Tuesday, December 17, 2024

Nguy cơ mất căn cứ hải quân ở Syria, Nga chuyển hướng sang Libya

Những thách thức ở Syria dường như đang thúc đẩy Nga tăng cường hiện diện ở miền Đông Libya.

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria có thể ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của Nga tại Trung Đông và châu Phi, khi Moscow đối diện với nguy cơ mất căn cứ hải quân duy nhất ở nước ngoài, căn cứ Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria. Giải pháp thay thế khả thi nhất trong khu vực là cảng Tobruk ở Libya.

Nga đã ký thỏa thuận thuê các căn cứ quân sự trong 49 năm với chính quyền Tổng thống Assad vào năm 2017, nhưng hiện tại chính quyền của ông Assad đã không còn.

Mặc dù truyền thông Nga đưa tin, giới chức nước này đã liên lạc với đại diện của phe nổi dậy ở Syria để duy trì các căn cứ của Moscow tại Syria, nhưng phương Tây nhận định rằng khả năng Nga phải rút hoàn toàn khỏi các căn cứ này là rất cao.

Động thái mới nhất của Nga

Liam Karr, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng, các đơn vị thuộc Quân đoàn Châu Phi (trước đây là tập đoàn quân sự tư nhân Wagner) của Nga, phần lớn đóng tại Libya, là lực lượng Nga có vị trí thuận lợi nhất để có tái triển khai đến Syria và củng cố các nỗ lực của Nga tại đó.

Theo dữ liệu từ FlightRadar24, một trang web theo dõi chuyến bay theo thời gian thực, ít nhất 3 máy bay vận tải quân sự của Nga đã bay từ Belarus đến Libya kể từ ngày 8/12 sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phe nổi dậy lật đổ. Chuyến bay gần đây nhất đã hạ cánh ở Benghazi, Libya vào sáng sớm 14/12.

Các chuyên gia tin rằng Nga đang di chuyển các trang thiết bị quân sự dự trữ ở Belarus, đồng minh thân cận nhất của nước này, tới Libya, nơi Nga đang nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự sau khi phe đối lập lật đổ chính quyền Syria.

“Những thách thức ở Syria dường như đang thúc đẩy Nga tăng cường hiện diện ở miền Đông Libya, ngay cả khi điều đó không nằm trong kế hoạch ban đầu của họ chỉ vài tuần trước”, ông  Jalel Harchaoui, chuyên gia về Bắc Phi và thành viên của Viện các quân chủng hoàng gia Anh, một tổ chức tư vấn quốc phòng có trụ sở tại London, nhận định.

Nhiều nhà phân tích, bao gồm cả ISW, cho rằng Nga sẽ vẫn thiết lập hoặc mở rộng các căn cứ ở lục địa châu Phi, bất kể có thể giữ được Tartus hay không, và Libya là nơi có khả năng tiếp nhận rõ ràng nhất.

Trong năm nay, Nga đã tân trang lại đường băng và xây dựng cơ sở mới tại các căn cứ không quân ở Libya, cho phép nước này triển khai sức mạnh dọc theo bờ biển phía Nam Địa Trung Hải.

Vị trí chiến lược của Libya

Libya được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga trong nỗ lực của Điện Kremlin nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi.

Ngoài các cảng biển Địa Trung Hải, Libya đã trở thành căn cứ quan trọng cho các hoạt động của Nga và Quân đoàn châu Phi tại Niger, Chad, Cộng hòa Trung Phi và Sudan.

Libya cũng là quốc gia duy nhất trên lục địa châu Phi có sự hiện diện quân sự của Nga và có thể bay thẳng từ Nga mà không cần tiếp nhiên liệu. Máy bay quân sự Nga cũng có khả năng bay tới các quốc gia lân cận mà nước này có quan hệ chặt chẽ, bao gồm Algeria, Tunisia và Ai Cập.

Hồi tháng 3 và tháng 4 năm nay, các tàu đổ bộ của Nga đã thường xuyên cập cảng Tobruk ở phía Đông Libya, khu vực do lực lượng của Tướng Khalifa Haftar kiểm soát. Các tàu này dỡ hàng nghìn tấn thiết bị quân sự, bao gồm pháo kéo, xe bọc thép chở quân và bệ phóng tên lửa, xuất phát từ Tartus.

Moscow cũng đã tăng cường mối quan hệ với các đồng minh Libya trong Chính phủ ổn định quốc gia ở phía Đông, đối thủ của Chính phủ thống nhất quốc gia do cộng đồng quốc tế công nhận tại Tripoli.

Một phái đoàn Libya đã đến thăm Moscow để thảo luận về hợp tác quân sự và kinh tế. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov và Tướng Andrei Averyanov – lãnh đạo mới của Quân đoàn châu Phi, đã tới thăm Tướng Khalifa Haftar, một đồng minh quan trọng của Moscow trong cuộc nội chiến Libya diễn ra kể từ khi Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.

Nga cũng đã triển khai khoảng 1.800 chiến binh đến miền Đông Libya, nâng tổng số lực lượng hiện diện tại đây lên ước tính 3.000 người. Trong số này có cả lính Nga và các đơn vị của Quân đoàn châu Phi.

Quân đoàn châu Phi và lực lượng Nga hiện kiểm soát các căn cứ không quân Libya gần Sirte, al-Jufra và Brak al-Shati, nơi họ chuyển hàng tiếp tế giữa các đồng minh ở Sudan và các khu vực cận Sahara khác. Trong những tháng gần đây, Moscow đã có những động thái phát triển các cơ sở quân sự và kho vũ khí tại các căn cứ không quân Brak Al-Shati và Al-Jufra.

Moscow cũng đang thúc đẩy quyền kiểm soát cảng Tobruk, từ đó có thể mở rộng sự hiện diện hải quân tại Địa Trung Hải.

Trong khi đó, căn cứ không quân al-Khadim do Quân đoàn châu Phi kiểm soát ở Libya cũng đã được sử dụng làm trung tâm cung cấp vũ khí cho Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) của Sudan, một trong hai lực lượng chính trong cuộc nội chiến tại Sudan từ tháng 4/2023.

Những cuộc đàm phán này, cùng với sự hiện diện của một tàu tuần dương và 2 khinh hạm Nga tại Tobruk, cho thấy có khả năng Nga sẽ đạt được thỏa thuận về quyền tiếp cận cảng chiến lược này.

Mối lo của EU và NATO

Sự hiện diện lớn hơn của Nga tại Libya sẽ tạo ra mối lo ngại lớn đối với EU, đặc biệt là khi khối này đang hỗ trợ tài chính và hậu cần cho lực lượng bảo vệ bờ biển Libya để kiểm soát dòng người di cư.

Ủy ban châu Âu cũng đang tìm cách đàm phán một thỏa thuận “đầu tư để kiểm soát dòng người di cư” với Tripoli, mô phỏng theo các thỏa thuận gần đây của họ với Ai Cập, Tunisia và Mauritania. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo chính trị của Libya có thể đạt được tiến triển hướng tới một chính phủ thống nhất và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ hay không.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng phát vào tháng 2/2022, EU đã đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của mình, tìm kiếm các thỏa thuận năng lượng xanh với Ai Cập, Algeria, Tunisia và Mauritania. Các thỏa thuận “tiền mặt để kiểm soát người di cư” với các quốc gia này đều bao gồm các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo.

Chuyên gia Liam Karr của ISW nhận định, nếu Nga được quyền sử dụng căn cứ Tobruk ở Libya như căn cứ Tartus ở Syria, đây sẽ là mối đe dọa đối với sườn phía Nam của châu Âu và NATO. Vị trí chiến lược của Tobruk sẽ hỗ trợ các hoạt động của Nga ở Biển Địa Trung Hải và có thể đặt một lực lượng thường trực của Nga ở vị trí có thể đe dọa cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO bằng các cuộc tấn công tên lửa hành trình tầm xa từ biển.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img