VTV.vn – Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024; đến cuối tháng 10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả điều hành tín dụng của năm 2024, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phấn đấu hoàn thành cao nhất toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thực hiện Công điện 122 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, nhiều ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm lãi suất cho vay trong năm 2024. Đây là nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính sách này phản ánh sự nhất quán đối với định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.
Đồng bộ giải pháp, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay
Để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn có chi phí thấp như tiền gửi CASA, tiền gửi ngắn hạn, tiền gửi USD…
Trong bối cảnh áp lực thanh khoản rất lớn từ thị trường, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đã điều hành tài sản/nợ phải trả linh hoạt chủ động, tập trung vào việc cơ cấu, đa dạng hóa nguồn vốn, đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn có chi phí thấp như tiền gửi CASA, tiền gửi ngắn hạn, tiền gửi USD…
Bên cạnh đó, ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất niêm yết đối với cả tổ chức và cá nhân tại hầu hết các kỳ hạn. Như trong thời gian vừa qua, ngân hàng Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất niêm yết kỳ hạn ngắn hạn nhưng kết quả lãi suất đầu vào các tháng 10, tháng 11 vẫn tiếp tục giảm do đã thực hiện cơ cấu tăng tỷ trọng nguồn vốn kỳ hạn ngắn hạn. Kết quả lãi suất huy động vốn bình quân của ngân hàng này 11 tháng đầu năm 2024 đã giảm 1,3%/năm so với đầu năm, trong khi tổng nguồn vốn huy động vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định theo kế hoạch, thanh khoản hệ thống ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,0%-2,5%/năm. Thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay cho các đối tượng theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước dành cho đối tượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu. Theo đó, không chỉ 4 ngân hàng thương mại nhà nước mà các ngân hàng thương mại cổ phần đã thực hiện cho vay trung, dài hạn phục vụ đầu tư phát triển với mức lãi suất cố định đến 24 tháng chỉ từ 5,5%/năm; triển khai đa dạng chương trình tín dụng ưu đãi như: Agribank triển khai gói tín dụng ưng đãi 250.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 2%-3%/năm so với lãi suất thông thường; Vietcombank dành 160.000 tỷ đồng áp dụng cho khách hàng cá nhân, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 4,8%/năm.
Gói tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản được triển khai rộng và đã có hiệu quả tích cực trong phục hồi, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các chương trình cho vay hỗ trợ đề án, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ…
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024; đến cuối tháng 10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Hiện xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện trở lại sau giai đoạn chững từ cuối tháng 9 và tháng 10. Đến nay đã có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Các chuyên gia dự đoán lãi suất tiết kiệm có thể tiếp tục nhích nhẹ từ 0,5 -1%/năm từ nay đến cuối năm, tạo ra cơ hội cho những người gửi tiền muốn tối ưu hóa lợi nhuận. Sự điều chỉnh này chủ yếu từ nhóm ngân hàng thương mại tư nhân.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại và có thể điều chỉnh giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động do ảnh hưởng từ các diễn biến thiên tai thời gian gần đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!