Chỉ mới có bằng trung cấp y sĩ y học cổ truyền, chưa trải qua khóa thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề nhưng Đàm Anh Tuấn đã quảng bá và khám bệnh thu tiền phi pháp.
Không phép nhưng trị bệnh, thu tiền
Trung tuần tháng 12.2024, trong vai BN, PV Thanh Niên đã đến cơ sở mà Đàm Anh Tuấn đang hành nghề tại Phòng khám chuyên khoa YHCT Heart and Hand (174/114 Khuông Việt, P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM). Tuấn ăn mặc bình thường, không có vẻ gì là nhân viên y tế. Tuấn đi qua đi lại 2 phòng bệnh với nhiều BN để châm cứu, chiếu sóng. Ở một góc căn phòng, bông gòn, kim dính máu để ở khay dù bên cạnh có thùng bỏ rác lây nhiễm.
Đàm Anh Tuấn châm cứu cho PV và bệnh nhân
ẢNH: THANG DUY
Gặp PV, Tuấn hỏi bị gì, PV than đau vai cổ và lưng, lâu lâu nóng bốc hỏa. Tuấn bóp bả vai, khám, hỏi các vị trí đau, tê và tư vấn… và nói tiếp sẽ châm cứu để giải phóng cơ với liệu trình từ 10 – 20 buổi (lần), giá 400.000 đồng; chiếu sóng 200.000 đồng/lần. Hôm đó, vì hết giờ buổi sáng theo lịch làm việc của Tuấn và PV cũng khất hẹn hôm sau đến để điều trị.
2 ngày sau, PV trở lại, Tuấn đề nghị châm cứu ở vai phải và tay phải, vai trái châm ít kim hơn. Không đo huyết áp hay cần nghe tim mạch, Tuấn vào việc ngay. Trước khi châm cứu, Tuấn dùng một cái máy như máy xung điện cầm tay châm vào vai PV như kiểu kích thích thần kinh gây giật cơ, tê.
PV trong tư thế ngồi, Tuấn cầm kim và bắt đầu châm. Rất nhanh chóng, hàng chục cây kim được châm trên người PV. Tuấn trấn an, ban đầu các vị trí châm sẽ đau, chiếu nóng thì sẽ giảm dần. Chừng 35 phút sau, một người phụ nữ trẻ đến gỡ kim. Xong, người này yêu cầu PV qua ngồi bên cạnh một cái máy và điều chỉnh chiếu vào vị trí châm kim. Máy này được Tuấn giải thích là “máy sóng năng lượng tế bào”. Chừng 15 phút sau, PV được yêu cầu qua phòng bên cạnh để chiếu “sóng từ trường” ở vị trí châm kim bả vai. Vì khách quá đông nên PV phải chờ khá lâu mới đến lượt. Khoảng 10 – 15 phút sau, liệu trình trị liệu kết thúc. PV rời ghế thì BN khác vào thế chỗ.
Khi tính tiền, PV chọn đóng theo từng buổi và chuyển khoản, tổng cộng 600.000 đồng. Cũng như nhiều BN khác, PV ra về mà trên tay không có một tờ giấy lận lưng về chẩn đoán, cũng như quy trình điều trị ở đây. Việc trả tiền cũng không có biên nhận hay hóa đơn chứng từ.
Điều đáng quan tâm là phòng trị liệu chật chội và ẩm, nhiều kim, bông gòn có máu. Có nhiều người sử dụng dịch vụ giường nằm, gối, nhà vệ sinh, nhưng PV không thấy có nhân viên vệ sinh nào khử khuẩn. Ở ngay cửa ra vào nhà vệ sinh, cơ sở này dán tờ giấy với nội dung “Mỗi khách hàng đến trị liệu vui lòng mang khăn và gối theo. Làm xong vui lòng tự vệ sinh giường mình nằm trước khi ra về”. Trong quá trình thâm nhập ở phòng khám, thi thoảng PV thấy có người mang theo khăn để trải ra giường. Hầu hết khi rời khỏi giường trị liệu thì mọi người ra về chứ không ai làm vệ sinh gì cả.
“Một người bạn giới thiệu cho tôi chỗ trị liệu của Tuấn. Tôi theo dõi trên Facebook cũng thấy Tuấn có rất nhiều người đến trị liệu, nên khi mỏi cổ, vai, gáy và thắt lưng, tôi đến trị liệu. Tuấn thông báo liệu trình trị liệu 10 lần là 4 triệu đồng. Yêu cầu là 3 ngày đầu đi liên tục, lần 4 thì cách ngày đi 1 lần”, anh N., một BN từng đến cơ sở của Tuấn trị liệu, chia sẻ. Nhưng theo anh N., sau liệu trình thì không thấy khỏi các triệu chứng, mà cảm giác nặng ở phần cổ, vai, gáy. Đặc biệt mỗi lần chiếu tia theo giới thiệu là giúp tế bào tốt hơn thì thấy trong người rất khó chịu.
Núp bóng phòng khám y học cổ truyền
Tại Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh (KCB) của Sở Y tế TP.HCM thể hiện rõ, Phòng khám chuyên khoa YHCT Heart and Hand được Sở Y tế cấp cho bác sĩ YHCT Đàm Thị Ngọc Hoa (công tác tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh). Thời gian hoạt động ngoài giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu (17 – 22 giờ); ngày cuối tuần từ 13 – 22 giờ. Như vậy rất rõ ràng, Đàm Anh Tuấn và người phụ nữ núp bóng phòng khám này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về KCB, thu lợi bất chính.
Nhận được phản ánh của PV Thanh Niên, ngày 12.12, Thanh tra Sở Y tế phối hợp các cơ quan chức năng Q.Tân Phú kiểm tra đột xuất Phòng khám Heart and Hand. Buổi sáng, trước khi đoàn kiểm tra đến, Tuấn còn đăng dòng trạng thái trên Facebook: Ca sáng không kịp thở…
Trước mắt thanh tra, có 8 BN ở 2 phòng trị liệu trên tầng 1, người đang nằm và đã được châm cứu, người thì đang chiếu tia. Tuấn trưng ra 2 bằng cấp liên quan y học, gồm bằng trung cấp y sĩ do Trường trung cấp y dược Hà Nam cấp năm 2017 và bằng trung cấp y sĩ YHCT do Trường trung cấp y khoa miền Trung cấp năm 2019. Tuấn không có chứng chỉ hành nghề KCB.
Theo nội dung tường trình, Tuấn thừa nhận đang thực hiện châm cứu và hỗ trợ trị liệu phục hồi giảm đau cho BN bằng máy. Tuấn chống chế rằng do phòng khám mới thành lập nên chưa lưu hồ sơ bệnh án. Nhưng Tuấn cũng thừa nhận nhận tiền trực tiếp của một BN 10 lần trị liệu là 4 triệu đồng. Từ tháng 10 – 12.2024, Tuấn trị liệu cho 20 BN và thu tiền trực tiếp là 80 triệu đồng…
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xác lập tại cơ sở này vi phạm đến 6 hành vi: không lập hồ sơ bệnh án ngoại trú chuyên khoa YHCT; không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo; biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; người hành nghề không có giấy phép hành nghề KCB; không bảo đảm điều kiện hoạt động sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động KCB; hoạt động không đúng thời gian ghi trong giấy phép.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xác minh, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động KCB của phòng khám, cá nhân và sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TP.HCM.
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết đầu tiên trong châm cứu là chống nhiễm khuẩn, nếu không tốt sẽ gây viêm nhiễm. Tiếp theo, người được châm cứu mà tình trạng không ổn định sẽ dẫn đến các biến chứng. Theo đó, nếu đang lên cao huyết áp mà châm cứu sẽ gây tai biến (liệt) vì BN tiếp tục lên cao huyết áp, vì vậy phải đo huyết áp, chuẩn bị BN tốt. Trước khi châm cứu, BN phải ở tình trạng không được quá no hay quá đói, không say rượu hay quá mệt, nếu không sẽ bị vựng châm (tái da, toát mồ hôi, tim đập nhanh, mạch yếu… ). Ngoài ra, châm không đúng huyệt sẽ không có hiệu quả, châm sai sẽ gây tổn thương đầu cơ. Khi châm cần chú ý các huyệt vùng đầu, nhất là sau gáy; các huyệt ở hệ thống thần kinh – cột sống; các huyệt trước ngực, bụng. Nếu không được đào tạo thì khi châm có nguy cơ gây biến chứng.
“Về chuyên môn y sĩ YHCT hiện đang có tồn tại lớn. Chương trình chỉ học 1 năm đông y và 1 năm tây y, học một nửa chăm sóc như điều dưỡng, một nửa điều trị như bác sĩ. Vì không có cơ sở thực hành nên học viên chủ yếu học lý thuyết. Nhiều học viên vào viện thực hành còn không biết đo huyết áp”, TS-BS Lan nói và khẳng định, với người chưa có chứng chỉ hành nghề KCB thì trên nguyên tắc không được sờ vào BN, kể cả hoàn thành chương trình bác sĩ. TS-BS Lan khuyến cáo người dân muốn KCB thì nên tìm hiểu kỹ tay nghề chuyên môn của người thực hiện cho mình, cũng như giấy phép hoạt động của cơ sở.
Nguồn: thanhnien.vn