Trong bối cảnh các điểm đến du học lớn có những thay đổi trong chính sách, giấy phép xã hội là điều du học sinh cần lưu ý để chuẩn bị hành trình nhập học thuận lợi ở trường nước ngoài.
Giấy phép xã hội là gì?
Tăng trưởng nóng về số sinh viên tạo áp lực lên hạ tầng xã hội được cho là nguyên nhân chính khiến một số điểm đến du học phổ biến thay đổi chính sách. Nhưng thực chất vấn đề gốc rễ nằm ở giấy phép xã hội (social license) của giáo dục quốc tế tại các nước này. Đây còn là yếu tố thường bị bỏ qua khi phụ huynh và người học cân nhắc lựa chọn điểm đến du học.
Giấy phép xã hội của giáo dục quốc tế là khái niệm chỉ sự công nhận của người dân về việc quốc tế hóa giáo dục, tức mức độ mà người bản địa công nhận vai trò của sinh viên quốc tế cũng như chấp nhận, chào đón, hỗ trợ họ trong quá trình học ở nước sở tại. Giấy phép xã hội có thể bị thử thách nghiêm trọng trong thời kỳ dịch bệnh, kinh tế khó khăn, hoặc khi đối mặt với khủng hoảng nhà ở như tại nhiều quốc gia hiện nay.
Đây là vấn đề mà các đơn vị giáo dục phải chú trọng nếu muốn tiếp nhận sinh viên quốc tế, bởi kỳ vọng và sự công nhận của cộng đồng địa phương có ảnh hưởng then chốt đến trải nghiệm của người học ngay tại đất nước đó. Ở tầm quốc gia, việc củng cố giấy phép xã hội có vai trò to lớn trong việc thực hiện các chiến lược giáo dục quốc tế.
Tìm lại giấy phép xã hội
Tại Úc, nhiều tuyên bố cho rằng du học sinh đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng nhà ở, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nước này thay đổi chính sách visa (thị thực) du học.
Chẳng hạn, theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Úc, năm 2023 có 328.089 sinh viên quốc tế học ở nước này, trong đó có 146.220 người tại các ĐH công lập. Song, thống kê từ Hội đồng bất động sản Úc chỉ ra có chưa đến 130.000 giường ký túc xá cho sinh viên. Số giường này không chỉ phục vụ sinh viên quốc tế mà còn trong nước, tức khá nhiều sinh viên phải tìm nhà thuê ở thị trường tư nhân. Bộ Giáo dục Úc ước tính du học sinh chiếm gần 7% thị trường cho thuê và cao hơn ở khu vực nội thành.
Trong khi đó, Hội đồng nhà ở sinh viên có lập trường ngược lại, công bố báo cáo nhằm cho thấy du học sinh chỉ chiếm 6% thị trường cho thuê, chủ yếu tập trung ở khu thương mại trung tâm. Chưa kể, Hội đồng nhà ở sinh viên cho rằng giá thuê bắt đầu tăng vọt từ năm 2020, khi không có sinh viên quốc tế nào đến Úc. Việc áp trần số lượng du học sinh về cơ bản chỉ giảm thị phần cho thuê 1% và giảm giá thuê trung bình ở khu trung tâm khoảng 5 AUD/tuần.
Khi thu hút sự ủng hộ của người dân với các chính sách mới để tìm lại giấy phép xã hội cho giáo dục quốc tế, vô hình trung Úc lại đang gửi đi thông điệp rằng các đóng góp to lớn của du học sinh cho nền kinh tế ở nước này không được xem trọng, dù thực tế cho thấy du học sinh đang đóng góp 48 tỉ AUD, tương đương 25% GDP của quốc đảo này.
Tương tự, tại Canada, tính đến cuối 2023, có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế, tăng 29% so với năm trước. Chính phủ nước này đã thực hiện biện pháp giới hạn số lượng giấy phép du học cấp mới từ tháng 1.2024 và dự kiến 2025 chỉ cấp 437.000 giấy phép mới. Theo chuyên gia, việc chính phủ tỏ ra cứng rắn khi áp trần tuyển sinh quốc tế đến từ việc sinh viên nước ngoài không phải là cử tri, vì thế được xem là một mục tiêu dễ dàng.
Dù chính sách visa nghiêm ngặt hơn có thể khiến nhiều du học sinh nản lòng trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài, ngành giáo dục quốc tế sẽ tự điều chỉnh, tiến bước dài trong việc củng cố giấy phép xã hội, chứng minh lợi ích của ngành với sự đa dạng, hòa nhập, từ đó có được sự ủng hộ của cộng đồng cho du học sinh.
Bài toán đặt ra là trong giai đoạn chuyển giao này, các nước phải làm sao để không đánh mất niềm tin của sinh viên quốc tế cũng như đảm bảo quyền lợi cao nhất của những bạn đang theo học.
Vì sao cần quan tâm giấy phép xã hội?
Khi lựa chọn điểm đến du học, đa phần mọi người thường chỉ chú ý đến chất lượng giáo dục, chi phí, quyền lợi làm việc… Tuy nhiên, nếu chú ý cả các chỉ số liên quan đến giấy phép xã hội về giáo dục quốc tế của điểm đến đó, phụ huynh lẫn người học có thể nhận được những thông tin quan trọng về cái nhìn của người dân bản địa với sinh viên quốc tế, từ đó cân nhắc mức độ phù hợp của môi trường sinh sống và học tập tại đây.
Hiện nay, Anh và New Zealand là hai quốc gia có đo lường các chỉ số này. Khảo sát mới công bố cho thấy cứ 10 người ở Anh thì 6 người thấy sinh viên quốc tế mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế. Khoảng 41% số người được hỏi tin rằng lợi ích của du học sinh mang lại lớn hơn chi phí bỏ ra và khoảng 58% người dân muốn số lượng sinh viên quốc tế tại Anh vẫn giữ nguyên (43%) hoặc tăng (15%).
Trong khi đó, 77% người dân tại New Zealand tin rằng quốc gia này nên tiếp nhận cùng số lượng hiện tại (36%) hoặc nhiều sinh viên quốc tế hơn (41%). Khảo sát thường niên năm 2024 của Cơ quan giáo dục New Zealand cho thấy 82% người dân đồng ý rằng du học sinh đóng góp vào đa dạng văn hóa, 79% thấy sinh viên quốc tế giúp sinh viên địa phương tìm hiểu về các nền văn hóa và lối sống khác, cũng như đóng góp cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình học tập của mình.
Sự hiểu biết và ủng hộ của người dân sở tại với sinh viên quốc tế là yếu tố đảm bảo cho sự chào đón nồng nhiệt của cộng đồng bản địa và những tương tác xã hội, mối quan hệ trong quá trình học. Khi được chấp nhận, tôn trọng và hỗ trợ, du học sinh dễ dàng hòa nhập hơn vào môi trường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học. Đây cũng là tiền đề cho các chính sách thúc đẩy tăng trưởng số lượng du học sinh.
Mỹ không có chiến lược giáo dục quốc tế riêng
Được đánh giá là điểm đến du học nhận nhiều quan tâm nhất hiện nay trước sự thay đổi trong chính sách du học của nhiều nước, Mỹ đã thu hút 1.126.690 sinh viên quốc tế theo học tại các trường CĐ, ĐH hoặc tham gia chương trình thực tập không bắt buộc (OPT) trong năm học 2023-2024, theo báo cáo Open Doors 2024 công bố mới đây. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 7% so với năm học trước.
Phân tích của Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế cho thấy, du học sinh đóng góp 43,8 tỉ USD, hỗ trợ 378.175 việc làm trong năm học 2023-2024. Như vậy, cứ 3 sinh viên nước ngoài đăng ký học ở Mỹ sẽ giúp tạo ra hoặc hỗ trợ một đầu việc tại đây. Tuy nhiên, hiện nay, Mỹ là quốc gia duy nhất không có chiến lược giáo dục quốc tế riêng. Dù vậy, ngày càng có nhiều thảo luận công khai về chính sách nhập cư, sự chênh lệch trong tỷ lệ chấp thuận visa tại các nước cũng như làm sao để huy động nhân tài qua giáo dục quốc tế.
Nguồn: thanhnien.vn