Saturday, December 21, 2024

Giá SGK xã hội hóa có ‘bình ổn’ được không?

Giá sách giáo khoa từ khi xã hội hóa đã tăng gấp 2 – 3 lần so với trước đang là vấn đề mà dù giải thích cách nào cũng chưa thuyết phục được người dân.

Bộ GD-ĐT và chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề của giá sách giáo khoa (SGK) và giải pháp khắc phục vấn đề khá nhức nhối này.

CÓ CUỐN SGK CỦA BỘ NÀY CAO GẤP ĐÔI BỘ KHÁC

Có một thực tế là giá SGK của các đơn vị phát hành có sự chênh lệch tương đối nhiều. Tính chung, giá SGK giữa các đơn vị chênh đến trên 20% (tính theo giá bìa), thậm chí có tên sách giá cao gấp đôi (sách tiếng Anh 1, tiếng Anh 2).

Giá SGK xã hội hóa có 'bình ổn' được không?

Giá SGK tăng cao khi thực hiện chủ trương xã hội hóa là điều khó chấp nhận với người tiêu dùng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bộ GD-ĐT phân tích, trước thời điểm 1.7.2024, SGK thực hiện kê khai giá theo luật Giá 2012. Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan tiếp nhận phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản (NXB). Thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá SGK của các đơn vị và đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị xuất bản SGK đề nghị thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm khoản chi phí chung để giảm giá SGK; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cung cấp SGK cho học sinh (HS) thuộc đối tượng chính sách xã hội; HS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; HS hộ nghèo, cận nghèo để các em có đủ SGK đến trường.

Đối với NXB Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN), đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD-ĐT, năm 2024 đã kê khai giảm giá SGK tái bản so với các năm trước (mức giảm bình quân là 9,6% và 11,2% tùy từng bộ sách).

THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH GIÁ TỐI ĐA SGK

Theo luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024, SGK thuộc danh mục hàng hóa do nhà nước định giá và Bộ GD-ĐT định giá tối đa. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2024 ngày 10.7.2024 quy định chi tiết một số điều của luật Giá; Bộ Tài chính đã ký thông tư ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật trong biên soạn, biên tập, in SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông. Theo Bộ GD-ĐT, đây là cơ sở định giá tối đa SGK theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa chức năng quản lý giá của nhà nước và chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK; đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ GD-ĐT cũng đã thành lập hội đồng thẩm định giá tối đa SGK. Trên cơ sở ý kiến thẩm định phương án giá SGK của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 3480 ngày 11.11 vừa qua, quy định giá tối đa SGK.

Bộ GD-ĐT cho biết mức giá trần do Bộ GD-ĐT quy định cơ bản thấp hơn mức giá bán hiện hành của các đơn vị xuất bản. Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành mức giá tối đa SGK, các đơn vị xuất bản đã điều chỉnh giảm giá SGK từ 5 – 20% tùy theo cuốn để bảo đảm không vượt giá trần quy định.

NXB NÊU NHỮNG BẤT CẬP KHI VẬN HÀNH NHIỀU BỘ SGK

Đại diện NXB GDVN cho rằng xã hội hóa SGK tạo ra cơ hội cho nhiều NXB tham gia, nguồn cung sẽ thêm đa dạng, phong phú; giúp HS và giáo viên có nhiều lựa chọn về SGK phù hợp nhu cầu học tập, giảng dạy. Sự cạnh tranh giữa các NXB buộc NXB phải đầu tư nhiều hơn trong việc nghiên cứu và phát triển để xuất bản những cuốn sách có giá trị cao, giúp thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của SGK.

Tuy nhiên, NXB này cũng chỉ ra không ít khó khăn mà đơn vị xuất bản SGK nói chung đang gặp phải. Cụ thể, thông tư hướng dẫn về lựa chọn SGK dùng trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT có điều chỉnh qua các năm dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thị trường, xây dựng kế hoạch.

Về cạnh tranh giữa các bộ SGK, quy định của pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức xuất bản, in, phát hành SGK khác nhau tạo nên cơ chế cạnh tranh không bình đẳng. Cụ thể, các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần được quyền chủ động tổ chức sản xuất; chủ động mua sắm vật tư, dịch vụ in trực tiếp theo nhu cầu thực tế mà không phải thực hiện các quy trình thủ tục đấu thầu với nhiều thời gian, hồ sơ thủ tục như doanh nghiệp nhà nước nên thời gian, tiến độ cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, việc các cơ sở giáo dục chọn sách theo Thông tư 27 gây khó khăn cho việc cung ứng sách đến đúng nhu cầu của từng địa bàn với số lượng nhỏ lẻ (vì mỗi trường chọn các môn của các bộ SGK khác nhau) nên nhà sách cần có diện tích cửa hàng có thể gấp 3 lần so với trước đây mới trưng bày đủ các bộ SGK. Chi phí nhân công bán hàng cũng tăng vì cần phải có nhân công lựa chọn sách hoặc chỉ dẫn cho phụ huynh mua đúng sách con em mình cần.

Việc nhiều bộ sách cạnh tranh gây khó khăn trong việc dự báo nhu cầu để triển khai in ấn, phát hành hơn so với trước đây. Trong khi chưa có kết quả chọn lựa SGK của các địa phương, chưa có số lượng đăng ký sách cần cung ứng thì NXB phải lo tính toán dự báo thị trường để thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm vật tư và dịch vụ in SGK theo đúng quy định của pháp luật mới kịp có SGK phục vụ năm học mới. Công đoạn này mất nhiều thời gian và nếu trượt thầu, phải tổ chức đấu thầu lại thì thời gian in ấn phải kéo dài thêm. Điều này làm cho việc in ấn SGK gặp nhiều rủi ro, khó đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đồng bộ để tổ chức phát hành đến các đơn vị phục vụ khai giảng hằng năm.

NXB GDVN cho biết: “Đây cũng là áp lực rất lớn đối với NXB: áp lực dư luận xã hội về việc thiếu sách, “sốt sách”; nạn in lậu, phát hành sách giả, phát hành sách trái tuyến được dịp lộng hành; tiến độ nhập sách chậm, trễ dẫn đến phát hành không đầy đủ, thiếu đồng bộ, làm phát sinh chi phí vận chuyển, số lượng tồn kho SGK cuối năm tăng…”.

Giá SGK xã hội hóa có 'bình ổn' được không?

Đến năm học này, chương trình, sách giáo khoa mới đã triển khai toàn bộ đến các cấp học

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

KHÔNG NÊN XÃ HỘI HÓA TOÀN BỘ

Vậy giảm giá SGK khi thực hiện xã hội hóa mặt hàng này được không? Chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng chủ trương xã hội hóa SGK là đúng, nhưng SGK là mặt hàng đặc thù thì chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu, như khâu biên soạn SGK. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn SGK như hiện nay.

Theo ông Long, nhà nước nên dùng ngân sách để thu hút, trả chi phí, đãi ngộ xứng đáng cho người có tài năng và kinh nghiệm để họ tham gia biên soạn SGK. Khâu này có sự hỗ trợ của ngân sách thì giá SGK sẽ giảm đáng kể mà chất lượng nội dung sẽ nâng lên. Như vậy, chúng ta vừa có đội ngũ chuyên gia tốt nhất để viết SGK, người dân lại không phải mua SGK với chi phí quá cao.

Tại buổi tọa đàm gần đây về vấn đề này, GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cũng đề xuất giải pháp để giảm giá SGK xã hội hóa. “Nhà nước hãy bỏ ngân sách ra mua lại bản quyền và từ nay không bao giờ tính chi phí bản quyền vào trong việc phát hành nữa. Toàn bộ phần đó nhà nước đã trả bản quyền, tư nhân chỉ in ấn và phát hành, không còn được tính chi phí nhuận bút nữa. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được sự cạnh tranh bình đẳng, mọi đơn vị là như nhau, đều có một điểm xuất phát”, ông Cường phân tích.

Lần đầu có giáo viên tham gia viết SGK ?

Thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, các NXB, công ty cổ phần, căn cứ tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK đã được quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT đã tuyển chọn và hợp đồng với chủ biên, tổng chủ biên, tác giả tham gia biên soạn SGK.

Trong đó, số lượng giáo sư chiếm tỷ lệ 6,8%, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 21,2%; tiến sĩ tỷ lệ 36,2%, thạc sĩ 33,9%, số giáo viên tham gia 343 người chiếm tỷ lệ 1,9%. Số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả, đặc biệt lần đầu tiên việc biên soạn SGK đã thu hút được đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia biên soạn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img