Tuesday, December 24, 2024

Gian nan hành trình ‘gieo chữ trên mây’

Bám trường lớp ở những nóc heo hút nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giữa thiếu thốn bủa vây, các giáo viên trẻ vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi, họ lên đây không vì đồng lương mà đó như là ‘cái duyên’. Cả thanh xuân của họ gần như gửi theo hành trình ‘gieo chữ trên mây’.

NHỮNG NƠI NHIỀU “CÁI KHÔNG”

Trong các điểm trường trên non cao ở H.Nam Trà My (Quảng Nam), những cái tên như “nóc ông Thái”, “nóc ông Vanh” ở xã Trà Dơn mỗi lần được gọi lên đều khiến mọi người có cảm giác xa ngái. Khó về đường đi, thiếu thốn bủa vây khiến nơi đây được coi là “thâm sơn cùng cốc”. Hầu hết các làng nằm biệt lập giữa núi rừng, với nhiều “cái không” như: không internet, không sóng điện thoại, không nước sạch…

Tròn 7 năm kể từ khi tốt nghiệp Trường ĐH Quảng Nam chuyên ngành Sư phạm tiểu học, thầy Hồ Văn Xuân (29 tuổi, ở xã Trà Dơn, H.Nam Trà My) trúng tuyển viên chức giáo dục và đến nhận công tác tại Trường phổ thông dân tộc bán trú và tiểu học xã Trà Dơn. Năm nay, thầy Xuân được phân công đến đứng điểm tại nóc ông Thái (thôn 4, xã Trà Dơn) để giảng dạy lớp ghép 1 – 2 với 7 học sinh (HS). “Các em HS ở đây đều là người đồng bào dân tộc Xê Đăng nên hầu hết không biết nói tiếng phổ thông. Vì vậy, khi các thầy cô lên đây đứng lớp đều phải chuẩn bị trước tư tưởng vừa là thầy, vừa là cha, vừa là mẹ để nhẫn nại uốn nắn đàn con thơ”, thầy giáo trẻ mở đầu câu chuyện.

Gian nan hành trình 'gieo chữ trên mây'

Con đường đầy gian nan mà hai thầy giáo trẻ Hồ Văn Xuân và Phạm Văn Tiến tuần nào cũng phải trải qua để đến điểm trường mình đứng lớp

ẢNH: VĂN TIẾN

Mấy tuần nay, mỗi lần đến lớp, thầy Xuân cũng như nhiều thầy cô khác bám tại những điểm trường vùng cao luôn trong tình trạng lem luốc bùn đất, như vừa đi lội ruộng. Bởi lối đi duy nhất nối nơi này với bên ngoài là cung đường mòn hiểm trở, nắng toàn sống trâu, mưa thì bùn lầy ngập nửa bánh xe máy. “Trước đây, nếu đi hướng cánh xã Trà Dơn thì từ điểm để xe máy đến điểm trường nóc ông Thái tôi phải đi bộ thêm 7 giờ đồng hồ đường rừng, lội qua nhiều con suối lớn, nhỏ. May mắn là hiện nay thôn 4 đã thông với xã Trà Leng (H.Nam Trà My) nên cũng rút ngắn được nửa quãng đường”, thầy Xuân chia sẻ.

VỪA LÀM THẦY VỪA LÀM BẢO MẪU

Mười giờ, tiếng gõ thước lộc cộc vào bảng gỗ xen lẫn tiếng ê a đọc chữ của học sinh vang lên giữa núi rừng. Cảnh những em HS đầu tóc cháy nắng, mắt tròn xoe, ngồi dưới nền gạch đọc chữ khiến những người chứng kiến rưng rưng. Lớp ghép cấp tiểu học, nhưng chốc chốc lại vang lên tiếng khóc của những em nhỏ mới chỉ 2 – 3 tuổi. Nóc ông Thái chỉ có điểm trường cấp tiểu học, hằng ngày cha mẹ các em đi nương rẫy hết, nên dù chưa học chuyên môn mầm non, nhưng với tấm lòng yêu thương trẻ, thầy giáo Hồ Văn Xuân kiêm luôn “bảo mẫu” để nhận, chăm sóc thêm 8 trẻ mầm non.

Rời giáo án, đôi tay thầy Xuân lại thoăn thoắt thái thịt, nhặt rau để nấu bữa trưa cho trẻ với sự hỗ trợ của một phụ huynh. Cũng như các thầy cô giáo khác ở những làng trên núi cao, đầu tuần thầy Xuân lại cõng ba lô chứa thịt, cá, mắm, muối, gạo… lên núi. “Hầu hết các em hoàn cảnh rất khó khăn, bữa cơm có thịt là một điều xa xỉ. Vì vậy, để đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, ngoài sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tôi tìm mọi cách để mỗi tuần cố gắng kiếm cho các con ba bữa cơm có thịt”, thầy Xuân trải lòng.

Gian nan hành trình 'gieo chữ trên mây'

Thầy Hồ Văn Xuân chăm sóc giấc ngủ trưa cho các em học sinh

ẢNH: VĂN TIẾN

Ngoài ra, phòng học chật hẹp, lại xuống cấp nên để lo giấc ngủ trưa cũng như tiện chăm sóc, thầy Xuân tận dụng luôn phòng nghỉ của mình để các em HS ở.

“LÀ DUYÊN, LÀ NGHIỆP”

Câu chuyện theo nghề dạy học và lên với học trò ở nóc ông Vanh (xã Trà Dơn) đối với thầy giáo Phạm Văn Tiến (27 tuổi, quê ở xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) như một sự sắp đặt sẵn. Cách đây 4 năm, thầy Tiến tốt nghiệp Trường ĐH Quảng Nam chuyên ngành Sư phạm tiểu học. Với một thầy giáo trẻ, chuyện đứng lớp dạy chữ ở điểm trường xa xôi nhất như nóc ông Vanh không vì đồng lương, mà là duyên, là nghiệp.

Từ điểm trường nóc ông Thái lên nóc ông Vanh phải mất thêm hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ trên con đường mòn giữa rừng già. Là người miền núi, nhưng khi ôm ba lô đi ngược con đường dốc 45 độ tới nóc ông Vanh, đứng nhìn điểm trường đơn sơ như kho lúa đặt giữa nương rẫy thường thấy của bà con địa phương, thầy Tiến tự dưng thấy chân mình như hụt xuống. Bởi thầy không nghĩ điểm trường mình đứng lớp lại đơn sơ tới mức như vậy.

Quãng thời gian đầu với một giáo viên trẻ không hề dễ dàng. Ở nơi không có sóng điện thoại, không điện lưới, HS lầm lũi từ rừng đi ra và thầy phải chăm bẵm mệt nhoài từ sáng tới tối. Tuy nhiên, điều làm thầy Tiến khổ tâm nhất là câu chuyện đi tìm trò. “Người Xê Đăng đa phần sống bám vào lưng chừng núi, những mái nhà chen chúc, dốc đứng. Trước mỗi năm học mới, giáo viên đều phải lặn lội đi bộ tới từng nóc kêu gọi HS ra lớp. Tìm lũ trẻ đã khó, tìm gặp được phụ huynh của chúng còn khó hơn. Nhiều lúc phải chờ đến đêm, khi bà con đi rẫy về, mới gặp được, thuyết phục mãi họ mới đưa trẻ ra lại lớp”, thầy Tiến kể.

Lên đây từ những ngày đầu mới ra trường, 3 năm trước, thầy Tiến cũng toàn đứng lớp tại những điểm trường lẻ nằm sâu trên đỉnh núi Ngọc Linh. Năm nay điểm trường thầy giảng dạy là lớp ghép 1 – 2 với 6 HS lại xa hơn một chút; ngoài ra còn kiêm nhiệm chăm sóc thêm 8 trẻ mầm non. Vì là giáo viên hợp đồng nên những năm qua, mỗi tháng thầy Tiến chỉ nhận được khoảng 5 triệu đồng tiền lương. Trong khi đó, mỗi tháng thầy đã mất khoảng 350.000 đồng thay nhông sên dĩa xe máy, chưa kể tiền xăng… “Mình là người đồng bào nên hiểu được những khó khăn, vất vả của bọn trẻ ở đây. Mình xem việc lên đây bám bản không phải vì đồng lương mà đó như là duyên, là nghiệp. Hơn ai hết, những người trẻ như mình phải ươm mầm ước mơ cho các em, với hy vọng sau này các em sẽ có cơ hội rời núi tìm con chữ, rồi quay trở về làm thay đổi bản làng”, thầy Tiến quả quyết.

Gian nan hành trình 'gieo chữ trên mây'

Thầy Tiến và thầy Xuân lấm lem bùn đất khi vượt qua con đường gian khổ

ẢNH: VĂN TIẾN

Theo thầy Tiến, phần lớn đường đến các bản làng chưa được trải bê tông nên việc đi lại trong mùa mưa như cực hình. Các thầy cô giáo phải đẩy bộ xe nhích từng bước. Xe hư hỏng liên tục, ngày nào đến lớp cũng trong tình trạng bê bết bùn đất. Chưa kể, vào mùa mưa lũ, nước suối trong rừng dâng cao khiến việc đến với bản trở nên nguy hiểm. “Nhưng đi qua rồi, nhìn lại sẽ thấy con dốc từng làm mình trượt ngã cũng… bình thường, thấy những gian khó cũng chỉ là trải nghiệm. Nhiều khi bị trượt ngã trên đường, người lấm lem, ướt sũng, nhưng tụi mình vẫn cười, vẫn vui. Chính những khó khăn, vất vả đã giúp những giáo viên trẻ như tụi mình trưởng thành hơn, vững vàng hơn và càng tin tưởng vào lựa chọn của mình khi đến với nghề giáo”, thầy Tiến tâm sự.

Gắn bó với núi và mây, các thầy cô giáo vùng cao quen luôn với đời “cắm bản”, quen những tập tục của người vùng cao, như một người con của đồng bào. Sẽ khó có thể kể hết gian khó ở những “lớp học trong mây”, nhưng thanh xuân của nhiều thầy cô giáo vẫn gửi lại nơi đây. Ngày qua ngày, họ lặng lẽ chọn đi về phía những gian lao, để cõng chữ ngược dốc núi, về với những bản làng…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img