Mỗi ngày, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn, nếu thu gom, xử lý 1 tấn rác loại này cần 50 USD thì 1 ngày cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD.
Theo ông Kiên, chất thải thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất, dao động từ 50 – 70% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Chất thải này nếu được phân loại ngay từ hộ gia đình, cá nhân thì có thể biến thành phân compost chất lượng cao hoặc tạo thành điện sinh khối với giá trị thu được vô cùng lớn.
Chất thải có khả năng tái chế dao động từ 20 – 25% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị cao phục vụ làm nguyên liệu sản xuất.
Còn lại là chất thải rắn sinh hoạt khác như túi ni lông sử dụng một lần, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ… giá trị thấp. Những chất thải này nếu được sơ chế, tạo viên nén nhiên liệu để làm chất đốt cho một số ngành công nghiệp hoặc cho phát điện cũng tạo ra giá trị. Gần như toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đều có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tạo thành năng lượng và tạo ra giá trị từ chất thải.
Tuy nhiên, khoảng 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 19% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu…, ông Trung cho hay.
Theo Bộ TM-MT, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày. Nếu chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý cho 1 tấn là 50 USD thì 1 ngày trung bình cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (tương đương khoảng 1,222 tỉ USD/năm). Theo Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đây là con số không hề nhỏ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
“Lợi ích từ chất thải rắn sinh hoạt đem lại là rất lớn, nếu được phân loại, tái chế, tái sử dụng. Nhưng chúng ta lại phải bỏ ra rất nhiều kinh phí để thu gom, xử lý chúng”, ông Kiên nói.
Để triển khai quy định trong luật Bảo vệ môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, bố trí hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo để thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn từ đầu năm 2025.
Nguồn: thanhnien.vn