VTV.vn – Thông tin từ ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An đã ghi nhận 1 trường hợp cúm A/H5 đang chờ kết quả phân tích giải trình tự gen N.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao (cúm A/H5), Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa đã ký ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh xuất phát trên các ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh và ngay tại cửa khẩu; giám sát tại các cơ sở y tế và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân biết về cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tăng cường công tác giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh. Kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh (thực hiện theo hướng dẫn và các biểu mẫu tại Quyết định số 5372/QĐ-BYT ngày 24/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm để xác nhận tác nhân gây bệnh.
Đồng thời, có phương án chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí… để phòng, chống bệnh hiệu quả. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi thông tin về tình hình các dịch ổ dịch gia cầm (nếu có) để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan từ gia cầm sang người. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường giám sát các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm để phát hiện sớm và tiến hành tiêu hủy nếu có dấu hiệu nghi ngờ cúm A. Cung cấp thông tin cho ngành y tế nếu có trường hợp ổ dịch gia cầm trên diện rộng để ngành Y tế chủ động giám sát các trường hợp có triệu chứng cảm cúm nghi ngờ có tiếp xúc với gia cầm bệnh. Phối hợp với bộ phận kiểm dịch biên giới kiểm soát chặt chẽ các loại gia cầm, thủy cầm được nhập khẩu qua biên giới. Tăng cường truyền thông cho các hộ chăn nuôi tình hình cúm gia cầm và trình báo ngay với cơ quan chức năng nếu đàn gia cầm có dấu hiệu bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuần tra giám sát đường biên giới, kể cả các đường mòn lối mở, không để xảy ra tình trạng gia cầm bệnh nhập khẩu, nhập lậu vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam từ nước bạn Campuchia; phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan có biện pháp dự phòng phù hợp đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ cúm để hạn chế lây lan dịch bệnh.