Trong gần 5 năm học thực hiện sách giáo khoa xã hội hóa, đã có tới 3 lần thay đổi quy định về lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, trong đó đề nghị giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết.
Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa (SGK) xã hội hóa thời gian vừa qua thực hiện lần lượt theo quy định tại 3 thông tư 01, 25 và 27.
Theo Thông tư số 01 Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30.1.2020, quyền quyết định lựa chọn SGK là của các cơ sở giáo dục phổ thông. Đến ngày 26.8.2020, Bộ GD-ĐT lại ban hành Thông tư số 25 thay thế Thông tư 01 về chọn SGK. Hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK thay vì giao cho mỗi nhà trường như Thông tư 01. Ngày 28.12.2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 27 quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông cho cơ sở giáo dục.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, hiệu trưởng một trường học danh tiếng ở Hà Nội bức xúc: “Chuyện chọn SGK đương nhiên là của người dạy và học (người sử dụng sách). Vì sao phải ban hành hết thông tư này đến thông tư khác, “tít mù rồi lại vòng quanh”? Bộ GD-ĐT ban hành danh mục SGK được sử dụng trong trường phổ thông xong lại có chuyện UBND cấp tỉnh ban hành danh mục SGK được sử dụng trong cơ sở giáo dục ở địa phương. Có lẽ trên thế giới chỉ có VN mới làm như vậy! Đó là chưa kể, nhà nước cấp tiền cho Bộ GD-ĐT để thẩm định và phê duyệt SGK. Nhà nước lại phải cấp tiền cho UBND tỉnh để lựa chọn SGK dùng tại địa phương (điều 9 Thông tư 27)”.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết lâu nay UBND TP.Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn SGK theo chủ trương tất cả các SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt thì UBND TP cũng phê duyệt lựa chọn để đáp ứng tối đa nhu cầu, mong muốn lựa chọn của các cơ sở giáo dục. Về nguyên tắc, SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt thì chắc chắn phải đảm bảo mọi mặt để nhà trường lựa chọn nên địa phương không thể hạn chế quyền lựa chọn này của các nhà trường.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện xã hội hóa SGK vừa qua, một số ý kiến từ chính địa phương cũng đề nghị nên điều chỉnh chuyển quyền phê duyệt danh mục chọn SGK về cho giám đốc sở GD-ĐT thay vì giao quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh như hiện nay. Vì trên thực tế, theo các địa phương, danh mục sách lựa chọn cũng do sở GD-ĐT tổng hợp từ ý kiến, đề xuất của các nhà trường, giáo viên (GV) để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải, quy định này là thực hiện theo luật Giáo dục, nhưng cũng hứa sẽ xem xét, kiến nghị sửa luật theo hướng điều chỉnh quyền phê duyệt danh mục SGK, giảm bớt khâu trung gian.
SỬA LẦN THỨ 3 VẪN VƯỚNG
Góp ý về việc lựa chọn SGK, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng Thông tư 27 đã tiếp thu ý kiến đóng góp về những hạn chế của các văn bản hướng dẫn lựa chọn SGK trước đó, tạo điều kiện cho nhà trường, GV trực tiếp lựa chọn SGK. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thông tư còn một số vướng mắc cần làm rõ.
Chẳng hạn, việc bỏ phiếu lựa chọn SGK đối với các môn chuyên chỉ có từ 1 – 2 GV/trường nhưng Bộ chưa có hướng dẫn cụ thể. Thông tư cũng yêu cầu “tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn” nhưng với cấp tiểu học, không có tổ chuyên môn của từng môn, nếu chia theo khối thì chỉ có 1 tổ, xây dựng 1 kế hoạch cho 12 môn học, hay 12 kế hoạch cho 12 môn học? Hoặc quy định về tổ chuyên môn bỏ phiếu lựa chọn 1 SGK, đối với cấp tiểu học, có nhiều cơ sở giáo dục chỉ có 1 GV dạy các môn chuyên thì không phù hợp để bỏ phiếu. Ngoài ra, một số môn lựa chọn chỉ có 1 GV/môn học lựa chọn SGK (ví dụ các môn âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, giáo dục công dân…) nên việc lựa chọn SGK dễ mang tính chủ quan.
Sở GD-ĐT Nam Định cũng cho rằng thời gian giới thiệu SGK từng môn của các nhà xuất bản trong hội thảo giới thiệu sách (hỗ trợ công tác tổ chức lựa chọn SGK) còn ít. Đề nghị các nhà xuất bản cần tăng thời gian giới thiệu SGK của các nhà xuất bản để hỗ trợ công tác nghiên cứu, lựa chọn SGK cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV và các nhà nghiên cứu trong việc đánh giá SGK.
Sở GD-ĐT TP.HCM thì cho rằng số lượng các bản sách cứng gửi các trường để GV tham khảo, nghiên cứu còn hạn chế nên GV gặp khó khăn trong việc thảo luận, nghiên cứu…
Trong khi đó, phía nhà xuất bản phát hành SGK thì cho rằng việc các cơ sở giáo dục chọn SGK theo Thông tư 27 gây khó khăn cho việc cung ứng sách đến đúng nhu cầu của từng địa bàn với số lượng nhỏ lẻ (vì mỗi trường chọn các môn của các bộ SGK khác nhau) nên các nhà sách cần có diện tích cửa hàng có thể gấp 3 lần so với trước đây mới trưng bày đủ các bộ SGK; chi phí nhân công bán hàng cũng phát sinh vì cần phải có nhân công lựa chọn sách hoặc chỉ dẫn phụ huynh mua đúng sách con em mình cần.
CÒN THIẾU SÓT TRONG CHỌN SGK
Bộ GD-ĐT cho biết hằng năm Bộ ban hành kế hoạch và chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung chủ yếu việc lựa chọn SGK tại các địa phương. Trong giai đoạn 2020 – 2024, Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra kết quả thực hiện, việc triển khai nhiệm vụ đầu năm học đối với các sở GD-ĐT, trong đó có các nội dung liên quan đến công tác xã hội hóa SGK. Bộ GD-ĐT đã tiến hành 10 cuộc thanh tra, 36 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 3 cuộc thanh tra đột xuất tại 6 tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và việc lựa chọn SGK tại các địa phương.
Kết quả thanh tra cho thấy các sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ban hành các văn bản theo thẩm quyền và các địa phương tổ chức lựa chọn SGK theo quy định của thông tư. Bên cạnh đó, còn một số thiếu sót trong quá trình lựa chọn SGK tại các địa phương, đoàn thanh tra đã kiến nghị cụ thể trong việc kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót, sai phạm nói trên thuộc về các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến xã hội hóa SGK. Bộ GD-ĐT thông tin: “Thống kê kết quả lựa chọn SGK của các địa phương tại hội đồng các môn học trùng khớp với SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn nhiều nhất”.
Thời gian tới, Bộ cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và bao phủ các nội dung về xã hội hóa SGK. Tăng cường xử lý nghiêm sai phạm trong việc lựa chọn SGK, quy trình lựa chọn SGK. Chỉ đạo thanh tra sở GD-ĐT có kế hoạch tập trung tăng cường thời lượng các cuộc thanh tra kiểm tra thường xuyên, đột xuất các nội dung về lựa chọn SGK.
Thị phần của SGK xã hội hóa ra sao ?
Tổng hợp của Bộ GD-ĐT từ số liệu báo cáo giai đoạn 2021 – 2023 cho thấy có tổng số 13 đơn vị phát hành SGK. Số lượng đầu SGK của các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 là 303 đầu sách. Ngoài Nhà xuất bản Giáo dục VN có đủ 303 đầu SGK phát hành (100%) và Công ty VEPIC có 153 đầu sách (50,1%). Các đơn vị còn lại có số đầu sách phát hành nhỏ (từ 0,65 – 8,9%).
Tỷ trọng phát hành giai đoạn 2021 – 2023 cho thấy tỷ lệ phát hành (thị phần) của Nhà xuất bản Giáo dục VN từ 100% trước khi thực hiện xã hội hóa, nay còn 71,8%. Theo Bộ GD-ĐT, điều này cho thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK đã tạo ra sự cạnh tranh để góp phần thúc đẩy hoạt động biên soạn và phát hành SGK.
Nguồn: thanhnien.vn