Monday, December 16, 2024

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

50 giáo sư, sinh viên từ 12 trường ĐH, phổ thông của 7 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á vừa có dịp trao đổi với Báo Thanh Niên về kỹ năng nhận diện và xử lý tin giả, cũng như cách kiểm chứng thông tin.

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

Sinh viên quốc tế đặt câu hỏi cho các diễn giả là nhà báo ở Báo Thanh Niên

ẢNH: NHẬT THỊNH

Gợi mở kinh nghiệm hữu ích từ Báo Thanh Niên

Báo Thanh Niên hôm 14.12 đón đoàn công tác gồm các giáo sư và sinh viên nước ngoài đến thăm và làm việc. Hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình giao lưu học thuật quốc tế tổ chức bởi Khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông Trường ĐH Văn Lang và Mạng lưới các nhà giáo dục tin tức và thông tin châu Á (ANNIE). Tại đây, hai bên đã có những cuộc đối thoại về cách kiểm chứng thông tin và vận hành công tác báo chí.

Trao đổi với Thanh Niên, giáo sư Masato Kajimoto, Khoa Báo chí ĐH Hồng Kông, cho biết chương trình giao lưu này không chỉ dành cho học sinh, sinh viên có niềm đam mê với báo chí mà mở rộng cho tất cả. Bởi, ông Masato tin rằng mọi sinh viên đều phải học cách kiểm chứng thông tin và vừa là một kỹ năng, vừa là cách tư duy phản biện với một số loại thông tin nhất định.

Sinh viên quốc tế hào hứng trải nghiệm dẫn chương trình ở Báo Thanh Niên

“Tôi hy vọng trong chuyến đi, các bạn được truyền cảm hứng, kinh nghiệm từ sinh viên các nước khác, trong đó có cả Việt Nam. Trong tương lai, nếu có thể, tôi mong rằng các bạn sẽ tiếp thu những kiến thức đó và ứng dụng vào thực tiễn đời sống, cũng như khuyến khích bạn bè mình ở nước sở tại tham gia các hoạt động liên quan đến kiểm chứng thông tin”, giáo sư Masato nhận định.

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

Sinh viên quốc tế trải nghiệm dẫn chương trình tại Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số của Báo Thanh Niên

ẢNH: NHẬT THỊNH

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

Đoàn nghe thuyết minh về cách studio của Báo Thanh Niên hoạt động

ẢNH: NHẬT THỊNH

Từng có thời gian công tác trong lĩnh vực báo chí – truyền thông, giáo sư Harinee Ravimaran, Khoa Báo chí MOP Vaishnav College for Women (Ấn Độ), khẳng định chuyến thăm ở tòa soạn Báo Thanh Niên “gợi mở vài điều mà tôi nghĩ có thể học hỏi và mang về nước”, nhất là quy trình biên tập song song chuyên nghiệp như 1 đài truyền hình. Thông thường, các tòa soạn tại Ấn Độ sẽ quay phim trước rồi mới chuyển qua hậu kỳ, theo nữ giáo sư.

“Tôi cũng ấn tượng với việc báo in có nhiều sự hiện diện đa phương tiện, cũng như việc các nhà báo không bắt buộc lên cơ quan vào cuối tuần. Làm báo ngày nay không hề dễ dàng vì ngoài đáp ứng thời hạn, chúng ta còn phải kiểm chứng thông tin và đối mặt với thách thức từ những nhân vật có tầm ảnh hưởng (KOL). Trong bối cảnh này, thật vui vì các bạn vẫn có thể duy trì vị thế hàng đầu, nhất là trên các mạng xã hội như YouTube”, bà nói.

Giáo sư Harinee nói thêm, tại Ấn Độ, bức tranh dường như đối lập khi các KOL thu hút lượng đăng ký vượt trội, đôi khi tạo điều kiện để lan truyền tin giả. Trong khi đó, tin tức thường ít thu hút số lượng người đăng ký theo dõi trên mạng xã hội Ấn Độ. “Buổi tham quan hôm nay cũng vô cùng bổ ích khi chia sẻ về cách sử dụng AI để kiểm chứng thông tin, cũng như cách AI được dùng để lan truyền tin giả”, bà Harinee chia sẻ.

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

Đoàn sinh viên quốc tế trao đổi với nhà báo Phạm Thế Vinh, Trưởng bộ phận quốc tế, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số của Báo Thanh Niên

ẢNH: NHẬT THỊNH

Giải đáp các vấn đề thách thức

Tại sự kiện, nhà báo Trần Trọng Kha, thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên, có bài thuyết trình về kỹ năng thẩm định tin tức và nâng cao năng lực quốc tế hóa cho nhà báo Việt. Trong đó, ông Kha nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình kiểm chứng thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, trong bối cảnh tin giả không chỉ dừng ở lời nói dối “rõ ràng” mà còn pha trộn giữa sự thật và dối trá, khiến việc phát hiện trở nên khó khăn.

Không chỉ vạch ra cách nhận diện tin giả, nhà báo Trọng Kha còn gợi ý với đoàn về một số thao tác nhằm kiểm chứng thông tin như đánh giá nguồn tin, phỏng vấn các bên liên quan, kiểm tra chéo thông tin và dùng những công cụ có sẵn như Google Facts. “Chúng ta nên đặt các câu hỏi trung thực, không mang tính gợi ý để xác minh sự thật”, nhà báo Trần Trọng Kha hướng dẫn cách kiểm chứng với nguồn tin.

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

Nhà báo Trần Trọng Kha, thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên, thuyết trình tại sự kiện

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cũng theo ông Kha, cùng với sự phát triển của AI, tin giả ngày càng trở nên tinh vi, khó đối phó. Ngay cả cơ quan báo chí có uy tín lâu năm như Báo Thanh Niên cũng từng bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của tin giả và lừa đảo qua mạng. Chưa kể, việc chạy đua nhằm đăng được thông tin đầu tiên cũng khiến quá trình kiểm chứng thông tin tại các tòa soạn báo bị xem nhẹ hoặc không được thực hiện đúng cách.

Tình trạng quá tải thông tin cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những thách thức trong việc nhận biết đâu là tin thật, tin giả, nhà báo Trọng Kha lưu ý.

Kết thúc phần thuyết trình, nhà báo Trần Trọng Kha và nhà báo Nguyễn Ngọc Mai, Phó trưởng ban Quốc tế, cũng dành thời gian để giải đáp và thảo luận thêm về những thắc mắc, ý kiến của các giáo sư, sinh viên, học sinh trong đoàn. Nhiều câu chuyện như lừa đảo trực tuyến bằng tin giả, thực tế kiểm chứng thông tin, quá trình điều tra mái ấm Hoa Hồng của Báo Thanh Niên… đã được đề cập và trao đổi sôi nổi.

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

Nhà báo Nguyễn Ngọc Mai, Phó trưởng ban Quốc tế Báo Thanh Niên

ẢNH: NHẬT THỊNH

Giáo sư, sinh viên nước ngoài đến Báo Thanh Niên tìm hiểu cách kiểm chứng thông tin

Đại diện Báo Thanh Niên và đoàn công tác chụp lưu niệm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cũng trong chuyến thăm, đoàn giáo sư, sinh viên nước ngoài đã có dịp tham quan Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số cùng Tòa soạn hội tụ tại Báo Thanh Niên để nghe thuyết minh về cách vận hành báo in, báo điện tử và sản xuất các nội dung số tại một trong những cơ quan báo chí có uy tín tại Việt Nam. 

Hôm nay, 15.12, đoàn sẽ kết thúc chuyến thăm tại Việt Nam và khởi hành về nước.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img