Học phí các trường đại học áp dụng cho sinh viên khóa tuyển sinh năm 2025 sẽ tiếp tục tăng. Mức tăng của các trường công bám sát nghị định của Chính phủ, tùy loại hình trường và khối ngành đào tạo có thể tăng từ 1,7 triệu đến 8,75 triệu đồng so với năm học trước đó.
Học phí bậc đại học (ĐH) hiện được áp dụng theo Nghị định 97/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo nghị định này, mức trần học phí áp dụng cho cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ – PV) năm học 2025-2026 sẽ có 7 mức. Trong đó, khối ngành nghệ thuật có học phí thấp nhất ở mức 15,2 triệu đồng/năm (tăng thêm 1,7 triệu đồng so với năm học 2024-2025). Tiếp đến, 2 khối ngành học học phí bằng nhau ở mức 15,9 triệu đồng/năm gồm: khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; kinh doanh và quản lý, pháp luật (tăng 1,8 triệu đồng so với năm học trước đó).
Khối ngành có học phí thấp thứ ba ở mức 16,9 triệu đồng/năm liên quan đến các ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường (tăng thêm 1,9 triệu đồng so với năm học trước).
Hai khối ngành khác cũng có học phí dưới 20 triệu đồng/năm gồm: khoa học sự sống, khoa học tự nhiên (ở mức 17,1 triệu đồng/năm và tăng 1,9 triệu đồng so với năm học 2024-2025); toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y (ở mức 18,5 triệu đồng/năm và tăng thêm 2,1 triệu đồng so với năm học trước).
Riêng khối ngành sức khỏe, nghị định của Chính phủ quy định 2 mức thu khác nhau. Các ngành y dược được thu tối đa 31,1 triệu đồng/năm (tăng 3,5 triệu đồng so với năm học trước) và các ngành sức khỏe khác 23,6 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng).
Như vậy, theo quy định của nhà nước, năm học 2025-2026 trường ĐH công lập chưa tự chủ được thu học phí tối đa từ 15,2 đến 31,1 triệu đồng/năm học 10 tháng. Mức thu này tăng thêm 1,7 – 3,5 triệu đồng so với năm học 2024-2025 tùy khối ngành.
Các trường ĐH công lập đã tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí năm học tới tối đa 30,4 – 62,2 triệu đồng/năm (tăng 3,4 – 7 triệu đồng so với trước đó). Các trường ĐH công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí được thu tối đa dao động từ 38 – 77,75 triệu đồng/năm tùy khối ngành (tăng thêm từ 4,25 – 8,75 triệu đồng).
Không tính các chương trình đạt mức kiểm định chất lượng được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do trường ban hành, thì học phí bậc ĐH của năm học tới đây thấp nhất 15,2 triệu đồng và cao nhất lên tới 77,75 triệu đồng tùy loại hình trường và khối ngành đào tạo.
TĂNG NHIỀU NHẤT Ở MỨC NÀO ?
Dựa trên mức trần học phí tối đa của Nghị định 97/2023, các trường ĐH công lập xác định mức thu học phí cho năm học 2025-2026 theo từng loại hình trường và khối ngành đào tạo. Tuy nhiên, có trường cho biết dự kiến mức thu thấp hơn nhiều so với mức được phép thu tối đa.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết học phí năm học 2024-2025 của trường dao động trung bình khoảng 32 – 33 triệu đồng/năm (chương trình đại trà) và 40 – 45 triệu đồng/năm (chương trình tăng cường tiếng Anh). Năm học 2025-2026, học phí của trường sẽ được xây dựng dựa vào khung quy định của Nghị định 97/2023 nhưng tăng không quá 5% so với năm học trước đó.
Đáng chú ý, ông Nhân cho biết học phí các ngành của trường hiện đang thấp hơn nhiều so với mức trần tối đa theo quy định Nhà nước, đặc biệt khối ngành công nghệ kỹ thuật. Chẳng hạn, theo Nghị định 97, năm học 2024-2025 học phí các ngành công nghệ kỹ thuật được thu tối đa 40 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, học phí các ngành này chương trình đại trà của trường chỉ trên 30 triệu đồng/năm, thấp hơn gần chục triệu đồng. Năm học tới, học phí nếu tăng tối đa 5% lên mức dưới 35 triệu đồng/năm thì vẫn thấp hơn nhiều so với mức học phí tối đa trường được phép thu là trên 46 triệu đồng/năm.
“Việc áp dụng mức thu học phí thấp hơn mức trần của trường nhằm thu hút người học vào lĩnh vực STEM”, tiến sĩ Trung Nhân lý giải.
PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin học phí áp dụng cho sinh viên (SV) trúng tuyển khóa 2025 dự kiến cao hơn khóa 2024 khoảng 10%. Trước đó, học phí khóa 2024 của chương trình đào tạo chuẩn là 12 triệu đồng/năm (2 học kỳ chính); chương trình tiên tiến thu 29,4 triệu đồng/năm; chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh trên 43,3 triệu đồng/năm. Mức học phí này không tăng trong 3 năm đầu của khóa học. Như vậy, tương ứng với mức tăng 10%, học phí năm học 2025-2026 áp dụng cho SV trúng tuyển mới dự kiến trong khoảng trên 13 đến trên 47 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Công thương TP.HCM thu học phí theo từng khóa học, do đó học phí trung bình mỗi năm không tăng trong toàn khóa. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, cho biết học phí khóa 2025-2029 dự kiến tăng 3 – 7% so với khóa 2024 – 2028. Theo đó, học phí dự kiến của SV trúng tuyển năm 2025 trong toàn khóa học khoảng 108 – 130 triệu đồng/4 năm học. Trước đó, khóa tuyển sinh năm 2024 học phí 102 – 120 triệu đồng/khóa, mỗi năm SV đóng trung bình khoảng 32 – 36 triệu đồng. “Trường công bố mức thu cho toàn khóa để SV biết rõ lộ trình học phí để có sự chuẩn bị trước kinh phí khi tham gia học tập tại trường”, thạc sĩ Sơn chia sẻ thêm.
Đại diện Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết trường đã trải qua 5 năm đầu tiên của giai đoạn thực hiện tự chủ. Năm 2025 trường sẽ đánh giá, tính toán và xây dựng lộ trình học phí mới cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, theo vị đại diện này: “Khả năng học phí năm học tới sẽ không thay đổi nhiều so với mức hiện tại”. Trước đó, SV trúng tuyển khóa 2024 vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM đóng học phí từ 46 – 84,7 triệu đồng/năm. Trong đó, ngành có mức thu cao nhất răng – hàm – mặt với 84,7 triệu đồng/năm; y khoa thu 82,2 triệu đồng/năm; dược học thu 60,5 triệu đồng/năm; các ngành còn lại từ 46 – 50 triệu đồng/năm.
Là trường ĐH chưa thực hiện tự chủ, năm học 2024-2025 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thu học phí trình độ ĐH chính quy ở mức trung bình 16 triệu đồng/năm. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế trường này, cho biết mức thu năm học tới trường thực hiện theo mức tăng của Nghị định 97 với nhóm trường chưa tự chủ. “Hiện một số ngành đạt kiểm định chất lượng của trường có thể tự xác định mức học phí theo định mức KT-XH do trường ban hành. Tuy nhiên, trường dự kiến vẫn thực hiện mức thu theo trần quy định của Nghị định 97”, thạc sĩ Tùng nói thêm.
Một số cơ sở đào tạo ĐH khác có thể sẽ tăng học phí do sự chuyển đổi loại hình trường trong năm học tới, như Học viện Hàng không VN… Trước đó, Học viện Hàng không VN quy định học phí của tất cả ngành ĐH chính quy khóa 2024 chương trình học bằng tiếng Việt trong năm học 2024-2025 dự kiến 13,2 triệu đồng/học kỳ, lộ trình tăng học phí không quá 10% mỗi năm. Đối với chương trình học bằng tiếng Anh, các học phần tiếng Anh sẽ nhân với hệ số 1,5 so với chương trình bằng tiếng Việt.
Các trường ĐH tư thục tự quyết định mức học phí
Nếu trường ĐH công lập xác định học phí theo mức trần quy định của Chính phủ thì các trường ĐH tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí. Đến thời điểm này, các trường ĐH tư thục đang xây dựng chính sách học phí và học bổng cho năm tuyển sinh 2025.
Tuy nhiên, ở năm học 2024-2025, học phí các trường ĐH tư thục có nhiều mức khác nhau, từ dưới 20 triệu đến gần 200 triệu đồng/năm học. Nhiều trường chỉ thu học phí trong khoảng 18 – 20 triệu đồng/học kỳ nhưng trường bố trí 3 – 4 học kỳ/năm học nên học phí trung bình mỗi năm 60 – 80 triệu đồng/SV. Đặc biệt, học phí các ngành sức khỏe của trường ĐH tư thục cũng ở mức cao, riêng ngành răng-hàm-mặt có nơi trên 180 triệu đồng/năm.
Nguồn: thanhnien.vn