Monday, December 23, 2024

Ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với trẻ em

Trong bối cảnh các chuẩn mực xã hội còn hạn chế, hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình vẫn tồn tại. Việc can thiệp bằng các chính sách có đủ sức răn đe là giải pháp cần thiết.

Ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với trẻ em

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Đây là chia sẻ của Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp.

– Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, tuy nhiên, đây lại là đối tượng yếu thế trước các hành vi xâm hại, bạo hành cần được bảo vệ. Yếu tố này được điều chỉnh và ghi nhận như thế nào trong hệ thống pháp luật hiện hành, thưa ông?

Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Theo đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Đồng thời, chúng ta còn có các Luật như: Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Lao động, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự… đều quan tâm thích đáng đến quyền lợi trẻ em.

Không chỉ có vậy, chúng ta cũng đã xây dựng và thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em ở các cấp. Mục tiêu quốc gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được bảo vệ đặc biệt còn được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam làm cơ sở để vận động nguồn ngân sách cho việc giải quyết các vấn đề bạo hành trẻ em ở cấp quốc gia và địa phương… Việt Nam thừa nhận trẻ em được hưởng mọi quyền cơ bản của con người thông qua Hiến pháp, pháp luật, chính sách, nhằm hướng tới việc, trẻ em được bảo vệ một cách an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình đối với trẻ em nói riêng đâu đó vẫn còn tồn tại, khi không ít trường hợp bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em, không chỉ ở nông thôn mà cả ở những đô thị lớn đã diễn ra.

Ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với trẻ em

Vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình đối với trẻ em nói riêng đâu đó vẫn còn tồn tại, khi không ít trường hợp bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em, không chỉ ở nông thôn mà cả ở những đô thị lớn đã diễn ra.

Ngoài gia đình, thì trong môi trường cộng đồng như nhà trường, điểm trông giữ trẻ,… vẫn còn đó những trường hợp cá biệt xuất hiện tình trạng bạo lực trẻ em. Những thông tin được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian vừa qua cho thấy, tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn đang diễn ra nghiêm trọng.

– Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Thực trạng của bạo lực trẻ em trong gia đình có mối liên hệ với nghèo đói, bạo lực và bất bình đẳng xã hội.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khác của hiện trạng này xuất phát từ việc kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận. Cho nên, dù trừng phạt thân thể dường như không có giá trị giáo dục mang tính xây dựng hay vì lợi ích của một đứa trẻ, mà nó thường phục vụ nhu cầu tức thời của người lớn đang tìm cách giải tỏa cơn tức giận và căng thẳng không thể kiểm soát của mình vẫn thường xuyên diễn ra.

Thủ phạm bạo lực thể chất và tinh thần phổ biến nhất đối với cả trẻ em nam và nữ ở mọi lứa tuổi là các thành viên trong gia đình. Trong đó, cha mẹ và nhất là người mẹ được xác định là người thường bạo lực trẻ nhất, ngoài ra, các em cũng có thể bị bạo lực bởi bất kỳ thành viên lớn tuổi nào của gia đình, đặc biệt là bởi anh chị của các em. Vì vậy, rất cần có các giải pháp để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng đã nêu.

– Để bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?

Theo tôi, cần thay đổi cách tiếp cận quyền trẻ em từ xây dựng, thực thi chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực trẻ em, trong đó, cần thể hiện rõ bạo lực đối với trẻ em cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp trẻ em với tư cách là thành viên trong xã hội. Bởi, việc phân bổ quyền trong một xã hội là một khía cạnh quan trọng trong các chính sách xã hội, nên việc sửa đổi các chính sách này là cần thiết nếu quyền của trẻ em được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần.

Để các chính sách xã hội có hiệu quả, đòi hỏi việc hoạch đinh chính sách, pháp luật về quyền trẻ em phải được xây dựng trên căn nguyên của tình trạng bạo lực trẻ em, và cần được điều chỉnh, ngăn chặn bằng các chế tài đủ sức răn đe. Theo đó, các chính sách xã hội nhằm bảo vệ quyền được an toàn về thân thể của trẻ em cần được thiết kế xoay quanh các khía cạnh nguyên nhân của hành vi xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, cần thay đổi triết lý nuôi, dạy trẻ em để đảm bảo các chuẩn mực văn hóa ủng hộ việc sử dụng vũ lực trong quá trình nuôi dạy trẻ em là cốt lõi của mọi hành vi ngược đãi trẻ em trong xã hội. Do đó, cần thiết, cấp bách thay đổi, truyền thông sự thay đổi triết lý nuôi dạy trẻ em theo cách “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Đồng thời, xây dựng, thực thi các biện pháp ngăn cấm rõ ràng về mặt văn hóa và pháp lý đối với việc sử dụng các hình thức bạo lực đối với trẻ em. Chỉ có như thế mới có khả năng làm giảm tình trạng bạo lực thể chất và tinh thần đối với trẻ trong bối cảnh hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.

– Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

– Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

– Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.

– Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với trẻ em
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img