Nhiều ý kiến cho rằng cần có đánh giá lại toàn diện về quy định bắt buộc người lái xe phải thi lại lý thuyết khi giấy phép hết hạn, để đưa ra những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế.
Theo thông tư, người có GPLX các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết. Nếu giấy phép quá hạn từ 1 năm trở lên, người lái phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong sa hình và trên đường trường. Trường hợp người bị mất GPLX nhưng quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm cũng sẽ phải dự sát hạch lý thuyết. Quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch cả lý thuyết và thực hành.
Quy định này siết chặt hơn so Thông tư 04/2022 đang được áp dụng. Theo Thông tư 04, người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm mới phải sát hạch lại lý thuyết; từ 1 năm trở lên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Quá cứng nhắc ?
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng quy định này chưa thật sự hợp lý, nên xem xét lại. “Việc bắt buộc thi lại lý thuyết đối với những trường hợp vi phạm luật giao thông, tùy theo mức độ, là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, yêu cầu người dân phải thi lại lý thuyết khi GPLX hết hạn mới qua 1 ngày, dù chưa kịp đổi lại là quy định chưa thực sự thuyết phục”, BĐ Duy Trung không đồng tình.
Cùng quan điểm, BĐ Văn Hiếu ý kiến: “Việc phải thi lại lý thuyết khi vi phạm luật giao thông là một hình thức răn đe và kiểm tra lại kiến thức, điều này hoàn toàn có cơ sở. Ngược lại, việc bắt buộc thi lại lý thuyết đối với những người đã có GPLX nhưng chưa kịp đổi khi hết hạn thật sự là quy định khá cứng nhắc và chưa hợp lý”.
Còn BĐ Phan Ngoc viết: “Trong trường hợp người dân gặp phải những tình huống bất khả kháng như bệnh nặng, tai nạn, hoặc các sự kiện thiên tai, thì việc không kịp gia hạn GPLX là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc áp dụng quy định thi lại lý thuyết cứng nhắc trong những trường hợp này liệu có thực sự công bằng ?”.
“Quy định bắt buộc thi lại lý thuyết đối với những người có GPLX quá hạn 1 ngày, kể cả trong những trường hợp bất khả kháng, là quy định cứng nhắc và thiếu tính nhân văn. Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận kinh nghiệm lái xe và kiến thức luật giao thông đã được tích lũy của người dân”, BĐ Nguyễn Dũng thẳng thắn.
Nên linh hoạt thời hạn gia hạn
Nhiều BĐ góp ý thay vì quy định như trên thì nên đẩy mạnh hiện đại hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt liên quan đến việc cấp đổi những loại giấy tờ như GPLX. “Thay vì quy định cứng nhắc về thời hạn, có thể xem xét gia hạn GPLX qua thủ tục trực tuyến hoặc qua đường bưu điện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”, BĐ Minh An đề nghị.
Tương tự, BĐ Vũ Triệu góp ý: “Tôi đề xuất nên triển khai dịch vụ cấp đổi bằng lái trực tuyến, cho phép người dân tự thực hiện các bước xác minh thông tin tại nhà hoặc nơi làm việc. Việc tích hợp thông tin y tế vào chip thẻ căn cước và phát triển ứng dụng nhắc nhở sẽ giúp người dân quản lý giấy tờ một cách hiệu quả hơn. Đây không chỉ là giải pháp tiện lợi cho người dân mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc của các cơ quan này”.
“Việc quy định quá cứng nhắc về thời hạn gia hạn GPLX không chỉ gây bất tiện cho người dân mà còn tạo gánh nặng cho hệ thống hành chính. Để khắc phục tình trạng này, cần linh hoạt hóa thời hạn gia hạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tích hợp các dịch vụ công”, BĐ Phạm Hiệp nêu quan điểm.
Việc quy định thi lại lý thuyết là một quy định cứng nhắc, không tính đến những trường hợp ngoại lệ. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, thời hạn gia hạn GPLX nên được kéo dài lên 12 tháng.
Tran Hao
Gia hạn GPLX chỉ là thủ tục hành chính để xác nhận lại thông tin của người lái xe, chứ không phải là một kỳ thi để đánh giá lại năng lực lái xe. Việc bắt thi lại lý thuyết là không phù hợp với bản chất của việc gia hạn.
Quốc Việt
Nguồn: thanhnien.vn