Thursday, December 26, 2024

Bùng nổ thị trường đồ chơi bản địa Senegal dịp Giáng sinh

Mùa Giáng sinh năm nay tại Senegal không chỉ rực rỡ sắc màu với những ánh đèn trang trí mà còn nổi bật với những sản phẩm đồ chơi mang đậm nét văn hóa châu Phi.

Mặc dù là một quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Hồi, song người dân Senegal có truyền thống lâu đời là chia sẻ và cùng nhau tận hưởng các mùa lễ hội của các tôn giáo khác. Trong đó, lễ Giáng sinh là một ví dụ điển hình. Ở thủ đô Dakar, nhiều địa điểm giải trí công cộng được trang hoàng rực rỡ từ cuối tháng 12, cùng với các khu chợ ngày lễ thu hút các gia đình mua sắm tìm kiếm quà tặng.

Đây cũng chính là nơi giúp các thương hiệu bản địa có cơ hội tiếp cận với thị trường. Cô Awa Gaye – người đồng sáng lập Thương hiệu đồ chơi bản địa Yeewu, là một trong những người bán hàng tại một khu chợ Giáng sinh nhộn nhịp trong tháng này. Cô đã khởi nghiệp sau khi thấy chính  con gái mình không tìm được món đồ chơi ưng ý. Khác với những con búp bê thông thường da trắng môi đỏ, búp bê Yeewu được trang trí bằng kiểu tóc và trang phục mang đậm chất châu Phi và có khắc chữ bằng ngôn ngữ địa phương phổ biến.

Cô Awa Gaye chia sẻ: “Chúng tôi có một cô con gái và khi cô bé bắt đầu lớn lên một chút, chúng tôi nhận thấy con bé không thể tìm thấy một con búp bê đơn giản là trông giống mình. Và chúng tôi không mong muốn con bé lớn lên bị thiếu sự tự tin vào bản thân. Vì vậy, chúng tôi quyết định tạo ra một thương hiệu riêng. Lúc đầu, chúng tôi đã tạo ra các nguyên mẫu búp bê thử nghiệm ở quy mô nhỏ trong gia đình trước khi mở rộng như hiện nay”.

Một nhà sản xuất địa phương khác cũng khá nổi tiếng gần đây của Senegal là Racky Daffé – người sáng lập thương hiệu đồ chơi Alyfa nổi tiếng với những món đồ chơi quảng bá văn hóa Senegal, như tượng đô vật truyền thống hoặc búp bê có nhiều tông màu da, bao gồm cả da bạch tạng. Cô Racky Daffé cho biết mặc dù nhu cầu đồ chơi nội địa đang tăng lên trong mùa lễ hội, song vẫn có những thách thức đáng kể khi cạnh tranh với các đồ chơi nhập khẩu rẻ hơn, do thường thiếu nguyên liệu thô hoặc sản xuất hạn chế.

Cô Racky Daffe chia sẻ: “Điều quan trọng là phải hiểu rằng 90% đồ chơi ở Châu Phi hiện nay là hàng nhập khẩu. Đó là thực tế mà chúng ta phải đối mặt. Hiện tại, Alyfa tập trung nhiều vào chất lượng sản xuất, nhưng chúng ta cũng cần quan tâm đến giá cả. Thách thức đầu tiên mà chúng tôi phải đối mặt so với một thương hiệu lớn hoặc một công ty đồ chơi lớn là không có khả năng sản xuất ở quy mô có thể mang lại mức giá phải chăng cho người dùng”.

Còn tại Kidz Palace – một nhà phân phối đồ chơi ở Dakar, giám đốc điều hành Fatimetou Diop cho biết xu hướng hiện nay những đồ chơi mang tính giáo dục hoặc phản ánh bản sắc văn hóa của đất nước đang bán rất chạy. Do đó, tuy còn nhiều thách thức, song các nhà sản xuất đồ chơi địa phương vẫn lạc quan rằng những món đồ chơi bản địa sẽ dần giành được thị phần chiếm lĩnh thị trường, mang đến niềm tự hào bản sắc cho những gia đình châu Phi.

Giám đốc điều hành của Kidz Palace – bà Fatimetou Diop cho biết: “Trong mọi trường hợp, những người như chúng tôi đều làm việc hết sức để có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn. Và đó chính xác là lý do tại sao có một lượng khách hàng trung thành – mọi người đã thử nghiệm thường quay lại để mua những sản phẩm này”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img