Friday, December 27, 2024

Nhất nghệ tinh: Nghệ nhân Pa Kôh phục sinh gốm Nóh

Đồng bào Pa Kôh tại H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế) không ít người có đôi tay khéo có thể làm gốm Nóh, nhưng vừa giỏi tìm kiếm mạch đất làm nguyên liệu vừa nặn đồ dùng đẹp, có cách thuyết minh hay thì phải kể đến nghệ nhân Hồ Văn Ăm Pửa (41 tuổi).

LY KỲ CHUYỆN TÌM “MẠCH ĐẤT ĐEN”

Một ngày giữa tháng 12, sau nhiều lần hẹn và chờ đợi, tôi nhận được tin báo từ nghệ nhân Hồ Văn Ăm Pửa (trú tại thôn La Ngà, xã Hồng Thủy, H.A Lưới): “Đã có đất sét đen, anh lên với núi rừng Trường Sơn để xem tôi làm gốm Nóh nhé!”. Nghe lời nhắn, tôi mừng như mở cờ trong bụng, bởi những lần trước ông Ăm Pửa cứ lần khất vì chưa tìm thấy đất sét làm nguyên liệu. Gốm Nóh là cách người Pa Kôh gọi tên những sản phẩm được nặn từ thứ đất sét chỉ có ở đồi Nóh. Dù ngọn đồi cũng nằm tại thôn La Ngà, nơi ông Ăm Pửa làm trưởng thôn, nhưng để lấy được nguyên liệu là cả câu chuyện ly kỳ.

Nhất nghệ tinh: Nghệ nhân Pa Kôh phục sinh gốm Nóh

Ông Hồ Văn Ăm Pửa, nghệ nhân làm gốm Nóh, có tay nghề cao, giỏi tìm nguồn đất sét đen tại H.A Lưới

ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Ăm Pửa kể sau nhiều ngày cầm rựa mở lối đi tìm đất sét, một hôm ông thấy trên mặt đất đùn lên mấy cục như tổ giun. Ông lại gần kiểm tra và mừng rỡ khi thấy đó chính xác là đất sét đen. “Loại đất này thường chạy theo vỉa. Lúc khai thác chỉ việc đào sâu xuống đất rồi cứ thế lấy dần. Nhưng trước hết phải xin ý Yàng (trời) đã…”, ông Ăm Pửa tỏ vẻ bí hiểm. Chuyện kể, ngày xưa, vì nóng lòng có đồ dùng cho gia đình mà một người đàn ông đã gặp nhiều điều xui rủi khi đánh liều lấy đất sét đen mà không thực hiện các nghi thức tâm linh. Sau đó, người này phải cúng tạ lỗi mới yên ổn.

Chỉ tay vào những bao đất đặt dưới nền nhà, ông Ăm Pửa cho biết để có số đất sét đen này, ông đã cúng 1 con gà ngay tại điểm đất “trồi” lên. Nếu thần đất đồng ý thì khi xin keo sẽ thuận. Bằng không, lần sau lại mang lễ vật lên cúng để xin tiếp. “Khác với người đồng bằng hay một số dân tộc đồng bào khác, gốm Nóh của người Pa Kôh chúng tôi được nung trong hố sâu chứ không phải nung trong lò. Do vậy, chỉ có đất sét đen mới phù hợp cách nung này. Nhà tôi gần con khe Đa Rông, đất sét vàng đầy ra đó mà lấy về cũng không làm được…”, ông Ăm Pửa nói. Bởi vậy, tuy là gốm truyền thống Pa Kôh nhưng lại “chết tên” gốm Nóh vì ai cũng phải lấy đất từ ngọn đồi này.

Nhất nghệ tinh: Nghệ nhân Pa Kôh phục sinh gốm Nóh

Các công đoạn làm gốm Nóh hoàn toàn bằng tay

ẢNH: HOÀNG SƠN

Với đặc tính “chỉ cần chạm nước là keo sệt hơn cả xi măng”, từ xa xưa, đồng bào vùng cao đã dùng đất sét đen nặn thành những vật dụng phục vụ sinh hoạt như chum, nồi, chén… Bẵng đi khoảng nửa thế kỷ, người ta không còn thấy gốm Nóh nữa vì đời sống hiện đại có nhiều đồ gốm sứ tiện lợi hơn. Nhưng với những người yêu văn hóa truyền thống như Hồ Văn Ăm Pửa, khát vọng phục sinh gốm cổ luôn cháy bỏng trong ông. Nhờ đôi tay tài hoa, sẵn nguồn nguyên liệu tại chỗ cộng với niềm đam mê, ông sớm trở thành nghệ nhân nặn gốm giỏi ở H.A Lưới.

NGHỆ THUẬT CỦA SỰ THÔ MỘC

Thi thoảng bắt gặp gốm Nóh trong không gian của một bảo tàng dân tộc học nào đó, người ta sẽ dừng lại rất lâu để chiêm ngưỡng. Không phải vì tinh xảo hay đạt được độ hoàn thiện cao mà vì đơn giản gốm Nóh trông rất mộc mạc. Có cảm giác trên mỗi chiếc bình, nồi đất… vẫn còn đó những dấu vân tay hóa thạch của người chế tác. Có dịp chứng kiến cách làm gốm của nghệ nhân Hồ Văn Ăm Pửa, ta sẽ nhận ra vì sao gốm Nóh lại mang vẻ đẹp riêng có, hoang dại đến như vậy…

Nhất nghệ tinh: Nghệ nhân Pa Kôh phục sinh gốm Nóh

Nghệ nhân Hồ Văn Ăm Pửa giới thiệu các loại sản phẩm gốm cổ

ẢNH: HOÀNG SƠN

Hôm tôi đến, nghệ nhân Ăm Pửa đang cầm trên tay cục đất sét màu đen, miệt mài nặn chiếc cối dùng để giã gia vị. Từ chuẩn bị nguyên liệu cho đến lúc hoàn thành, chiếc cối được ông làm hoàn toàn bằng tay mà không sử dụng bất cứ dụng cụ nào, kể cả bàn xoay vốn rất thông dụng khi chế tác gốm. Ông liên tục thấm nước để tì, miết làm mượt bề mặt. Dẫu vậy, khi bày sản phẩm ra phơi nắng, những đường nét thô mộc vẫn hiện lên rất rõ.

Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Hạnh (77 tuổi, trú thôn A Niêng Lê Triêng, xã Trung Sơn) bảo, từ xa xưa, gốm Nóh chỉ đòi hỏi cao ở tính thực dụng mà ít quan tâm đến cách thức trang trí. Để sản phẩm gốm bền đẹp, tròn méo, dày mỏng… phụ thuộc hoàn toàn vào sự khéo tay của nghệ nhân. Cũng bởi không theo khuôn mẫu nào nên nghệ nhân thỏa sức sáng tạo trên mỗi sản phẩm gốm, từ đó tạo nên phong cách “sáng tác” riêng…

Nhất nghệ tinh: Nghệ nhân Pa Kôh phục sinh gốm Nóh

Học sinh vùng cao hào hứng trải nghiệm cách làm gốm cổ người Pa Kôh

ẢNH: HOÀNG SƠN

Cuối năm 2023, Phòng VH-TT H.A Lưới mời già Hạnh tham gia truyền dạy cách làm gốm cổ. Tuổi cao sức yếu, đôi tay không còn nhanh nhẹn nên già Hạnh chủ yếu “thị phạm” để học viên hình dung gốm Nóh ngày trước có thù hình ra sao. “Bố già rồi nên chỉ có thể thao tác đơn giản. Còn lại lớp trẻ phải rèn luyện, tìm mẫu mã… để làm sống lại nghề này. Ở A Lưới này, Ăm Pửa cùng với Cu Đài giỏi nghề rồi đấy. Các con cố gắng làm sao để cho lớp trẻ biết nhiều đến nghề này…”, già Hạnh nói. Cu Đài là nghệ nhân 53 tuổi, trú thôn Ta Ay, xã Trung Sơn.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, cho hay bảo tồn, khôi phục nghề gốm truyền thống của đồng bào Pa Kôh nằm trong đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu H.A Lưới giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030”. Thông qua mở lớp học gốm, các nghệ nhân như Hồ Văn Ăm Pửa sẽ trao truyền cho thế hệ trẻ những thao tác, kỹ thuật chế tác sản phẩm gốm. Phòng VH-TT sẽ chọn các nghệ nhân có tay nghề cao trình diễn nghề gốm Nóh tại Trung tâm Văn hóa cộng đồng các dân tộc A Lưới, xây dựng mô hình và hướng dẫn cho du khách trải nghiệm…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img