Thành phố Huế triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa quảng bá hình ảnh địa phương tại nước ngoài, mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế;
Về hợp tác quốc tế, sẽ tạo điều kiện nâng cao vị trí đối ngoại của địa phương trên trường quốc tế.
Cơ hội lớn
Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố Huế triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa quảng bá hình ảnh địa phương tại nước ngoài, mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế; tăng cường khai thác các dự án hợp tác kinh tế song phương và đa phương tạo kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó, tạo cơ hội lớn để Huế tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được dòng vốn FDI bền vững.
Với dư địa phát triển còn lớn như tỉnh Thừa Thiên Huế, giá trị đất đai, bất động sản tăng lên cũng chính là điểm hấp dẫn hơn nữa của tỉnh trong thu hút, xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, năm 2025 là năm du lịch quốc gia do thành phố Huế trực thuộc trung ương lần đầu tiên đăng cai tổ chức. Đây là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè quốc tế, là cơ hội để tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư để thu hút được nhiều dự án hơn nữa.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, hạ tầng các khu chức năng… là “điểm cộng” trong công tác thu hút đầu tư, là “chìa khóa” để tạo ra các lợi thế cạnh tranh lớn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào tỉnh.
Xây dựng các sản phẩm xúc tiến đầu tư
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để đón đầu cơ hội xúc tiến thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, Trung tâm sẽ xây dựng các sản phẩm xúc tiến đầu tư với các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể, các tiêu chí cụ thể trên cơ sở rà soát khảo sát hiện trạng, xác định diện tích, quy mô, quy hoạch và các vấn đề liên quan đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển, phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tuy nhiên, theo chủ trương của tỉnh, xúc tiến đầu tư tại chỗ vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, số lượng dự án đang nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh là khá nhiều, việc hỗ trợ thủ tục cho các dự án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm cấp phép đầu tư cho các nhóm dự án đang ở giai đoạn triển khai thủ tục cũng như đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án đã được cấp phép đầu tư đi vào hoạt động chính là những nhiệm vụ trọng yếu để khơi thông dòng chảy đầu tư, tạo động lực phát triển, xứng tầm là thành phố trực thuộc trung ương.
“Việc Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một bước ngoặt quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển kinh tế – xã hội. Để tận dụng tối đa lợi thế này, việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là một trong những ưu tiên hàng đầu. Phát huy sứ mệnh “phụng sự doanh nghiệp”, Trung tâm sẽ dùng hết tâm sức, nhiệt huyết để thật sự được cộng đồng doanh nghiệp xem là người bạn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công và hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Thảo chia sẻ.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được xem là động lực phát triển tỉnh trong những năm tới. Theo Quy hoạch, Chân Mây sẽ được đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III. Chân Mây – Lăng Cô là khu kinh tế rộng nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích khoảng 27.108 ha, gồm 5 khu chức năng chính, gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Theo đó, tỉnh sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô với tổng số vốn đầu tư khoảng 59.620 tỷ đồng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn