Chúng ta đang xây dựng xã hội văn minh hiện đại, gia đình no ấm, hạnh phúc thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại, vì vậy, cần lên án, “nói không” với hành vi này.
Những con số “biết nói”
Thực tế cho thấy, trong một nghiên cứu vào năm 2021 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo lực gia đình gây thiệt hại khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 2,0% Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu. Trong đó, hơn 2/3 phụ nữ được khảo sát từ 13 quốc gia cho biết, bạo lực gia đình tăng trong thời gian đại dịch ở nơi họ sống.
Bên cạnh đó, số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng cho thấy, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300% ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Còn tại Việt Nam, kết quả của cuộc Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện năm 2019 đã chỉ rõ, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra) và cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy, thiệt hại chi phí do bạo lực thể xác với phụ nữ do chồng hoặc bạn tình gây ra làm suy giảm năng suất lao động của phụ nữ, dẫn đến thiệt hại đáng kể đối với toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại năng suất lao động khoảng 100 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Năm 2023, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt được một số kết quả tích cực, các chỉ tiêu về bạo lực gia đình hầu như đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 như: 74,6% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận biện pháp hỗ trợ tư vấn; 100% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại khá nhức nhối trong xã hội khi Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ. Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm có 2.628 nữ và 565 nam.
Đáng nói, tình trạng bạo lực gia đình không chỉ xảy ra với nạn nhân là nữ giới, mà còn xảy ra ở cả nam giới, dưới những hình thức bạo lực khác nhau…
Đâu là giải pháp?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, thế nhưng, nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay. Điển hình là định kiến giới về vai trò, vị trí của nam giới và nữ giới trong lao động, việc làm, gia đình, cùng với đó là sự cam chịu từ phía nạn nhân…
Nhận thức rõ tác động tiêu cực của bạo lực gia đình đối với xã hội, trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc bằng việc xây dựng và triển khai nhiều chính sách nhằm phòng ngừa và đẩy lùi vấn nạn này.
Hệ thống chính sách và pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành từ năm 2007 và gần đây đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế. Các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư cũng được điều chỉnh nhằm hướng dẫn thực thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình và chiến lược quốc gia đã được triển khai, như Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Những nỗ lực này không chỉ tập trung vào việc xử lý hậu quả mà còn hướng tới phòng ngừa, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Việt Nam đã chú trọng xây dựng mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm các đường dây nóng, trung tâm bảo trợ xã hội và các mô hình ngôi nhà an toàn. Vai trò của các tổ chức xã hội, hội phụ nữ, và các đoàn thể quần chúng cũng được phát huy mạnh mẽ, tạo thành một hệ thống hỗ trợ toàn diện và hiệu quả.
Dẫu vậy, việc giải quyết triệt để bạo lực gia đình vẫn cần sự chung tay của toàn xã hội, từ việc thực thi pháp luật nghiêm minh, tăng cường giám sát, đến nâng cao ý thức của mỗi cá nhân về trách nhiệm xây dựng một gia đình hòa thuận, văn minh.
Đặc biệt, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là một sáng kiến quan trọng nhằm hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh, đồng thời củng cố giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.
Đây không chỉ là chuẩn mực để điều chỉnh hành vi, mà còn là kim chỉ nam giúp các gia đình Việt Nam giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Việc thực hiện tốt các tiêu chí này sẽ tạo nền tảng vững chắc để gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phổ biến và áp dụng bộ tiêu chí này cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, cùng với sự hưởng ứng tích cực từ mỗi gia đình.
Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
– Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
– Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
– Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.
– Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn