Xã Tân Trào, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không chỉ ghi dấu trong những trang vàng của cách mạng Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày với những nếp nhà sàn cổ kính, cây đa hàng trăm năm tuổi…
Hồi ức về hàng trăm năm trước, nhiều cụ cao niên trong làng chỉ nhớ, hồi đó làng Kim Long (nay là Làng văn hóa du lịch Tân Lập) nằm trong một thung lũng nhỏ, bốn bề núi rừng bao bọc, chỉ có chục nóc nhà thưa thớt. Các thôn, bản nằm dọc theo dòng sông Phó Đáy, giống một con rồng đang cuộn mình. Tên làng Kim Long ra đời như thế. Tới thời vua Gia Long, để tránh phạm húy, tên làng được đọc lái thành Kim Lung, trước khi được Bác Hồ đổi lại thành Tân Lập.
Dẫn chúng tôi tham quan làng, Bí thư Chi bộ Tân Lập Trương Văn Trình tự hào cho biết, Tân Trào có rất nhiều thôn nhưng chỉ có duy nhất thôn Tân Lập giữ được trọn vẹn những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và được gọi là làng cổ của người Tày ở Tân Trào.
Nơi đây, bên cạnh những ngôi nhà mới xây 2 – 3 tầng hiện đại, vẫn còn những nếp nhà sàn cổ đậm bản sắc văn hóa đồng bào Tày được bà con tôn tạo, giữ gìn. Đây là điều đặc trưng, nổi bật mà ít làng quê nào ở Sơn Dương có được.
Nhà sàn của dân tộc Tày ở Tân Lập thường được xây dựng theo nguyên tắc số lẻ. Nhà làm bằng gỗ, lợp bằng lá cọ dày, thường từ 3 đến 5 gian. Nhà có hai cửa, một cửa chính, một cửa phụ và rất nhiều cửa sổ ở phía trước; cầu thang lên nhà cũng có 9 bậc… Nhà sàn của dân tộc Tày không đơn thuần chỉ để ở, mà còn là nơi phản ánh bản sắc văn hóa, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán. Đến nay, làng còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ với hàng trăm năm tuổi.
Một trong số đó là ngôi nhà của ông Nông Văn Hạnh, thôn Tân Lập. Ngôi nhà hầu như còn nguyên vẹn, chỉ có 2 đầu chái được tu sửa lại đôi chút. Mái lá cọ, những nét hoa văn, chạm trổ độc đáo vẫn hằn rõ dấu tích cổ xưa. Ông Hạnh nhẩm tính: “Ngôi nhà này được xây dựng từ rất lâu, ước chừng khoảng 100 năm rồi. Dù cuộc sống đổi thay nhưng chúng tôi luôn nhớ lời ông cha dặn, đó là giữ nếp nhà, nếp văn hóa cũng như truyền thống tốt đẹp của gia đình”.
Cách đó không xa, ngôi nhà 5 gian của ông Nguyễn Văn Bế hiện ra khiêm nhường, tĩnh lặng. Đây là một trong 2 ngôi nhà sàn ở Tân Lập mang giá trị lịch sử to lớn, nhà cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc những ngày đầu khi Người mới về Tân Trào từ tháng 5 đến tháng 8.1945.
Trong tiếng kẽo kẹt của bản lề cũ kỹ, cánh cửa gỗ trên 150 năm mở ra không gian của một nếp nhà cổ kính. Rót cốc nước chè tươi đón khách, ông Bế kể: “Nhà này là do ông nội tôi để lại, tôi là đời thứ 3. Ngoài một số cột gỗ sến thì phần lớn là gỗ xoan vườn. Sau này mái nhà bị dột, cánh cửa bị mối mọt, tôi có tu sửa lại nhưng vẫn tôn trọng nguyên bản hình hài của ngôi nhà cổ. Đây không chỉ là nơi gia đình hội tụ mỗi khi có giỗ chạp, mà còn để phục vụ du khách đến tham quan”.
Dấu ấn đậm nét về làng cổ ở Tân Lập còn là cây đa cổ thụ trên 300 năm tuổi, nằm ngay đầu làng. Thủa xưa, khu vực này có hai cây mọc cách nhau khoảng 10 m, được người dân bản địa gọi là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Sau trận bão xảy ra năm 1993, “cây đa ông” bị đổ chỉ còn một nhánh nhỏ. “Cây đa bà” cũng có dấu hiệu bị chết, lá bắt đầu ngả vàng. Sau 2 năm nỗ lực hồi sinh của chính quyền địa phương, đến nay cây đa này đã lên nhiều chồi non, cho thấy dấu hiệu sinh trưởng và phát triển tốt.
Nguy cơ mai một
Đang say sưa trong câu chuyện về những ngôi nhà sàn, cây đa cổ, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng hát then, đàn tính rộn ràng từ ngôi nhà bên cạnh. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, Bí thư Chi bộ Trương Văn Trình giải thích, đó là đội văn nghệ của làng đang tập hát để tối nay biểu diễn phục vụ khách du lịch. Ban đầu đội văn nghệ được thành lập với mục đích bảo tồn làn điệu then, cọi của dân tộc, nhưng khi Tân Lập phát triển thành Làng văn hóa du lịch, đội được Sở VH-TT-DL tỉnh Tuyên Quang tập huấn thêm về hát then, cọi, phong cách biểu diễn, để phục vụ du khách.
Tân Lập hiện có 183 hộ với 771 nhân khẩu, 97% là đồng bào dân tộc Tày. Những giá trị văn hóa ở làng Tân Lập không chỉ thể hiện qua kiến trúc nhà sàn mà còn qua trang phục, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống của người Tày với họa tiết hoa văn tinh xảo; được trải nghiệm nhiều hoạt động như chế biến chè; làm các món ăn truyền thống như: cơm lam, xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến, nộm rau rớn; ngâm chân thuốc bắc hay bơi mảng, nghe hát then, đàn tính trên hồ Nà Nưa, tái hiện các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào người dân tộc Tày để du khách có dịp tham gia… Với những giá trị văn hóa độc đáo, Làng văn hóa du lịch Tân Lập đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Nhưng dù có lịch sử hàng nghìn năm, lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc, văn hóa độc đáo song việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ Tân Lập là điều không hề dễ dàng. Theo ông Trương Văn Trình, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến nhiều giá trị độc đáo của làng đứng trước nguy cơ mai một, một số công trình hạng mục không được tu sửa thường xuyên nên đang xuống cấp.
“Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, UBND huyện trong việc tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của các làng cổ Tân Lập. Trong đó, định hướng cho địa phương khai thác giá trị văn hóa làng cổ gắn với phát triển du lịch…”, ông Trình bày tỏ.
Nguồn: thanhnien.vn