Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm bất động sản 2025: Đường đến thập kỷ tăng trưởng mới, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số VTV Digital phối hợp tổ chức ngày 18.12.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản hiện nay đang có những nét tương đồng với cuộc khủng hoảng bất động sản năm 2011-2012. Khi đó, thị trường khó khăn nhất về nguồn cung, giá bán giảm sâu… Đến năm 2013, thị trường đã hồi phục khi lượng căn hộ chào bán đã tăng lên khoảng 20.000 căn. Đến năm 2016, nguồn cung tăng lên 80.000 căn hộ, trong đó Hà Nội và TP.HCM mỗi nơi đón nhận khoảng 40.000 căn hộ mới mỗi năm.
“Sau khi trải qua 2 năm Covid, việc chậm cấp phép, bất cập về luật đã khiến thị trường trầm lắng kéo dài. Nhưng bước sang năm 2024 đã có sự chuyển mình khi nguồn cung thêm 30.000 căn hộ, trong đó chủ yếu đến từ Hà Nội và cả thị trường TP.HCM, Hà Nội và đều tăng giá. Lý do, 80% thuộc phân khúc bất động sản cao cấp và hạng sang”, bà Dung nói.
Muốn giảm giá bất động sản, theo bà Dung, phải giãn dân ra vùng ngoại ô bằng cách đầu tư hạ tầng, nhất là các tuyến metro. Bởi khu vực trung tâm TP.HCM có những vị trí 150-200 triệu/m2, nhưng ở khu vực Nhà Bè căn hộ cao cấp giá chỉ từ 45-50 triệu đồng/m2. Do vậy, di dân và đi xa hơn giá căn hộ sẽ giảm xuống.
Chung nhận định, ông Huỳnh Phước Nghĩa cũng dự báo trong 10 năm nữa giá bất động sản vẫn sẽ tăng đều đều ở hai con số. Theo ông Nghĩa, giá nhà ở TP.HCM tăng do kỳ vọng tăng trưởng của kinh tế thành phố và kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp chứ không dựa vào các chỉ số kinh tế. “Hiện nay các bạn sinh viên đang học và sắp tới ra trường. 10 năm tới, họ lập gia đình với thu nhập của một cặp vợ chồng khoảng 30-40 triệu đồng/tháng nhưng cũng rất khó mua nhà. Nếu có chính sách từ nhà nước hỗ trợ thì may ra mới có thể mua được nhà là nhà ở xã hội, còn để tự thân là cực kỳ khó sở hữu nhà trước tuổi 30. Do vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ cho người trẻ có thu nhập giới hạn sở hữu được nhà để an cư, phát triển sự nghiệp và cống hiến, nếu không họ sẽ đi nơi khác làm việc”, ông Nghĩa lưu ý.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, thị trường phải như kim tự tháp, ở đáy phải là nhà bình dân để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường đang đi ngược, phần cung nhiều nhất lại là phân khúc cao cấp. Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà bình dân rất ít dù UBND TP.HCM chỉ đạo liên tục. Nguyên nhân là do dự án nhà ở xã hội quá nhiều luật và qua quá nhiều cơ quan. Trong khi ai cũng lo đảm bảo an toàn cho mình nên thường xin ý kiến, xin chỉ đạo những việc không cần thiết. “Hiện nay đang sáp nhập các bộ ngành vậy tại sao không gom các thủ tục lại làm song hành, để đi nhanh nhất”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
“Nhà ở xã hội quá nhiều điều khó nên nhiều doanh nghiệp không thể làm hoặc nếu làm xong cái đầu cũng sợ không dám làm cái thứ hai. Nên thành phố cần làm sao để doanh nghiệp làm nhà ở xã hội lợi nhuận thấy hạnh phúc khi trao nhà cho người dân. Tôi nghĩ đó chính là đẩy nhanh pháp lý dự án. Pháp lý càng nhanh giá nhà càng giảm, pháp lý càng nhanh sẽ càng có nhiều sản phẩm cho người dân lựa chọn”, ông Nghĩa khẳng định.
Nguồn: thanhnien.vn