Dự thảo luật quy định Bộ Công an là cơ quan T.Ư của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Nhiệm vụ của Bộ Công an
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, sau hơn 15 năm thi hành luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ Công an đã tiếp nhận, xử lý 188 hồ sơ, trong đó chuyển giao 38 phạm nhân cho nước ngoài và tiếp nhận 5 phạm nhân về Việt Nam.
Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song luật hiện hành đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải xây dựng một đạo luật riêng về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Điển hình là luật Tương trợ tư pháp chưa có quy định cơ quan T.Ư về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và vai trò, trách nhiệm của cơ quan này. Trong khi đó, cả bộ luật Tố tụng hình sự và luật Công an nhân dân đều đã quy định Bộ Công an là cơ quan T.Ư về chuyển giao người đang chấp hành hành án phạt tù.
Để đảm bảo tính thống nhất, tại dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất quy định Bộ Công an là cơ quan T.Ư của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Với tư cách đó, Bộ Công an có nhiệm vụ là đầu mối trao đổi thông tin với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; chủ trì tham vấn, giải quyết bất đồng với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong xử lý các yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Đồng thời đề xuất việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, chủ trì xem xét việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, phối hợp với TAND các cấp trong việc giải quyết các yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù…
Quy định chi tiết về chuyển đổi hình phạt
Vẫn theo Bộ Công an, chuyển đổi hình phạt khi chuyển giao người chấp hành án phạt tù là vấn đề lớn, tuy nhiên luật Tương tự tư pháp năm 2007 mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc, khó áp dụng trên thực tiễn.
Nhằm bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người đang chấp hành án phạt tù, tại dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất quy định chi tiết, chặt chẽ về nội dung trên.
Theo đó, khi ra quyết định tiếp nhận công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục thi hành án phạt tù, TAND có thẩm quyền xem xét có phải chuyển đổi hình phạt không.
Nếu tính chất hoặc thời hạn của hình phạt đó không phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam thì có thể chuyển đổi hình phạt đó cho phù hợp với hình phạt mà pháp luật của Việt Nam quy định đối với tội phạm tương tự.
Khi chuyển đổi hình phạt, TAND có thẩm quyền phải căn cứ vào các kết luận về sự việc của vụ án được thể hiện trong các ý kiến, cáo trạng, bản án hoặc hình phạt đã được nước chuyển giao tuyên.
Hình phạt chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn hình phạt mà nước chuyển giao đã tuyên về tính chất và thời hạn, lưu ý là không chuyển đổi hình phạt tù thành hình phạt tiền.
Trường hợp người phạm tội bị xử phạt tù có thời hạn trên 30 năm đối với nhiều tội hoặc trên 20 năm đối với một tội, sau khi trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, TAND có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định để thời hạn phải chấp hành phần hình phạt còn lại của người được tiếp nhận cao nhất đến 30 năm tù (trường hợp phạm nhiều tội) hoặc đến 20 năm tù (trường hợp phạm một tội) theo quy định về quyết định hình phạt của bộ luật Hình sự Việt Nam và được trừ thời gian người đó đã thi hành hình phạt ở nước ngoài.
Nguồn: thanhnien.vn