Cơ quan điều tra đã yêu cầu hệ thống Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cung cấp các tài liệu liên quan đến thông tin một cơ sở sản xuất giá đỗ độc hại khai nhận cung cấp từ 350 – 400 kg giá đỗ/ngày cho hệ thống này.
Nguồn tin cũng cho biết cơ quan điều tra đã yêu cầu Bách Hoá Xanh cung cấp các tài liệu liên quan đến khai nhận của một cơ sở sản xuất giá đỗ độc hại đã cung cấp từ 350 – 400 kg giá đỗ/ngày cho hệ thống cơ sở kinh doanh này trên địa bàn.
Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk ngừng bán giá đỗ
Chiều 26.12, ông Lê Xuân Hoan, Quản lý khu vực Đắk Lắk của Bách Hóa Xanh, cho biết hiện hệ thống Bách Hóa Xanh trên địa bàn đã ngừng bán sản phẩm giá đỗ. Theo ông Hoan, sau khi có thông tin về phát hiện, khởi tố vụ án sản xuất giá đỗ ngậm chất độc hại, công ty không tiếp tục bán giá đỗ tại Đắk Lắk để chờ kết luận cụ thể từ cơ quan điều tra.
Ông Hoan cũng cho biết các cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Đắk Lắk không phụ trách việc mua hàng mà chỉ bán hàng.
“Ở đây chúng tôi chỉ nhận hàng từ tổng kho công ty về, mà không làm việc thu mua trực tiếp với các cơ sở cung cấp. Bên mua hàng ở TP.HCM. Theo tôi biết, phía bán hàng cho Bách Hóa Xanh phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp”, ông Hoan nói.
Giá đỗ độc hại, nguy cơ gây tử vong
Trước đó, ngày 24.12, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lâm Văn Đạo (34 tuổi, trú xã Ea Tu), Vũ Duy Tư (33 tuổi), Nguyễn Văn Quynh (51 tuổi), Nguyễn Văn Hảo (36 tuổi, cùng trú P.Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Thông tin ban đầu, qua theo dõi, phát hiện một nhóm người thuộc “Hội giá đỗ Miền Nam” và “Hội làm giá đỗ” trên không gian mạng có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 15.12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Trong đó, có 2 cơ sở của Lâm Văn Đạo, 2 cơ sở của Vũ Duy Tư, 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo.
Qua kiểm tra, đấu tranh khai thác, các nghi phạm trên khai nhận trong quá trình sản xuất giá đỗ, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục, nước giếng, thì còn sử dụng thêm một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là “nước kẹo”.
Thực chất “nước kẹo” là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Theo khai nhận của nhóm trên, dùng “nước kẹo” để pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ với mục đích cho rễ cây giá ngắn lại, tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp. Tỉ lệ các đối tượng pha trộn là 400 ml “nước kẹo” tương ứng với 1.000 lít nước giếng (đủ để tưới cho ra khoảng 2.000 kg giá đỗ thành phẩm).
Gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm tiêu thụ trong năm 2024
Quá trình kiểm tra, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6- Benzylaminopurine, với giá bán ra khoảng 400 triệu đồng.
Kết quả điều tra đã xác định trong năm 2024, nhóm người trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày bán khoảng từ 8 – 10 tấn. Riêng có 1 cơ sở sản xuất khai nhận ký hợp đồng bán giá đỗ cho Bách Hóa Xanh với khối lượng từ 350 – 400kg/ngày, trong đó dán nhãn mác ghi: “Vì sức khỏe của mọi người; không hóa chất, không chất kích thích; không chất bảo quản”.
Trong số 20.357 kg giá đỗ thu giữ lần này, có 7.934 kg thành phẩm; 12.423 kg đang trong quá trình sản xuất đã ngâm ủ hoạt chất 6-Benzylaminopurine và 37 can nhựa với 135 lít dung dịch lỏng, trong suốt là hoạt chất cấm trên. 37 can nhựa loại 5 lít, màu trắng, nắp đỏ bên trong chứa tổng khoảng 135 lít dung dịch lỏng, trong suốt (nước “kẹo”).
Theo nhận định của cơ quan điều tra, nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với 135 lít dung dịch “kẹo” (hoạt chất 6-Benzylaminopurine), các đối tượng sẽ sản xuất và đưa ra thị trưởng khoảng 675 tấn giá thành phẩm, có giá trị khoảng 18,7 tỉ đồng.
Nguồn: thanhnien.vn