Nhiều thí sinh có nhu cầu đăng ký thi lại một kỹ năng IELTS (OSR). Làm sao để việc thi lại một kỹ năng này hiệu quả?
Nâng cao kỹ năng nói và viết
Cùng với đó, thí sinh cũng nên duy trì nạp kiến thức tiếng Anh hằng ngày để có phần thể hiện tốt nhất và đạt điểm như mong muốn. Đối với hai kỹ năng nói và viết, thạc sĩ Quỳnh Anh gợi ý người học tập tiếp cận các đề thi giấy gần nhất và ôn tập theo nhóm chủ đề.
“Mình không khuyến khích thí sinh học thuộc, nhưng thí sinh có thể ôn tập dựa trên đề thi gần nhất để có cái nhìn tổng quan, từ đó điều chỉnh cách luyện tập bằng cách tập trung vào những nhóm chủ đề nhất định. Việc học theo nhóm chủ đề còn phục vụ mục đích lâu dài hơn, giúp thí sinh hiểu biết về thế giới, trở thành người có thể nói và viết các chủ đề khác nhau bằng tiếng Anh”, thạc sĩ Quỳnh Anh thông tin.
Để có thể hoàn thành tốt bài thi IELTS nói chung, thạc sĩ Quỳnh Anh đề xuất cân bằng giữa phát triển năng lực ngôn ngữ và cải thiện chiến thuật làm bài. “Chiến thuật làm bài sẽ giúp thí sinh thể hiện đúng với năng lực của mình chứ không giúp làm tốt hơn năng lực thật. IELTS chỉ là một bài thi để kiểm tra năng lực tiếng Anh, nên nếu bạn có năng lực tiếng Anh tốt thì bạn cũng có thể làm tốt bài thi IELTS”, thạc sĩ Quỳnh Anh nhận định.
Thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc điều hành tại Minh Khuu Academy, chuyên gia luyện thi IELTS tại TP.HCM, gợi ý thí sinh tìm sự trợ giúp từ chuyên gia trong giai đoạn “nước rút” trước thi OSR, với lý do “chuyên gia biết cách đẩy nhanh tiến độ học, nâng cao trình độ của thí sinh hơn tự học”.
Để thi lại hiệu quả, thạc sĩ Minh lưu ý những vấn đề khác nhau ở kỹ năng đọc và nghe. Về kỹ năng đọc, thạc sĩ Minh đề xuất: “Người học cần lưu ý hai vấn đề là xử lý câu hỏi và kỹ năng phân tích bài đọc. Phần kỹ năng phân tích bài đọc là khó phát triển hơn cả. Thí sinh có thể xem video sửa bài của chuyên gia hoặc tìm sự trợ giúp từ thầy cô”.
Thế nào là phát âm chuẩn?
Để thi lại kỹ năng nói tốt hơn, nắm bắt 4 tiêu chí đánh giá là một điều quan trọng. Thạc sĩ Minh cho rằng: “Một trong những yếu tố khiến thí sinh không đạt điểm tốt là phát âm chưa chuẩn. Phát âm chuẩn không đồng nghĩa với việc phát âm như người bản xứ, mà thí sinh về cơ bản cần nhấn đúng trọng âm, phát âm đủ âm tiết, không bỏ âm đuôi. Bên cạnh đó, thí sinh cần cải thiện sự lưu loát và mạch lạc. Biện pháp dễ nhất là tham gia các sự kiện tiếng Anh của các câu lạc bộ, đội, nhóm”. Về từ vựng và ngữ pháp, thạc sĩ Minh khuyên thí sinh không nên quá đặt nặng mà bỏ quên phát âm và sự lưu loát.
Trong bài thi kỹ năng đọc, thạc sĩ Minh khuyên thí sinh cần nắm bắt các dạng câu hỏi. “Trước tiên, người học cần đảm bảo làm đúng dạng câu hỏi gap-filling (điền từ vào chỗ trống) vì đây là dạng dễ nhất. Cần lưu ý lỗi thường gặp của gap-filling, bao gồm sai chính tả, thiếu s/es… Sau đó, người học nắm bắt các dạng khó hơn như multiple choice (trắc nghiệm nhiều lựa chọn), true/false/not given (xác định câu là đúng/sai/không đề cập), matching heading (nối tiêu đề với đoạn văn tương ứng)…”, thạc sĩ Minh chia sẻ.
Về kỹ năng nghe, thạc sĩ Minh cho rằng những bạn có khả năng phản tư tốt thì có thể tự ôn, nếu không thì cần tìm chuyên gia; cũng như lưu ý vấn đề nghe bị động và nghe chủ động. “Nghe bị động đơn thuần là nhận diện từ ngữ trong khi nghe, còn nghe chủ động là phân tích nội dung của bài nghe, xem đó có phải là thông tin quan trọng hay không. Bí quyết đạt điểm cao kỹ năng nghe nằm ở phần phân tích câu hỏi trước khi nghe. Nếu thí sinh phân tích câu hỏi tốt, nắm bắt được mạch của bài, dự đoán tốt ngôn ngữ trong bài cũng như đáp án sẽ có tỷ lệ chọn đáp án đúng cao hơn”, thạc sĩ Minh cho hay.
Có nên từ bỏ một kỹ năng để thi lại IELTS với kết quả cao hơn?
Trong một số trường hợp, thí sinh lựa chọn bỏ qua hoặc làm qua loa bài thi của một kỹ năng để thi lại với kết quả cao hơn. Các chuyên gia đều cho rằng đây là một việc không nên làm.
Thạc sĩ Quỳnh Anh nhận định việc từ bỏ một kỹ năng trong cả quá trình học ngôn ngữ là không khoa học. “Không một kỹ năng nào có thể được cải thiện nếu không có các kỹ năng khác bổ trợ. Ví dụ, việc đọc nhiều một chủ đề giúp mình nghe chủ đề đó tốt hơn. Ở chiều ngược lại, khi nghe một chủ đề nào đó đủ nhiều cũng giúp mình đọc hiểu tốt hơn về chủ đề đó”, thạc sĩ Quỳnh Anh chia sẻ.
Cũng theo thạc sĩ Quỳnh Anh, lựa chọn thi lại một kỹ năng như một phương án dự phòng có thể giúp thí sinh đỡ áp lực hơn. “Nếu trong phòng thi, thí sinh biết bản thân chỉ có một lần thi và lần thi đó quyết định mọi thứ thì thí sinh càng thêm lo lắng gia tăng và phần thi có thể bị ảnh hưởng. Thí sinh có thể phát triển tư duy lành mạnh, rằng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất trong phòng thi nhưng tôi vẫn có cơ hội để làm lại. Điều này giúp thí sinh thấy thoải mái hơn, thậm chí có thể làm tốt hơn”, thạc sĩ Quỳnh Anh nói.
Chi phí thi lại gần bằng 50% chi phí thi lần đầu là một lý do để thí sinh không nên từ bỏ một kỹ năng trong lần thi đầu tiên, theo thạc sĩ Minh. Bên cạnh đó, thạc sĩ Minh cho biết: “Các đơn vị triển khai tính năng thi lại để tạo điều kiện cho thí sinh trong trường hợp bất khả kháng. Vậy nên, trong lúc thi cần nỗ lực ở cả 4 kỹ năng chứ không nên bận tâm việc thi lại. Dù gặp bất kỳ câu hỏi, dạng bài nào thì mình cần tìm cách chinh phục cho bằng được”.
IELTS One Skill Retake, hay OSR, là tính năng cho phép thí sinh thi lại một kỹ năng, ra mắt lần đầu tại Úc vào cuối năm 2022 và bắt đầu phổ biến toàn thế giới trong 2023. Tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT phê duyệt tính năng này và cho phép các đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS tại Việt Nam triển khai từ tháng 4.
Nguồn: thanhnien.vn