Saturday, December 28, 2024

Thu hút nguồn lực phát triển cảng xanh, cảng thông minh

Ngành hàng hải cần thúc đẩy kết nối, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển cảng xanh, cảng thông minh… đáp ứng các cam kết của Việt Nam và xu hướng chung.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng hàng tính theo Teu tăng 21%, ước đạt 29,9 triệu Teus.

Thu hút nguồn lực phát triển cảng xanh, cảng thông minh

Năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Số lượt tàu biển thông qua cảng biển năm 2024 ước đạt 102,67 nghìn lượt, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượt phương tiện thủy nội địa thông qua cảng biển năm ước đạt 380,1 nghìn lượt, tăng 8%.

Nhiều cảng biển đón được tàu trọng tải lớn như cảng Gemalink đón tàu có trọng tải tới 232.000 DWT, cảng CMIT đón tàu trọng tải hơn 214.000 DWT, cảng SSIT được cho phép đón tàu trọng tải gần 200.000 DWT.

Trong đó, nhiều luồng tuyến được khơi thông, nạo vét kịp thời đã góp phần giúp khai thác hiệu quả luồng hàng hải công cộng, phục vụ luân chuyển hàng hoá trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá qua cảng biển ngày càng tăng.

“Luồng được nâng cấp kịp thời góp phần giúp sản lượng hàng hoá tại khu vực Cái Mép tăng khoảng 35-36% so với cùng kỳ năm 2023”, ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Cảng container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) thông tin.

Cũng trong năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển năm 2024 ước đạt 140,9 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng hàng container đạt 3,04 triệu Teus, tăng 11%.

Thu hút nguồn lực phát triển cảng xanh, cảng thông minh

Nhiều cảng biển Việt Nam đón được tàu trọng tải lớn như cảng Gemalink đón tàu có trọng tải tới 232.000 DWT.

Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời. Về thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK). Thị phần đội tàu biển Việt Nam đảm nhận từ năm 2019 đến 2024 dao động từ 5- 8,25%, trung bình đạt 6,4%/năm. Các hãng tàu nước ngoài đảm nhận hơn 90% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tính đến tháng 12/2024, tổng số tàu biển, phương tiện đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam là 1.490.

Trong đó đội tàu biển là 1.430 tàu (còn lại là phương tiện khác), với tổng DWT khoảng 11,367 triệu tấn, tổng GT khoảng 6,8 triệu (trong đó tàu vận tải là 956 tàu với tổng DWT khoảng 10,5 triệu tấn, tổng GT khoảng 6,2 triệu).

Tuổi bình quân của đội tàu vận tải là 17,4. Trong đó, đội tàu chở hàng rời, tổng hợp là 660 tàu với tuổi trung bình 17,6; tàu chở container 43 tàu, tuổi trung bình 18,5; tàu chở dầu, hóa chất 164 tàu, tuổi trung bình 18,8; tàu chở khí hóa lỏng 21 tàu, tuổi trung bình 24,2; tàu chở khách 66 tàu, tuổi trung bình 9,5.

Nhận định trong năm 2025, bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xung đột chính trị, vũ trang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, khó khăn, thách thức còn rất lớn với thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, khó dự đoán.

Trong bối cảnh đó, ông Việt đề nghị thời gian tới, Bộ GTVT xem xét bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2026-2030, cân đối và bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư làm cơ sở tổ chức triển khai các dự án, đặc biệt các dự án bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, chủ quyền biển đảo, các dự án giải quyết điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng hàng hải.

Cùng đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với các địa phương sớm công bố khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ và nhận chìm chất nạo vét ở biển theo Nghị định số 57/2024 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Bên cạnh các vấn đề nội tại của ngành, các doanh nghiệp còn băn khoăn nguồn vốn đầu tư cho ngành hàng hải so với các lĩnh vực khác còn thấp. Điều này khiến ngành hàng hải chưa thể phát huy xứng tầm.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hay các Đề án phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh Việt Nam… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn để phát triển xanh, số hoá. Đây là thách thức không nhỏ với ngành hàng hải để đáp ứng xu hướng của thế giới.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh yêu cầu, ngành hàng hải cần đẩy mạnh chuyển đổi số tích cực và mạnh mẽ hơn, ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo trong quản lý hoạt động hàng hải. Với các doanh nghiệp cảng, cần cập nhật CNTT trong quá trình bốc xếp hàng hoá, giảm thời gian tàu chờ đợi tại cảng.

Đặc biệt, tiếp tục rà soát và trình cấp thẩm quyền phê chuẩn, ký kết các hiệp định vận tải song phương, đa phương, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Lĩnh vực hàng hải cần thúc đẩy kết nối, học hỏi các quốc gia có kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển cảng xanh, cảng thông minh… đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img