Theo chuyên gia, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các hoạt động học tập, nghiên cứu tuy có nhiều lợi ích nhưng cũng khiến sinh viên đối diện rủi ro, trong bối cảnh các trường chưa có quy định chung về việc sử dụng công cụ này.
Một báo cáo khác đăng trên chuyên san Giáo dục hồi tháng 1 kết luận 89,2% SV từ 6 trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM dùng ChatGPT phiên bản miễn phí cho các mục đích như tra cứu thông tin, tài liệu về các chủ đề học tập, nghiên cứu; dịch, giải thích thuật ngữ chuyên ngành; làm bài tập…
AI RÚT NGẮN THỜI GIAN NGHIÊN CỨU
Nguyễn Đình Minh An, SV ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết tận dụng AI để nắm bắt tổng quan tình hình nghiên cứu với lý do AI tổng hợp thông tin nhanh. “Trong thời gian ngắn, AI có thể gợi ý bao quát chủ đề tôi đang tìm hiểu. Sau đó, từ gợi ý của AI, tôi tự tìm hiểu sâu hơn trong các bài báo khoa học hoặc công trình nghiên cứu uy tín”, An chia sẻ.
T.N.Q, Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng AI đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, nhất là ở giai đoạn đánh giá mô hình máy học (machine learning). “Trong quá trình thực nghiệm, tôi cần kiểm tra đoạn mã nguồn được dùng để cài đặt mô hình máy học, chương trình đánh giá. Nếu tự tra cứu hay tìm kiếm giải pháp, tôi phải tốn nhiều thời gian để phát hiện lỗi trong đoạn mã nguồn đó. Nhờ có AI có thể nhận diện lỗi nhanh hơn”, Q. cho hay.
Ngoài ra, theo V.P, SV một trường ĐH tư thục ở TP.HCM, thì AI còn giúp rút ngắn thời gian viết báo cáo. “Tôi hiện chỉ cần khoảng 12 tiếng để hoàn thành báo cáo, so với ít nhất 3 ngày trước khi dùng AI”, P. nói.
TIỀM ẨN NGUY CƠ ĐẠO VĂN
TS Trương Thành Công, Trưởng khoa Khoa học dữ liệu, Trường ĐH Tài chính – Marketing (TP.HCM), cho hay hiện chưa có văn bản chính thức nào quy định việc sử dụng AI, nhất là Generative AI (AI tạo sinh) trong giáo dục và nghiên cứu tại VN. Trong khi đó, các trường ĐH ở VN đang trong quá trình xây dựng chính sách về vấn đề này.
Còn trên thế giới, TS Công dẫn kết quả nghiên cứu về toàn cảnh AI năm 2024, do Tổ chức EDUCAUSE công bố hồi tháng 5, cho biết khoảng 77% cơ sở giáo dục ĐH chưa có chính sách về AI qua khảo sát các chuyên gia từ hơn 900 cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên một số trường ĐH đã đưa các công cụ phát hiện AI vào sử dụng. Song nghiên cứu đăng trên chuyên san International Journal of Educational Technology in Higher Education hồi tháng 9 của các tác giả Trường ĐH Anh Quốc – Việt Nam (BUV) và ĐH James Cook (Singapore) cho thấy SV có thể đánh lừa công cụ phát hiện AI để gian lận. Theo kết quả nghiên cứu, độ chính xác trung bình của công cụ phát hiện AI chỉ đạt 39,5% khi dò văn bản do AI tự tạo. Đặc biệt khi các văn bản này được thêm lỗi chính tả hay tùy tiện lặp lại từ ngữ, độ chính xác của công cụ giảm còn 22,14%.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện nhóm nghiên cứu, TS Mike Perkins, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu và phát triển BUV, khuyên SV minh bạch về việc dùng AI. “Việc SV tuyên bố có sử dụng AI trong nghiên cứu và trình bày cách công cụ hỗ trợ mình như thế nào là cách làm liêm chính. Tôi tin AI cần được dùng theo hướng giúp chúng ta đạt được nhiều mục tiêu thay vì chỉ để hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn hơn. Sự xuất hiện của AI không nhằm thay thế hoàn toàn nỗ lực của chúng ta”, TS Perkins nhấn mạnh.
Th.S Nguyễn Thành Luân, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, chia sẻ ông từng phát hiện trường hợp SV nhờ AI viết nội dung. “Trong trường hợp này, SV đã vi phạm liêm chính khoa học vì dùng công cụ để viết thay mình. Do chưa có chế tài cụ thể nên tôi chỉ yêu cầu SV viết lại hoặc bỏ luôn phần nội dung này”, ông nói.
Theo Th.S Luân, cách viết của AI dễ dàng được nhận ra vì diễn đạt trau chuốt với những từ ngữ to tát, chẳng hạn holistic perspective (quan điểm toàn diện), by virtue of (bởi vì), notwithstanding (mặc dù)… “Dù SV có thể tận dụng AI để hỗ trợ trong mỗi giai đoạn nghiên cứu như tìm hiểu đề tài, tổng hợp tình hình nghiên cứu hay viết báo cáo nhưng tôi khuyên các bạn tự mình thực hiện nghiên cứu để nâng cao năng lực nghiên cứu và kỹ năng viết học thuật”, ông chia sẻ.
TS Nohman Khan, Giám đốc điều hành Tổ chức Connecting Asia (Malaysia), nói với Thanh Niên tuy việc sử dụng AI là điều tất yếu và công cụ này có khả năng hỗ trợ nhà nghiên cứu viết báo cáo, bài báo khoa học trong thời gian ngắn, song họ có nguy cơ đạo văn mà không hay biết. Để tránh điều này, TS Khan khuyên nhà nghiên cứu chú ý kiểm tra trích dẫn, diễn đạt lại và không nên sao chép nguyên văn.
ĐỂ DÙNG AI ĐÚNG CÁCH
TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định AI và các ứng dụng công nghệ hỗ trợ cuộc sống của con người trở nên thuận tiện, hiệu quả, hữu ích nếu được ứng dụng đúng cách. Trong hoạt động nghiên cứu của SV, ông phân chia 3 cấp độ AI có thể hỗ trợ, gồm thao tác, tra cứu và suy luận.
Các công cụ AI giúp sinh viên lập tổng quan nghiên cứu, tóm tắt bài báo khoa học…
Ảnh: Chụp màn hình
Ở cấp độ thứ nhất, AI giúp SV thực hiện các thao tác kỹ thuật như tính toán, thống kê số liệu, trình bày tài liệu tham khảo và biên tập văn bản. “Vấn đề nằm ở việc SV biết cách khai thác công cụ ra sao”, TS Thông chia sẻ.
Đến cấp độ thứ hai, AI giúp tra cứu các khái niệm, thuật ngữ trong nghiên cứu và tổng quan vấn đề nghiên cứu… TS Thông cho biết dù AI có thể cho ra kết quả nhanh và bao quát nhưng SV không nên lạm dụng vì có thể đánh mất thói quen tiếp cận tài liệu gốc. “Hễ gặp bất kỳ vấn đề gì cũng nhờ AI tìm kiếm thì SV chỉ biết trên bề mặt, thậm chí tiếp cận tài liệu không chính xác vì AI có thể đề xuất kết quả sai. Đó là biểu hiện của “tri thức đi mượn”, khiến SV dần thiếu nền tảng trong nghiên cứu”, ông nói.
Còn ở cấp độ thứ ba, AI trở thành người tư duy, lập luận thay cho SV qua quá trình gợi ý, phản biện. “Sử dụng AI để tham khảo suy nghĩ vẫn phù hợp, nhưng SV cần cẩn thận “trò ngoại giao” của công cụ này vì câu trả lời thường theo hướng làm hài lòng người dùng”, vị TS nói tiếp.
Bên cạnh đó, TS Thông cho rằng việc sử dụng AI trong nghiên cứu khoa học làm nảy sinh va chạm giá trị học thuật. “Lúc này, thao tác sao chép câu trả lời từ AI không còn mang tính kỹ thuật mà đã trở thành việc sao chép suy nghĩ. Kết quả là người dùng không còn tư duy về vấn đề, năng lực tư duy trở nên xói mòn”, TS Thông nhận định.
Để vượt qua thách thức nói trên, TS Thông đề xuất SV chú trọng phát triển năng lực, tư duy. “Lúc đó, SV sẽ biết được dùng AI đến mức độ nào, hay khi nào dừng sử dụng AI là hợp lý trong quá trình nghiên cứu”, ông khuyên.
Cần khung chính sách ở cấp quốc gia về việc sử dụng AI
AI được sử dụng trong học tập và nghiên cứu là điều tất yếu. Tuy nhiên, theo TS Trương Thành Công, cần có một khung chính sách ở cấp quốc gia về việc sử dụng AI. “Từ khung chính sách chung, các cơ quan nhà nước có thể tiến hành ban hành thông tư, nghị định hay luật cụ thể. Lúc đó, quy định cụ thể về việc sử dụng AI trong dạy và học được thiết lập. Một khi có khung pháp lý đầy đủ, đi kèm với công cụ kiểm tra, đánh giá, việc sử dụng AI sẽ trở nên minh bạch và người học có trách nhiệm hơn trong việc dùng AI”, TS Công nhận định.
Nguồn: thanhnien.vn