VTV.vn – Bệnh nhân nữ 67 tuổi, vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, mạch không bắt được, huyết áp không có, ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Trước đó, bệnh nhân N.T.N. (67 tuổi, trú tại Thái Nguyên) nhập viện do được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, theo dõi u phổi tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Trong quá trình chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân đột ngột mất ý thức và tím tái. Ngay lập tức, các bác sĩ, kỹ thuật viên Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp đã cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp và chuyển bệnh nhân sang Khoa Cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu, kíp trực phối hợp triển khai cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ ép tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenalin, bóp bóng có oxy qua Mask, đặt ống nội khí quản, thở máy, trên Monitoring có hình ảnh vô tâm thu (tình trạng hình ảnh sóng điện tim là đường thẳng). Sau 15 phút, bệnh nhân có tim đập trở lại.
Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định can thiệp động mạch vành cho bệnh nhân do hơn 80% động mạch vành trái đã bị hẹp; Duy trì thuốc vận mạch, thở máy xâm nhập, vận mạch, kháng sinh, chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu, giảm đau, dinh dưỡng…
Sau 25 ngày điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt bình thường và được xuất viện.
Bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngừng tim, ngừng thở là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, trên 90% bệnh nhân đưa đến đều tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Việc cứu sống người bệnh trong những tình huống này đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế phải có kỹ năng, kinh nghiệm xử lý nhanh, chẩn đoán bệnh chính xác, đúng quy trình chuyên môn, đặc biệt phải có đầy đủ máy móc, trang thiết bị cần để cấp cứu.
Do đó, trong những trường hợp khẩn cấp, người bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên sâu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.