Người dân trồng cam Xã Đoài (xã Nghi Diên, H.Nghi Lộc, Nghệ An) lo lắng khi mỗi quả cam có giá 80.000 đồng chuẩn bị vào vụ thu hoạch để bán dịp tết Nguyên đán đang bị rụng hàng loạt.
Xã Nghi Diên có khoảng 15 ha cam Xã Đoài đang ở thời kỳ cho quả. Để loại cam quý này tăng giá trị, người trồng phải chờ đến dịp giáp tết Nguyên đán mới thu hoạch để bán cho khách hàng đã đặt mua từ trước đó.
Những năm qua, giá cam luôn ổn định ở mức 70.000 – 80.000 đồng/quả (tương đương 300.000 đồng/kg), cá biệt có năm lên đến 90.000 – 100.000 đồng/quả.
Năm nay, người trồng cam Xã Đoài đang đứng trước nguy cơ thất thu vì cam rụng quá nhiều. Ông Phan Công Hưởng (ngụ xóm Yên Phúc, xã Nghi Diên), nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên, là người nhiều năm gắn bó và rất tâm huyết với cam Xã Đoài. Sau khi nghỉ hưu, ông Hưởng chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa ven làng sang trồng cam và đang sở hữu vườn cam 400 gốc. Nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, vườn cam này mỗi năm mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Năm nay, cam bị rụng quả quá nhiều khiến ông lo lắng.
“Thông thường, năm nào cam cũng rụng do ảnh hưởng của thời tiết, nhất là vào thời điểm sau đợt mưa lũ. Khi hết mưa lũ, cam sắp chín thì rụng rất ít. Năm nay, cam bắt đầu rụng từ cuối tháng 8 và kéo dài cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cây ít thì rụng gần nửa số quả, có cây rụng đến 90% quả. Với giá như các năm trước, năm nay, cam rụng quá nhiều khiến gia đình tôi thất thu vài trăm triệu đồng”, ông Hưởng cho hay. Cam rụng khi còn xanh, chất lượng chưa ngon nên ông Hưởng phải bỏ đi, chưa thể mang bán để vớt vát.
Thấy cam rụng bất thường nên ông Hưởng đã mời các chuyên gia từ Hà Nội và Bắc Giang về kiểm tra, tìm phương án xử lý. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ nhận định có thể do sương muối vì cây cam vẫn xanh tốt, không có dấu hiệu bị sâu bệnh.
“Cam rụng chưa có cách nào cứu được. Nhiều khách hàng đã liên hệ đặt cam Tết và tôi sợ không đủ cam để cung ứng nên phải từ chối những người đặt mua sau”, ông Hưởng nói.
Không chỉ ở vườn cam nhà ông Hưởng, các vườn cam Xã Đoài khác ở Nghi Diên cũng đang phải đối mặt với tình cảnh tượng tự.
Ông Phạm Đình Tiến (ngụ xóm Phượng Sơn) có 80 gốc cam đang cho quả. Năm nay cam cho quả nhiều, ông Tiến dự kiến sẽ thu về khoảng 5.000 quả cam. Nhưng càng đến gần kỳ thu hoạch thì quả càng rụng nhiều.
“Mỗi quả cam giá 70.000 – 80.000 đồng, mỗi ngày rụng hàng chục quả là rụng mất một mớ tiền, tiếc lắm nhưng không có cách nào để giữ”, ông Tiến tiếc rẻ.
Cam quý nhưng khó nhân rộng
Cam Xã Đoài nổi tiếng nhờ hương vị ngọt dịu, thơm đặc trưng, múi cam vàng óng nên từ nhiều năm qua đã trở thành đặc sản quý của Nghệ An. Giống cam có nguồn gốc từ châu Âu này do các giáo sĩ mang sang Việt Nam có đặc tính kỳ lạ ở chỗ chỉ ngon khi trồng ở đất Xã Đoài. Nhiều thử nghiệm đã được thực hiện khi giống cam này được đem trồng ở các vùng đất khác nhưng đều thất bại khi hương vị bị thay đổi.
Trong lịch sử, cam Xã Đoài từng được xuất khẩu sang châu Âu, mang lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, do quỹ đất bị thu hẹp và giống cam bị thoái hóa nên vài chục năm trở lại đây, những vườn cam trĩu quả ở Xã Đoài bị mất dần.
Theo số liệu của UBND xã Nghi Diên, hiện có khoảng 50 hộ dân trong xã còn trồng khoảng 30 ha cam Xã Đoài, trong đó khoảng 15 ha đã cho quả. Mỗi năm, loại cam này mang về cho người dân khoảng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay, do cam bị rụng quá nhiều nên sản lượng giảm khoảng 50% so với dự kiến.
“Dự kiến giá cam vẫn giữ mức 70.000 đồng đến 80.000 đồng/quả và có thể tăng nhẹ vào sát tết”, một cán bộ xã Nghi Diên cho hay.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Nghi Lộc, cho biết thời tiết chuyển mùa, mưa phùn và độ ẩm cao đã gây nên hiện tượng sương muối là nguyên nhân khiến cam bị rụng hàng loạt. Ngoài vùng cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên, các giống cam khác trên một số xã thuộc địa bàn huyện cũng bị rụng.
Để hạn chế những tổn thất do ảnh hưởng của thời tiết, UBND H.Nghi Lộc đã hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cam đúng quy trình. Theo đó, cam Xã Đoài sẽ được áp dụng công nghệ sử dụng chất trích thảo mộc để phòng trừ nấm bệnh hại, sử dụng bao PE, bao màng Chitosan để đảm bảo chất lượng quả, bảo quản quả sau khi thu hoạch ở nhiệt độ lạnh…
Trước đó, từ năm 2018, nhận thấy giá trị kinh tế của cam Xã Đoài mang lại, H.Nghi Lộc đã quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cam Xã Đoài đạt 180 ha, trong đó diện tích cam kinh doanh là 153 ha, sản lượng đạt 2.149 tấn. Tuy nhiên, mục tiêu này không thành hiện thực khi cây cam Xã Đoài đã trở nên “khó tính” hơn và việc phát triển không dễ như dự kiến.
Ông Trịnh Xuân Giáo, chủ một doanh nghiệp đã thành công với thương hiệu cam Vinh vừa đầu tư trồng gần 10 ha cam Xã Đoài tại xã Nghi Diên, cho biết để giữ được hương vị, chất lượng cam Xã Đoài như nguyên bản không hề dễ.
“Hơn 100 năm nay, người dân chuyển sang trồng lúa, nên trong đất có rất nhiều phèn do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Khi chuyển từ đất lúa sang trồng cam, tôi đã phải lấy đất ở tất cả các tầng cao thấp, đưa ra Viện Nông dưỡng kiểm nghiệm. Có đất rồi, còn phải tập trung tẩy rửa, đẩy hết chất phèn, xung quanh còn phải đào 2.000 m hào có chiều rộng 3,5 m, đáy sâu 2 m để tiêu thoát nước cho cam”, ông Giáo chia sẻ.
Để đảm bảo quả cam Xã Đoài chính gốc, ông Giáo còn phải đem giống cam Xã Đoài F1 ra Viện Cây ăn quả có múi để cấy lại mô nhằm tẩy sạch bệnh, lấy phân bò xử lý bằng chế phẩm để diệt hết mầm bệnh, mua mật mía về ủ cùng lân, đạm trong thời gian 3 tháng mới đem bón cho cam. Quy trình kỹ thuật chăm sóc quá cầu kỳ, nhiều người không thể đáp ứng được khiến cam Xã Đoài rất khó phát triển về diện tích.
Thực tế, ngoài những vườn cam hiện có được trồng trong vườn nhà, việc phát triển giống cam quý ra đồng gặp rất nhiều khó khăn nên người dân không dám mạo hiểm và chính quyền đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thực hiện công việc này.
Nguồn: thanhnien.vn