VTV.vn – PTL “Hải Thượng Lãn Ông – Danh nhân văn hoá thế giới” sẽ được phát sóng vào 20h30 ngày mai (23/12) trên kênh VTV1.
Lãn Ông – Một hiền nhân tự nhận mình là ông già lười không hẳn chỉ là cách nói khiêm cung. Chữ lười ở đây chứa đựng cả một minh triết Phương Đông.
Giống như tên của vùng đất Hương Sơn Hà Tĩnh – núi tỏa hương, hương thơm y đạo của bậc danh y Lê Hữu Trác bay ngược chiều gió, xuyên không gian và thời gian, làm bên tầm vóc một danh nhân văn hóa thế giới dù sống ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc…
Trailer PTL “Hải Thượng Lãn Ông – Danh nhân văn hoá thế giới”.
“Hải Thượng Lãn Ông – Danh nhân văn hoá thế giới” là bộ phim tài liệu được thực hiện hướng đến kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Lê Hữu Trác. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Trương Công Tú, Ban Khoa giáo, Đài THVN.
Chia sẻ về bộ phim tài liệu “Hải Thượng Lãn Ông – Danh nhân văn hoá thế giới” – bộ phim sẽ được phát sóng vào 20h30 ngày mai (23/112) trên kênh VTV1, đạo diễn Trương Công Tú nói anh đã có 6 tháng để nghiên cứu các tài liệu về danh y Lê Hữu Trác – Hải Thượng Lãn Ông trước khi chính thức bắt tay vào việc làm phim.
“Khi đọc di sản của Hải Thượng Lãn Ông, nó đặt ra một bài toán với tôi. Đó là chúng ta hay nói về việc học tập tấm gương y đức của Hải Thượng Lãn Ông nhưng mọi thứ đều được nói rất chung chung, không cụ thể” – đạo diễn Trương Công Tú nói – “Nhưng sau khi đọc những tài liệu về Hải Thượng Lãn Ông sau 6 tháng, mọi thứ đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Với vị trí là người làm việc ở Ban Khoa giáo, tôi thấy chúng ta có thể triển khai được rất nhiều chương trình thật sự hữu ích dựa trên những gì danh y Lê Hữu Trác để lại cho hậu thế”.
“Tất cả những gì Hải Thượng Lãn Ông viết đều rất cụ thể, rõ ràng, mạch lạc. Nó bao gồm cả việc hướng dẫn các cách làm cho mọi người và nó rất thiết thực. Y học của ông thực sự là y học của nhân loại – nơi mọi người đều có thể làm được chứ không phải chỉ có thầy thuốc mới làm được”.
Đạo diễn Trương Công Tú chụp cùng Bảo vật Quốc gia – Mộc bản sách Hải thượng Y Tông Tâm Lĩnh của danh y Lê Hữu Trác. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Anh có thể nói cụ thể hơn?
– Ví dụ như phần ông viết về bệnh của trẻ con. Người ta thường nói chữa bệnh cho trẻ con rất khó vì bọn trẻ không thể diễn đạt được đúng tình trạng đang xảy ra với chúng, đau thì chỉ biết khóc, chúng nói thường rất chung chung, nên không thể nhận định được bệnh là bệnh gì. Nhưng theo Hải Thượng Lãn Ông, trẻ con rất dễ chữa bệnh. Bởi vì con người ta lớn, bệnh là do ăn uống lâu năm tích tụ, do thất tình lục dục, do đau khổ… mà thành. Nhưng trẻ con không có điều đó. Mình chỉ cần quan tâm trong 3 ngày qua trẻ ăn gì, có vấn đề gì là mình tìm ra được bệnh của trẻ. Bệnh của trẻ đa phần là do ăn uống, vì thế, chữa bệnh cho trẻ con lại vô cùng dễ. Thứ 2 là chữa bệnh cho trẻ con phải hiểu về nguyên lý âm dương. Ví dụ, trẻ con là một cái cây non đang thuần dương thì mình phải hiểu nguyên lý âm dương.
Khi mình hiểu về nguyên tắc ấy, mình nuôi một đứa trẻ con không còn cảm thấy khó khăn. Khi mình đọc những gì Hải Thượng Lãn Ông viết mình thấy mình có thể áp dụng được vào việc chăm con mình, và nó không phải là những điều gì quá xa xôi, khó hiểu.
Thực sự, phần chữa bệnh cho trẻ em là một trong những nội dung tôi quan tâm nhất khi nghiên cứu về Lãn Ông.
Vậy bộ phim lần này của anh có nhiều khác biệt với những phim đã làm về Hải Thượng Lãn Ông trước đây không, thưa anh?
– Về cơ bản, bộ phim này cũng sẽ đề cập đến những vấn đề mà mọi người đã từng được nghe, được biết về nhân vật. Bộ phim này làm kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông nên bộ phim sẽ xoay quanh công trạng cũng như những đóng góp của ông với xã hội cũng như những giá trị ông để lại. Với thời lượng 25′, bộ phim sẽ trả lời câu hỏi tại sao ông được coi là danh nhân thế giới, ông đóng góp cho ngành y ra sao, là thầy giáo như thế nào… Tuy nhiên, về mặt cá nhân tôi, với tư cách là một người đạo diễn, tôi muốn nói về câu chuyện theo cách tôi thấy nó thực sự thiết thực.
‘Những tri thức Hải Thượng Lãn Ông để lại sau 300 năm vẫn là những tri thức mang tầm nhân loại và nó ứng dụng vào trong cuộc sống của chính bản thân mình – trong việc nuôi dạy con cái, sống với mọi người’.
Đạo diễn Trương Công Tú.
Danh y Lê Hữu Trác tự nhận mình là Lãn Ông – một ông già lười. Có ông già lười nào viết được một cuốn sách mấy chục tập như thế, tạo ra một di sản đồ sộ, lớn lao như thế? Mọi người sẽ bảo ông ấy lười công danh, sự nghiệp. Nhưng lười công danh sự nghiệp là như thế nào? Mỗi người có một khái niệm về công danh, như Hải Thượng Lãn Ông, ông là một thầy thuốc, đi chữa bệnh cứu người cũng là một loại danh. Vậy chữ lười này là chữ lười gì? Thì đó là một hành trình mà tôi muốn tìm hiểu và cũng là sự khác biệt của bộ phim này.
Đạo diễn Trương Công Tú trong quá trình thực hiện PTL về Hải Thượng Lãn Ông.
Cá nhân tôi cho rằng cái lười này là cái lười của bậc thánh nhân, khi người ta hiểu đã hiểu được mọi thứ thì người ta điềm tĩnh trước mọi việc. Khi người ta điềm tĩnh trước mọi việc thì không có gì là bất ngờ, là ghê gớm nữa thì người ta… lười. Lười của ông giống như một sự thả trôi – khi đã hiểu mọi sự vận hành xung quanh mình, làm gì cũng chấp nhận cái xảy ra, những thứ mình không thể thay đổi được… Khi một người hiểu được những cái lẽ ấy thì người ta sẽ điềm tĩnh trước mọi việc. Lười của Hải Thượng Lãn Ông là sự thấu suốt được tự nhiên.
Trong bộ phim này, cũng nhắc đến câu chuyện con người nên sống gần với thiên nhiên như thế nào. Chúng ta đã từng có giai đoạn sống rất gần với thiên nhiên nhưng cuộc sống của chúng ta bây giờ càng ngày càng rời xa tự nhiên. Chúng ta đóng cái linh giác của chúng ta lại và hài lòng với những thứ tiện ích. Chúng ta đóng rất nhiều những cánh cổng giao tiếp với người mẹ tự nhiên, với vũ trụ mà chúng ta từng có khi còn bé. Và đó cũng là một trong những điều được gửi gắm vào bộ phim.
Với tôi, phim tài liệu là phim tư tưởng và trăn trở. Và trăn trở của tôi với bộ phim này không chỉ là với Hải Thượng Lãn Ông mà là mượn câu chuyện về ông để nói về chính con người chúng ta. Lãn Ông đang chữa bệnh cho chúng ta thì con người chúng ta cũng phải tự chữa bệnh và khi mình tự chữa bệnh thì cũng là lúc mình bắt đầu bằng sự tự nhận thức, và khi mình tự nhận thức thì mình mới có động lực thay đổi. Không tự nhận thức thì không thay đổi được gì.
‘Tôi muốn, qua bộ phim, gửi gắm một số thông điệp mà Hải Thượng Lãn Ông đã gửi lại cho hậu thế’.
Đạo diễn Trương Công Tú.
Anh hứng thú với phim tài liệu lâu chưa?
– Tôi làm phim tài liệu lâu rồi nhưng lâu rồi cũng ít làm phim. Tôi thích những phim có tính tư tưởng, mình gửi gắm được những điều mình muốn nói vào trong đó. Việc chỉ đơn giản là kể một câu chuyện thì đó không phải là mong muốn của tôi khi làm phim.
Bây giờ nếu bạn lên Wikipedia bạn sẽ đọc được ngay những thông tin và hiểu Hải Thượng Lãn Ông là ai và phim này cũng sẽ không có gì mới so với những thông tin đã có về danh y này. Nhưng đằng sau câu chuyện về ông ở đây là gì? Và đó là điều mà một người làm phim tài liệu làm. Tôi gửi tới mọi người những trăn trở của mình. Và mong tìm được sự đồng cảm của người xem.
Cách làm phim tài liệu của tôi là như vậy. Tôi hay chọn theo hướng như vậy.
Thách thức của việc làm về một nhân vật còn sống với một nhân vật đã qua đời, như Hải Thượng Lãn Ông, với người làm phim tài liệu là gì?
– Mỗi kiểu nhân vật sẽ có một thách thức khác nhau, người còn sống sẽ có thách thức khi mình làm về họ. Những nhân vật còn sống, thời gian chiêm nghiệm đôi khi gần như là không có, nên người làm phim sẽ phải đi vào những sự kiện thú vị, chi tiết thú vị nào đấy để phát triển chuyện phim. Đấy là cái khó của nhân vật đang còn sống.
Còn với những nhân vật đã qua đời lâu rồi thì đó sẽ là câu chuyện về chiêm nghiệm. Mình được ngồi trong tháp ngà và cảm nhận được những tinh anh của nhân vật mình làm. Những con người ấy chính là những di sản của dân tộc. Những gì lắng đọng lại không mất đi theo thời gian thì chắc chắn là những thứ có giá trị. Đó là một viên ngọc và việc của mình là mài dũa, tôn vinh và kể câu chuyện ấy một cách hấp dẫn để phù hợp với khán giả.
Điều đạo diễn muốn nói là gì đằng sau câu chuyện về Hải Thượng Lãn Ông – nhân vật mà ai cũng biết sơ sơ ấy?
Điều mà anh thấy thú vị ở bộ phim anh làm và cũng là điều khán giả sẽ tìm thấy ở nó là gì?
– Tôi nghĩ bộ phim sẽ tạo ra cảm hứng để mọi người nhìn lại chính mình. Khi mình nhìn vào cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông, những trăn trở, suy nghĩ, cách chữa bệnh… của ông thì đó cũng là cách mình nhìn lại chính con người mình.
Đôi khi, một ngày người ta cũng chỉ cần 1-2 phút lắng lại đã là giá trị rồi. Thì một bộ phim cũng vậy. Trong một ngày bây giờ có hàng triệu những sản phẩm truyền thông ra đời, một bộ phim có thể giúp cho người ta có được 60 giây tĩnh lặng, 60 giây ấy có thể ngày mai người ta quên nhưng đến một lứa tuổi nào đấy người ta sẽ được nhắc nhở trở lại, đến một thời điểm nào đấy nó được kích hoạt trở lại. Người ta sẽ quan tâm lại việc nhìn lại bản thân, khai mở bản thân, lắng nghe linh căn, linh giác của mình, lắng nghe trực giác của mình để tạo ra những giá trị mới. Tôi nghĩ thế đã là tốt rồi.
Khi làm một bộ phim, tôi luôn luôn có một tư duy như thế này, là nếu mình nuôi mình phải nuôi một con voi thì khi con voi đó lớn lên nó sẽ là một con voi. Chứ mình nuôi một giống chuột khổng lồ thì lớn lên nó vẫn là một con chuột khổng lồ mà thôi, không phải là một con voi. Bản chất nó vẫn là con chuột.
Tôi hay lấy ví dụ cây cúc vạn thọ, đó là loại cây mà hạt gieo xuống mọc lên rất nhanh. Tên nó là vạn thọ nhưng vòng đời nó lại rất ngắn. Thì với những người làm phim tài liệu, mình không trồng cúc vạn thọ. Người làm phim tài liệu phải gieo những hạt giống cây đa, cây bồ đề và có những thông điệp, những triết lý. Nó dù rất bé nhưng nó sẽ lớn lên trong những người xem. Vì bản chất của phim tài liệu là phim không dành cho số đông, không dành cho đại chúng và khi không dành cho đại chúng thì nó không thể là cúc vạn thọ được.
Với tôi, phim tài liệu giống như “gia bảo” của mỗi con người. Không hẳn lúc nào cũng cần xem, cần dùng trong cuộc đời nhưng nhưng chắn chắn lúc quan trọng nhất sẽ cần đến. Bởi thế, nó phải lớn dần lên như cây đa, cây bồ đề chứ không phải cúc vạn thọ. Nên người đạo diễn chỉ cần gieo vào người xem một hạt giống thì đã giá trị lắm rồi.
‘Tạo ra một trăn trở, một suy nghĩ, gieo vào người ta một hạt mầm nào đấy và khi nào nó nở thì nó là hên xui’.
Đạo diễn Trương Công Tú.
Đạo diễn Trương Công Tú. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Như vậy, người làm phim tài liệu hẳn cũng phải rất kiên định với mọi thứ xung quanh mình!?
– Tôi thấy có một bí quyết thành công rất hay, đấy là đầu tiên anh phải dùng đến trí tuệ để chọn con đường của mình. Khi mình đã chọn được rồi thì đừng dùng đến trí tuệ nữa. Anh phải dùng đến sự kiên định, phải dùng đến sự cần cù để đi. Nếu lúc đó tai mình vẫn còn lắng nghe thì mình sẽ trở thành người đẽo cày giữa đường.
Khi mình dùng đến trí tuệ để tìm con đường cho mình là mình đã đặt ra tất cả những phương án và mình đã chọn con đường đó, thì lúc đi chỉ còn là câu chuyện của sự quyết tâm. Vì cuối cùng, điều khiến mọi người hơn nhau chính là sự cần mẫn hàng ngày. Thì phim tài liệu cũng thế, khi đã chọn con đường ấy thì đừng lắng nghe nhiều quá.
Ai cũng có độc giả của riêng mình, độc giả ấy dù là 1 người cũng vẫn có giá trị. Không có nghĩa là 1 triệu người nghe thì giá trị hơn 1 người.
Bản chất của cuộc sống là người ta hay làm một việc là so sánh và tôi thấy so sánh là thứ dở hơi nhất trên đời (cười). Không thể so sánh một sản phẩm phim tài liệu với một sản phẩm social nên tất cả sự so sánh là không có cơ sở. Tốt nhất chúng ta không só sánh cái gì kể cả việc so sánh hai bộ phim tài liệu với nhau.
Mọi thứ thời gian sẽ trả lời, thời gian sẽ giải quyết vấn đề ấy, không phải mình.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!