Đường đứng đầu trong danh sách những thói quen xấu cần thay đổi của hầu hết mọi người để cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tim mạch, ung thư…
Những lợi ích tích cực khác của việc cắt giảm đường có thể nhận thấy rõ và nhanh chóng như cải thiện tâm trạng, sức khỏe làn da, vệ sinh răng miệng, chức năng nhận thức và thậm chí là hiệu suất thể thao.
Không phải tất cả đường đều có hại vì có sự khác biệt lớn giữa đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên như glucose trong bánh mì, fructose trong trái cây (và nhiều loại rau) và lactose trong sữa. Loại đường này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn tạo ra vị ngọt và hương vị để hấp dẫn chúng ta ăn những thực phẩm có chứa vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Những chất dinh dưỡng đó bù đắp cho lượng đường có trong đó.
Đường bổ sung được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, đồ uống hay đường thêm vào thức ăn khi nấu ăn tại nhà. Có hơn 260 tên gọi cho nhiều loại đường bổ sung khác nhau trên nhãn thực phẩm. Đường bổ sung được thêm vào để bảo quản thực phẩm, tăng kết cấu hoặc khối lượng và phổ biến nhất là để làm ngọt hoặc cải thiện hương vị của thực phẩm thường không lành mạnh và siêu chế biến. “Đường bổ sung thường được gọi là ‘calo rỗng’ vì chúng là calo thiếu chất dinh dưỡng”, Katherine Zeratsky, chuyên gia dinh dưỡng tại Mayo Clinic, giải thích.
Cắt giảm đường bổ sung mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh: Getty Images
Việc loại bỏ hoặc hạn chế lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống giúp tránh được những hệ quả đáng ngại về sức khỏe như nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, gây nên tình trạng khó ngủ, lão hóa da và thậm chí cả ung thư…
Tác dụng của việc cắt, giảm lượng đường bổ sung nạp vào cơ thể không chỉ thể hiện về lâu dài mà còn có thể cải thiện sức khỏe nhanh chóng trong vài tuần, thậm chí vài ngày ví dụ như đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Một số nghiên cứu còn cho thấy, giảm tiêu thụ quá nhiều đường trước những kỳ thi quan trọng giúp cho thí sinh suy nghĩ tập trung, sáng suốt hơn.
Nên tìm hiểu kỹ về lượng đường bổ sung trong các loại thực phẩm. Ảnh: Pixabay
Làm thế nào để cắt, giảm đường bổ sung hiệu quả:
– Nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ uống có đường, hoặc chỉ thỉnh thoảng mới uống. Đây là nguồn sản phẩm có lượng đường rất cao.
– Giảm dần lượng đường sử dụng trong công thức nấu ăn hoặc thay thế bằng các loại gia vị như quế, nhục đậu khấu, vani hoặc chiết xuất hạnh nhân…
Bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ và đều đặn để giảm lượng đường nạp vào cơ thể, bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn, tràn đầy năng lượng hơn và cải thiện sức khỏe cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nguồn: vtv.vn