VTV.vn – Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục chiến lược đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, nhưng giờ đây cho rằng đã kiềm chế thành công lạm phát.
Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tăng tốc độ giảm lãi suất cơ bản kể từ đầu năm sau. Đây là nhận định của báo chí kinh tế châu Âu sau cuộc họp thống đốc ngân hàng Trung ương hôm thứ Năm vừa rồi tại Frankfurt. Giới tài chính kỳ vọng lãi suất cơ bản xuống mức 1,75% trong năm sau, một nền lãi suất đủ thấp để vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, vừa thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục chiến lược đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, nhưng giờ đây cho rằng đã kiềm chế thành công lạm phát và đặt ưu tiên vào hỗ trợ tăng trưởng của khu vực đồng Euro.
Tờ El Economista ra hôm thứ Bảy tuần trước tại Tây Ban Nha phân tích phát biểu của bà Christine Lagarde và dự đoán “Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ tăng tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới. Sau khi giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm nay, có thể tháng Giêng năm sau, mức giảm không phải là mỗi lần 25 điểm cơ bản, mà sẽ là 50, gấp đôi so với 4 đợt giảm vừa rồi”. Bài báo viết: “Giờ đây hầu hết các nhà phân tích và chính Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cho rằng, nên áp dụng mức lãi suất trung lập 2%, nói cách khác, lãi suất thực là 0%” sau khi trừ mất mát do lạm phát. Hoặc hợp lý hơn nữa, “nếu muốn chính sách tiền tệ hỗ trợ thực sự hiệu quả thì lãi suất cơ bản nên thấp hơn 0,25% so với mục tiêu lạm phát, tức là đưa lãi suất điều hành xuống mức 1,75%”.
Lúc này, khi tốc độ tăng lương sắp đuổi kịp tốc độ lạm phát, lãi suất thấp hơn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người châu Âu giảm tiết kiệm và tăng chi tiêu. Tờ Le Figaro của Pháp viết: “Triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa, sản xuất công nghiệp suy giảm, tăng trưởng dịch vụ chậm lại, các công ty hạn chế đầu tư và xuất khẩu suy yếu”. Tăng trưởng nay phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của doanh nghiệp và các hộ gia đình. Thế nhưng, cần có một khoảng thời gian thì mới có thể cảm nhận tác động từ chính sách tiền tệ lên mức độ chi tiêu. Theo bài báo, “do vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho những năm tới so với dự báo đã đưa ra hồi tháng 9”.
Trong số những bất ổn có thể xảy ra, ngoại thương với Mỹ đang là mối quan tâm chính của giới đầu tư châu Âu. Nhưng, theo tờ Malta độc lập, trong cuộc họp báo hôm thứ Năm vừa rồi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu chỉ phát biểu chung chung rằng “khả năng xung đột thương mại cũng là một yếu tố cần tính đến, tăng trưởng kinh tế có thể trở nên tồi tệ hơn dự kiến”. Giới đầu tư không bình thản được như vậy. Tờ báo Malta viết: “Mối lo ngại rằng Tổng thống Mỹ có thể áp dụng mức thuế mới đang thổi luồng gió lạnh vào không khí kinh doanh ở châu Âu, bởi vì xuất khẩu đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và việc làm” của kinh tế châu Âu. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính trông đợi lãi suất điều hành phải giảm thêm nữa để hỗ trợ doanh nghiệp châu Âu, lý tưởng nhất là xuống được mức 1,75% trước mùa hè năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!