VTV.vn – Các nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25% trong cuộc họp chính sách sắp tới khi đánh giá rủi ro và triển vọng tiền lương trong năm tới.
Tình trạng khó khăn về tiền lương của các công ty nhỏ khiến BOJ thận trọng với kế hoạch tăng lãi suất
Các công ty nhỏ của Nhật Bản đang chi nhiều lợi nhuận hơn cho tiền lương so với các công ty lớn hơn và có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục tăng lương, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu mức tăng lương có đủ để Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục tăng lãi suất hay không.
Triển vọng tiền lương năm tới rất quan trọng để duy trì sự phục hồi do tiêu dùng dẫn dắt – điều kiện tiên quyết để BOJ tiếp tục tăng lãi suất. Trong khi Nhật Bản đã thành công trong việc thúc đẩy các công ty thực hiện mức tăng lương mà họ đã thúc đẩy trong nhiều năm qua, thì gánh nặng tiền lương không đồng đều của các doanh nghiệp hiện đang làm phức tạp thêm kế hoạch nâng lãi suất khỏi mức thấp kỷ lục của BOJ.
Các nhà hoạch định chính sách hiện đang xem xét liệu các công ty nhỏ hơn, nơi sử dụng 70% lực lượng lao động của Nhật Bản, có thể tiếp tục đáp ứng được nhu cầu trả lương như vậy hay không.
Một nhà sản xuất đúc Ito Tekko với khoảng 100 công nhân tại thành phố Kawaguchi gần Tokyo, đã tăng lương hơn 11% trong hai năm qua khi khách hàng chấp nhận tăng giá. Tuy nhiên, chủ tịch Nobuhiro Ito không chắc chắn rằng những đợt tăng giá như vậy có thể lặp lại. Ông cho biết: “Chúng tôi không chắc chắn sẽ làm gì vào năm tới. Chúng tôi cần đầu tư đáng kể để đổi mới thiết bị. Việc tăng lương lớn sẽ dẫn đến chi phí tăng liên tục, vì vậy chúng tôi cần phải thận trọng”.
Theo các nhà phân tích, những câu hỏi về tăng trưởng tiền lương bền vững, cùng với lời đe dọa tăng thuế quan của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ – ông Donald Trump có thể thúc đẩy BOJ hoãn tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.
BOJ đang có xu hướng giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 18-19/12 vì các nhà hoạch định chính sách muốn dành nhiều thời gian hơn để xem xét kỹ lưỡng triển vọng tiền lương năm tới.
Được biết, tiền lương của người Nhật Bản trì trệ trong nhiều thập kỷ cho đến năm 2022, khi chi phí nguyên liệu thô tăng đẩy lạm phát lên cao và gây áp lực buộc các công ty phải trả lương cao hơn cho nhân viên. Trong khi các công ty lớn đã ra tín hiệu sẵn sàng tiếp tục tăng lương để thu hút nhân tài, vẫn chưa chắc chắn liệu các công ty nhỏ hơn có thể làm theo hay không vì nhiều công ty không có phạm vi hoạt động toàn cầu và lợi thế cạnh tranh như các đối thủ lớn hơn.
Theo ước tính dựa trên khảo sát doanh nghiệp của Bộ Tài chính trong tháng 7-9/2024 được công bố tuần trước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chi khoảng 70% lợi nhuận của mình vào chi phí tiền lương, cao hơn nhiều so với mức khoảng 40% của các công ty lớn.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, trong khi 68% doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lương trong năm nay, thì phần lớn làm như vậy vì nhu cầu cấp thiết – chẳng hạn như để giữ chân người lao động – chứ không phải vì thu nhập được cải thiện.
Biểu đồ này mô tả tỷ lệ chi phí lao động so với lợi nhuận tại các công ty lớn và nhỏ của Nhật Bản từ năm 1980 đến năm 2024
Ngoài ra, cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết chi phí lao động khó chuyển hơn so với chi phí nguyên liệu thô và năng lượng tăng. “Các công ty nhỏ hơn phải nỗ lực hết sức để tăng lương vì nếu không, họ sẽ không thể giữ chân được người lao động. Nhưng điều này là không bền vững”, ông Kazuaki Kojima, phó tổng giám đốc phụ trách cuộc khảo sát cho biết.
Ông Toyoaki Nakamura, thành viên hội đồng quản trị BOJ lo ngại về sự khác biệt ngày càng tăng giữa các công ty lớn hoặc phát triển nhanh có khả năng tăng lương và hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vật lộn để làm như vậy. “Tôi không tin tưởng vào tính bền vững của mức tăng trưởng tiền lương”, ông Nakamuranói và chỉ ra lợi nhuận vẫn còn yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thời gian lý tưởng là tháng 1/2025
Lần gần nhất BOJ tăng lãi suất là vào tháng 7. Trong các cuộc thăm dò gần đây của các tổ chức, đa phần các nhà kinh tế cho biết BOJ sẽ từ bỏ việc tăng chi phí đi vay một lần nữa vào tháng 12.
Theo ông Mari Iwashita, chuyên gia kinh tế thị trường trưởng tại Daiwa Securities, trong khi dữ liệu về lạm phát và tiền lương cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản đang phát triển theo đúng dự báo của BOJ, ngân hàng trung ương vẫn lưu tâm đến những rủi ro ở nước ngoài.
Còn theo bà Iwashita, một người theo dõi BOJ kỳ cựu: “Nếu BOJ muốn ‘xem xét cẩn thận các diễn biến kinh tế trong tương lai và chính sách quản lý’ của Hoa Kỳ, thì tốt hơn là nên đợi đến cuộc họp vào tháng 1 năm sau để xác nhận tình hình kinh tế cũng như chính sách quản lý của chính quyền ông Trump sắp tới”.
Dự đoán của các nhà kinh tế về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo sẽ dao động trong khoảng thời gian vào tháng 1/2025, tùy vào các dữ liệu của nền kinh tế Nhật Bản.
Đáng chú ý, dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội quý III được sửa đổi công bố hôm nay, 13/12, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn so với báo cáo ban đầu, nhưng tiêu dùng tư nhân đã được điều chỉnh giảm cho thấy bản chất mong manh của quá trình phục hồi kinh tế.
Trước đó, BOJ đã chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3 và tăng mục tiêu chính sách ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7. BOJ đã ra tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất thêm lần nữa nếu tiền lương và giá cả diễn biến theo dự kiến và củng cố thêm niềm tin rằng Nhật Bản sẽ đạt mức lạm phát 2% trong thời gian dài./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!