Xe điện Trung Quốc ngày một mở rộng trên toàn cầu, đặt ra lo ngại về an ninh dữ liệu và sự minh bạch trong bảo vệ quyền riêng tư người dùng.
Xe điện hiện đại, đặc biệt từ các nhà sản xuất Trung Quốc, không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là công cụ thu thập dữ liệu tinh vi. Với hàng trăm cảm biến và kết nối internet, các mẫu xe này có khả năng ghi nhận hành vi lái xe, thu thập thông tin môi trường xung quanh và cơ sở hạ tầng quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ bị sử dụng sai mục đích.
Sự cố tại Anh khi phát hiện thẻ SIM có khả năng theo dõi GPS trong xe chính phủ đã làm dấy lên nghi ngại về việc xe điện có thể trở thành công cụ gián điệp. Đặc biệt, các hãng xe Trung Quốc chịu sự điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng 2017, phải cung cấp dữ liệu khi chính quyền yêu cầu, làm tăng lo ngại về việc thông tin nhạy cảm bị chuyển đến Trung Quốc.
Ngoài ra, xe điện kết nối internet đối mặt với nguy cơ bị hack, chiếm quyền điều khiển từ xa, đe dọa quyền riêng tư cá nhân và an ninh quốc gia. Nếu các phương tiện này thu thập dữ liệu tại khu vực nhạy cảm như căn cứ quân sự, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Những lo ngại này khiến nhiều quốc gia thận trọng hơn khi nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc, đồng thời đòi hỏi các nhà sản xuất minh bạch hơn trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng.
BYD, Huawei và những lo ngại tại Đông Nam Á
BYD và Huawei là hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang làm dấy lên nhiều tranh luận khi mở rộng mạnh mẽ ra thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Dù khác biệt về lĩnh vực chính – Huawei chuyên về mạng viễn thông và BYD dẫn đầu trong ngành xe điện – cả hai đều xây dựng hoạt động kinh doanh xoay quanh dữ liệu và chịu sự điều chỉnh của các luật an ninh mạng Trung Quốc, cho phép chính phủ can thiệp sâu vào hoạt động dữ liệu.
Tại Đông Nam Á, BYD đã nhanh chóng chiếm 47% thị phần trong quý I/2024 nhờ hợp tác với các nhà phân phối lớn như Sime Darby Motors. Các mẫu xe của hãng hiện đứng đầu về doanh số tại Singapore và Malaysia. Bên cạnh đó, BYD còn đẩy mạnh đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại Thái Lan, Campuchia, Indonesia.
Tuy nhiên, con đường của BYD không hoàn toàn suôn sẻ. Tại Thái Lan, giá trị xe giảm mạnh sau các đợt giảm giá sâu khiến người tiêu dùng phẫn nộ, thậm chí dẫn đến khả năng kiện tập thể. Ở Việt Nam, BYD đối mặt với sự cạnh tranh từ VinFast – hãng xe điện nội địa với mạng lưới trạm sạc rộng khắp và sự ủng hộ mạnh mẽ từ người tiêu dùng Việt.
Đáng chú ý, Việt Nam cùng Singapore đã thể hiện sự thận trọng trước rủi ro an ninh từ các công ty Trung Quốc. Các hợp đồng 5G tại hai quốc gia này được trao cho những nhà cung cấp như Nokia và Ericsson thay vì Huawei. Tương tự, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về các nguy cơ tiềm ẩn khi mua xe điện kết nối dữ liệu của BYD hoặc các thương hiệu Trung Quốc khác.
Khi ngành công nghiệp xe điện ngày càng phát triển, câu chuyện giữa công nghệ và an ninh trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Không chỉ BYD hay Huawei, toàn bộ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cũng phải đối mặt với câu hỏi về trách nhiệm đối với dữ liệu người dùng. Người tiêu dùng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ngày càng yêu cầu các nhà sản xuất minh bạch hơn về cách thu thập, bảo vệ và sử dụng dữ liệu.
Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các chính sách kiểm soát chặt chẽ, đồng thời khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm bảo đảm quyền riêng tư và an ninh cho người dân.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn