Tuesday, December 24, 2024

Thi khoa học kỹ thuật, học sinh nhận được gì?

Các giáo viên nhận định hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng, biết cách ứng dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống.

Trải nghiệm các kỹ năng mới

Tuần qua, kết quả của cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025, do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, đã được công bố.

Thi khoa học kỹ thuật, học sinh nhận được gì?

Một hoạt động trải nghiệm của học sinh với hoạt cảnh cho thấy về sự ảnh hưởng của điện thoại di động tới người trẻ hiện nay

ẢNH: NVCC

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, Nguyễn Thái Hồng Ngọc, học sinh lớp 11A02, Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) đã kết hợp mối quan tâm với mạng xã hội và lịch sử Việt Nam để triển khai đề tài “Tác động của các video clip lịch sử ứng dụng công nghệ số đối với sự yêu thích lịch sử dân tộc của giới trẻ hiện nay”.

Qua quá trình nghiên cứu, Ngọc học thêm các kỹ năng mới như phỏng vấn, xử lý số liệu. Với Ngọc, xử lý số liệu là kỹ năng khó nhất. “Công thức để xử lý số liệu không giống như công thức trong các môn toán, vật lý hay hóa học. Bên cạnh đó, với quy mô khảo sát lớn, lên đến 1.200 mẫu, em phải tìm cách tổng hợp, tính toán và phân tích sao cho phù hợp, nhất quán”, Ngọc nói.

Ngọc chia sẻ thêm, em cũng vận dụng kỹ năng tư duy phản biện cả trong nghiên cứu và đời sống. Thực hiện nghiên cứu cá nhân, Ngọc cho rằng lợi thế nằm ở việc tránh những xung đột, cãi vã. Tuy nhiên, Ngọc phải tự mình hoàn tất mọi nhiệm vụ và không có nhân lực để mở rộng quy mô khảo sát. Tổng kết cuộc thi, đề tài của nữ sinh đạt giải nhì.

Thi khoa học kỹ thuật, học sinh nhận được gì?

Nhóm học sinh Huỳnh Vĩ Khang và Nguyễn Triệu Thảo Quỳnh tham gia vòng chung khảo của cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố hôm 7.12

ẢNH: NVCC

Cùng đạt giải nhì nhưng ở lĩnh vực hóa học, nhóm học sinh Huỳnh Vĩ Khang và Nguyễn Triệu Thảo Quỳnh, lớp 12 chuyên hóa, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) vận dụng kiến thức từ môn học này để thực hiện đề tài “Sử dụng công nghệ hấp tiệt trùng và phương pháp Salting-out nồng độ thấp để chiết xuất Vitamin B12 và Phycocyanin từ tảo xoắn Spirulina platensis, ứng dụng làm thực phẩm chức năng ngăn ngừa thiếu máu và tăng cường hệ miễn dịch”.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Khang cho biết em đã dành mùa hè trước năm lớp 12 để tìm hiểu vấn đề qua việc tra cứu, đọc các bài báo khoa học chuyên ngành.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm không tránh khỏi những khó khăn. Khang chia sẻ: “Trong thí nghiệm, chúng em có sử dụng máy đo quang phổ UV-Vis. Vì đó là lần đầu tiên tiếp xúc, chúng em còn lúng túng trong việc cài đặt thông số, vận hành máy. May mắn thay, chúng em được giáo viên chỉ dẫn và cũng đã tự đọc thêm tài liệu nên cuối cùng nhóm đã vận dụng máy hiệu quả trong nghiên cứu”.

Dù có nhiều lần thí nghiệm không thành công, nhóm của Khang không bỏ cuộc giữa chừng. “Mỗi khi làm thí nghiệm hỏng, em sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục, lấy đó làm bài học kinh nghiệm về sau. Điều quan trọng là mình cần học tập từ những thất bại đó”, Khang nói.

Giáo viên làm gì để khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật?

Nhiều năm tham gia hướng dẫn học sinh trong cuộc thi khoa học kỹ thuật, thạc sĩ Nguyễn Trần Quỳnh Phương, tổ trưởng chuyên môn tổ hóa học, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cho rằng giáo viên không chỉ dạy mà còn phải quan sát, phát hiện đam mê với khoa học kỹ thuật của học sinh. Bên cạnh đó, cô Phương cũng cho rằng giáo viên cần liên tục đổi mới và đầu tư những hoạt động giảng dạy để khơi gợi sự hứng thú trong học sinh, từ đó thúc đẩy các em tham gia nghiên cứu.

Trong chương trình giảng dạy môn hóa học, cô Phương triển khai những dự án nhỏ cho học sinh như chưng cất tinh dầu, chiết xuất hợp chất trong các loài thực vật… “Thay vì chỉ học lý thuyết và làm bài tập, các em được tận tay thực hành để hiểu kiến thức trên lớp. Điều này giúp tăng sự hứng thú cho học sinh với thực hành hóa học và môn hóa nói chung. Với những học sinh mong muốn vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hữu dụng trong đời sống, các em có thể tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật”, cô Phương nói.

Theo cô Phương, nhà trường nên phổ biến lợi ích của hoạt động nghiên cứu cho học sinh. “Lợi ích của hoạt động nghiên cứu không đơn thuần chỉ là phần thưởng hay lợi thế trong xét tuyển đại học, mà quan trọng hơn là những kỹ năng các em có được trong nghiên cứu. Những kỹ năng này học sinh khó có được nếu chỉ chú tâm vào mỗi việc học. Một khi nhận ra được lợi ích, các em sẽ có đam mê, quyết tâm để theo đuổi đến cùng”, cô Phương thông tin.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Diễm, giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, người hướng dẫn học sinh Ngọc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật vừa qua, nhận định hoạt động nghiên cứu giúp học sinh trải nghiệm các kỹ năng khác nhau như lập kế hoạch nghiên cứu, xử lý số liệu, phỏng vấn sâu…; từ đó học sinh có thể làm quen với công việc tương lai.

Thi khoa học kỹ thuật, học sinh nhận được gì?

Học sinh trình bày về bảo tàng ảo trong tiết học lịch sử

ẢNH: NVCC

Để giúp học sinh làm quen với hoạt động nghiên cứu, cô Diễm giới thiệu quy trình nghiên cứu cho học sinh, hướng dẫn các em tìm hiểu đề tài, học cách phân tích dữ liệu trên internet. “Trong môn lịch sử, cô khuyến khích học sinh tận dụng công nghệ số để tìm hiểu kiến thức. Đơn cử, học sinh được hướng dẫn thực hiện một dự án thiết lập hệ thống bảo tàng ảo. Các em đã dùng AI để tái hiện lịch sử và các phát minh. Những hoạt động này khuyến khích sự sáng tạo, tư duy cho học sinh”, cô Diễm thông tin.

Còn với môn ngữ văn, thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Hoa, giáo viên Trường THPT Kiên Lương (Kiên Giang) cho rằng chương trình hiện tại góp phần hình thành kỹ năng nghiên cứu cho học sinh. “Từ lớp 10, học sinh được hướng dẫn quy trình nghiên cứu và cách viết bài báo cáo trong chuyên đề môn ngữ văn. Mặc dù phạm vi nghiên cứu chỉ nằm trong môn ngữ văn nhưng thông qua hoạt động này, học sinh được tiếp xúc với nghiên cứu và rèn luyện các kỹ năng cho bản thân”, cô Hoa thông tin.

Để phát huy kỹ năng nghiên cứu cho học sinh, cô Hoa đề xuất trường triển khai cuộc thi nghiên cứu giữa các lớp. “Khi trường tạo ra sân chơi cho các lớp, sự cạnh tranh xuất hiện, tạo động lực để học sinh đầu tư nhiều hơn và các em tạo ra sản phẩm với sự chỉn chu cao hơn. Qua đó, học sinh vừa được trải nghiệm hoạt động nghiên cứu, vừa có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân.

Cô Hoa chia sẻ thêm: “Học sinh ngày nay rất sáng tạo và có những góc nhìn khác so với thế hệ của giáo viên, thậm chí phát hiện góc nhìn mà một giáo viên như cô chưa ngờ tới. Thông qua sân chơi cấp trường – nơi học sinh trình bày những sáng kiến, ý tưởng mới lạ, giáo viên có thể phát hiện những nhân tố có tiềm năng thực hiện nghiên cứu khoa học”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img