Thursday, December 12, 2024

TP.HCM chính thức đổi tên 4 quốc lộ

Các đại biểu HĐND TP.HCM thống nhất đổi tên 4 quốc lộ và 13 tuyến đường, trong đó tuyến Quốc lộ 1 được phân chia thành 3 đoạn và mỗi đoạn được đặt tên Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu.

Sáng 11.12, kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 bước vào phiên bế mạc. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua dự thảo nghị quyết về việc đổi tên đường, công trình công cộng và điều chỉnh lý trình trên địa bàn.
TP.HCM chính thức đổi tên 4 quốc lộ

Quốc lộ 1 qua TP.HCM sẽ được chia thành 3 đoạn và được đặt tên Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo đó, Quốc lộ 1 được chia thành ba đoạn:

  • Từ nút giao Thủ Đức đến nút giao An Sương (dài 21 km) được đặt tên Đỗ Mười (1917 – 2018), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1991 đến 1997.
  • Từ nút giao An Sương đến vòng xoay An Lạc (dài 14 km) được đặt tên Lê Đức Anh (1920 – 2019), nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1992 đến 1997.
  • Từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An (dài 9,4 km) được đặt tên Lê Khả Phiêu (1931 – 2020), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1997 đến 2001.

Quốc lộ 22 cũng được chia thành hai đoạn:

  • Từ nút giao Quốc lộ 1 đến cầu An Hạ (dài 10 km) được đặt tên Lê Quang Đạo (1921 – 1999), nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ năm 1987 đến 1992.
  • Từ cầu An Hạ đến ranh tỉnh Tây Ninh (dài 20 km) được đặt tên Phan Văn Khải (1933 – 2018), nguyên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam từ năm 1997 đến 2006.

Quốc lộ 1K (dài hơn 1,8 km) được đặt tên Hoàng Cầm (1920 – 2013), thượng tướng, nguyên Tổng thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quốc lộ 50 (dài 8,5 km, từ đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An) được đặt tên Văn Tiến Dũng (1917 – 2002), đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam từ năm 1980 – 1987.

Ngoài ra, một số tuyến đường tại các quận cũng được đổi tên. Tại Q.7, Đường số 67 được đổi thành Ngô Thị Bì, Đường số 9 và số 32 đổi thành Võ Thị Đặng.

Tại Q.12, Trung Mỹ Tây 13 được đổi tên thành Phan Văn Hùm (1902 – 1946), Trung Mỹ Tây 2A thành Nguyễn Thị Trên (1930 – 1968), Trung Mỹ Tây 7A thành Đồng Tiến, Thới An 03 thành Ba Du (1904 – 1980), Thới An 06 thành Trần Văn Lắm (1915 – 1978), Tân Thới Nhất 21 thành Lê Thị Ánh (1933 – 1967), Đường Đ32 thành Thẩm Thệ Hà (1923 – 2009), Đường Đ1 thành Huỳnh Tấn Chùa (1918 – 1947), Đường Đ27 thành Nam Đình (1906 – 1978) và Hiệp Thành 11 thành Nguyễn Văn Vân (1920 – 1972).

Riêng Q.Tân Phú, Đường N1 được đổi thành Tân Thạnh. TP.HCM cũng điều chỉnh chiều dài lý trình của tuyến đường Đàm Thận Huy từ 122 m lên hơn 1,3 km và Nguyễn Xuân Khoát từ hơn 1,2 km lên hơn 1,4 km.

Đồng thời, TP.HCM đặt tên chính thức cho Công viên trước Hội trường Thống Nhất (mà người dân quen gọi là Công viên 30 Tháng 4) là Công viên 30 Tháng 4; cầu qua đảo Kim Cương tại TP.Thủ Đức là cầu Trần Quý Kiên.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img