia Brookhaven (BNL).
Với hướng nghiên cứu về Vật liệu Nano, cụ thể là ứng dụng các hệ phổ kế hạt nhân trong nghiên cứu sự thay đổi cấu trúc và các sai hỏng trong vật liệu, GS-TS Hưng cùng đồng nghiệp đã công bố một loạt kết quả trên các tạp chí quốc tế uy tín cao như Langmuir (2022), Chemical Engineering Journal (2022), ACS Applied Materials and Interfaces (2023), Solar RRL (2024), Small Methods (2024),… “Các nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin cấu trúc sâu bên trong các vật liệu nano mà nhiều phương pháp truyền thống không tiếp cận được. Theo đó, tôi hiện đang chủ nhiệm 1 đề tài nhóm nghiên cứu mạnh của Quỹ NAFOSTED về ‘Nghiên cứu các sai hỏng cấu trúc và biến tính vật liệu nano bằng phương pháp hạt nhân’, giai đoạn 2024-2028“, GS-TS Quang Hưng cho biết.
Mới đây nhất, khi tiếp cận hướng nghiên cứu Ứng dụng phương pháp Nhiệt phát quang và các Kỹ thuật hạt nhân trong xác định niên đại của một số di tích khảo cổ tại Việt Nam, nhà khoa học của ĐH Duy Tân cùng các đồng nghiệp đã phát triển một phương pháp Nhiệt Phát quang cải tiến dựa trên việc kết hợp thực nghiệm tại hiện trường với các đo đạc tại phòng thí nghiệm và mô phỏng bằng máy tính cho phép xác định chính xác niên đại của một số kiến trúc cổ có đặc điểm bất đồng nhất, đa lớp và chồng chập về niên đại tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (An Giang). Các kết quả nghiên cứu này cũng đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong việc giám định niên đại của các kiến trúc cổ tại Việt Nam và GS-TS Nguyễn Quang Hưng trực tiếp đồng chủ nhiệm một dự án về “Nghiên cứu niên đại của các kiến trúc cổ tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê: góp phần nâng cao giá trị lịch sử và công tác bảo tồn di tích“ do Quỹ VinIF tài trợ.
Thách thức với các nhà khoa học trẻ là động lực để chứng minh năng lực
Những thành tựu từ nghiên cứu khoa học của nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đang có đóng góp rất lớn vào quá trình công nghiệp hóa, xây dựng và phát triển đất nước. Các nhà khoa học trẻ hiện nay cũng đang có nhiều thuận lợi khi các lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học cơ bản và Thực nghiệm đang được chú trọng đầu tư phát triển.
“So với các thế hệ thầy cô của chúng tôi đã trải qua thì các nhà khoa học trẻ hiện nay đang có được một môi trường nghiên cứu khá thuận lợi. Có rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu rất quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học, họ sẵn sàng trả một mức lương tương đối cao cho các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu tốt. Nhiều nguồn quỹ nghiên cứu từ cấp cơ sở, cấp Bộ, NAFOSTED, VinIF, cấp Nhà nước,… luôn sẵn sàng cấp kinh phí cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc nếu họ chứng minh được năng lực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có những thách thức đối với các nhà khoa học trẻ khi phải cạnh tranh để có được nguồn kinh phí tài trợ từ các quỹ trong bối cảnh nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về nước. Việc tìm kiếm sinh viên, học viên Cao học, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tham gia nghiên cứu cũng ngày càng khó khăn, đặc biệt ở những ngành về khoa học cơ bản như Vật lý, Toán, Hoá học,… Do đó, để duy trì sự nghiệp nghiên cứu khoa học đòi hỏi các nhà khoa học trẻ phải không ngừng nỗ lực, luôn tìm kiếm, học hỏi những cái mới, đồng thời phải thường xuyên giao lưu học thuật với các trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học uy tín trên thế giới. Các nhà khoa học cũng nên chú ý tới tính liên ngành trong nghiên cứu khoa học vì nó là rất cần thiết để có thể giải quyết được những bài toán lớn“, GS-TS Quang Hưng chia sẻ.
Làm việc tại ĐH Duy Tân vừa tròn 9 năm, GS-TS Quang Hưng có rất nhiều điều tâm đắc: “Điều tôi tâm đắc nhất là tôi được nghiên cứu bất cứ điều gì mình thích và Nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất và nhanh nhất cho công tác nghiên cứu của tôi từ thời gian, cơ sở vật chất thí nghiệm đến tuyển mộ các nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh TS và sau TS để cùng làm việc trong các dự án nghiên cứu của tôi“.
Nguồn: thanhnien.vn