Xuất hiện sốt 5 ngày kèm đau khớp háng hai bên tăng dần, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân phát hiện mắc cùng lúc 3 bệnh lý nguy hiểm.
Bệnh nhân N.H.H. (53 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec thăm khám do cách 5 ngày trước đi khám có xuất hiện sốt cao (39 độ C), đau khớp háng hai bên.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết đã điều trị đái tháo đường type 2 bằng thuốc tiêm, uống rượu nhiều năm nay và lao phổi cũ điều trị đủ phác đồ.
Qua thăm khám hỏi bệnh, xét nghiệm phát hiện: Hội chứng nhiễm trùng (+), khớp háng hai bên đau nhiều (bên phải nhiều hơn trái), hạn chế vận động và phù 2 chi dưới. Kết quả siêu âm khớp háng có tràn dịch khớp háng hai bên. Siêu âm ổ bụng theo dõi viêm tụy mạn, dịch tự do ổ bụng, gan xơ hóa với độ cứng gan tương đương F4.
Dựa trên các kết quả thăm khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân theo dõi nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm khớp háng hai bên trên nền đái tháo đường type 2/lao phổi cũ.
Để tìm nguyên nhân gây hội chứng nhiễm trùng, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm vi khuẩn nuôi cấy định danh và kháng thuốc hệ thống tự động, với kết quả tìm ra vi khuẩn Klebsiella pneumoniae.
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú với chẩn đoán nhiễm khuẩn đường huyết vào tiết niệu do Klebsiella pneumoniae – viêm khớp háng hai bên – xơ gan mất bù – đái tháo đường type 2/lao phổi cũ.
Sau 1 tuần điều trị nội trú, các chỉ số xét nghiệm đã cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh nhân có xơ gan với độ cứng gan tương đương F4, tế bào gan đã bị tổn thương hoàn toàn, bệnh gan tiến triển sang giai đoạn cuối, lúc này gan không còn chức năng, vì vậy, bệnh nhân được chuyển bệnh viện tuyến điều trị tiếp bệnh lý gan.
Khi có nhiễm khuẩn huyết, vi khuẩn, hay nấm giải phóng các chất hóa học vào máu cũng như đáp ứng viêm của cơ thể tạo ra hàng loạt các thay đổi dẫn đến tổn thương đa cơ quan như gan, thận, khiến cơ thể suy yếu nhanh.
Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến các biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu, hô hấp, suy gan thận và các tạng khác. Trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn huyết có thể gây tụt huyết áp, hiện tượng này là sốc nhiễm trùng, có thể dẫn đến suy giảm chức năng một số bộ phận như phổi, thận và gan. Giai đoạn này nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm trùng.
Có nhiều yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn huyết như người cao tuổi, trẻ sơ sinh/ đẻ non, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, xơ gan, bệnh phổi mạn tính, suy thận mạn…), người nghiện rượu, mắc bệnh máu ác tính…
Người mắc nhiễm khuẩn huyết thường có các dấu hiệu như sốt, hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh; các trường hợp nặng có thể biểu hiện khó thở, loạn nhịp tim, giảm số lượng tiểu cầu…
Nguồn: vtv.vn