Sunday, January 5, 2025

Giáo dục 2025 kỳ vọng vào những chính sách lớn

2025 là năm ngành giáo dục kỳ vọng vào các chính sách lớn sau nhiều năm bàn thảo và lần đầu được thực thi như: tăng lương nhà giáo, đổi mới thi cử, chỉnh sửa lại chương trình…

Giáo dục 2025 kỳ vọng vào những chính sách lớn

Lương nhà giáo đủ sống kỳ vọng sẽ được thực thi trong năm 2025

ẢNH: NHẬT THỊNH

“LƯƠNG NHÀ GIÁO CAO NHẤT” SẼ THÀNH HIỆN THỰC?

Kỳ vọng lớn nhất về giáo dục năm 2025 vẫn là việc chính sách liên quan nhà giáo sẽ được thông qua và đi vào thực tiễn, trong đó quy định lương nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Hai cơ sở pháp lý quan trọng để lời hứa lương nhà giáo đủ sống sau nhiều đời bộ trưởng với hàng chục năm thì năm 2025 sẽ được thực thi. Thứ nhất là Kết luận 91 của Bộ Chính trị về thực hiện căn bản toàn diện GD-ĐT; thứ 2, dự kiến luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV trong năm 2025.

Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và đã trình Chính phủ chương trình hành động triển khai Kết luận 91. Dự kiến năm 2025, chương trình hành động này sẽ được Chính phủ xem xét ban hành, làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, dự thảo luật Nhà giáo cũng lần đầu đề xuất giao quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động… giáo viên (GV) cho ngành giáo dục. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên ngành giáo dục được quyền “nắm” về con người với kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng thừa thiếu GV cục bộ như lâu nay, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đặt ra.

RÀ SOÁT ĐỂ “ĐIỀU CHỈNH” CHƯƠNG TRÌNH GDPT

Tháng 5.2025 là thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trọn vẹn đối với 3 cấp học đồng bộ trên cả nước. Bộ GD-ĐT cho biết đã chuẩn bị cho khâu rà soát, đánh giá toàn diện, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình.

Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện đánh giá, nội hàm của phát triển chương trình, những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung, quan điểm về định hướng, thời điểm phát triển chương trình. “Việc định hướng, phát triển chương trình phải được thực hiện thống nhất trên cơ sở không quá làm xáo trộn, không gây khó khăn cho người dạy, người học, không gây khó khăn về cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp, tài liệu và sách giáo khoa”, ông Thưởng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất khi rà soát chương trình là việc tổ chức dạy tích hợp ở cấp THCS. Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ đây là “điểm nghẽn” lớn nhất khi đổi mới chương trình và hứa sẽ phải có xem xét, điều chỉnh.

“LỨA” HS ĐẦU TIÊN THI THEO CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên thi theo Chương trình GDPT 2018, dự kiến diễn ra trong hai ngày 26 và 27.6.

Giáo dục 2025 kỳ vọng vào những chính sách lớn

Học sinh lớp 12 năm nay là lứa đầu tiên thi theo chương trình mới

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), nhắn nhủ: “Điểm khác biệt lớn nhất của kỳ thi là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước. Vì vậy, đối với học sinh (HS), để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc. Bộ GD-ĐT đã công bố các đề tham khảo giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả”.

Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường

Trong Kết luận 91 của Bộ Chính trị, một trong nhiều nhiệm vụ được đặt ra là “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của HS, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”. GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng: “Đây là một cơ sở chính trị quan trọng để thực hiện dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông. Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS không chỉ là một nhiệm vụ giáo dục mà còn là chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, việc sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giảng dạy các môn học khác không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp các HS rèn luyện khả năng tư duy đa chiều, linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với những thách thức mới”.

Giáo dục 2025 kỳ vọng vào những chính sách lớn

Học sinh trong giờ học tiếng Anh với người nước ngoài tại TP.HCM

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo GS Lê Anh Vinh, các giải pháp đưa ra cần xem xét toàn diện về chính sách, đội ngũ GV, công nghệ, môi trường học tập…

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐÒI HỎI SỰ THAY ĐỔI CỦA NGƯỜI THẦY

Bộ GD-ĐT cho biết đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năng lực số cho người dạy và người học từ mầm non đến ĐH (bao gồm năng lực ứng dụng AI) nhằm nâng cao năng lực số cho GV và HS, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến các đề án và khung năng lực số nói trên sẽ được triển khai ngay từ năm 2025, ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giáo dục 2025 kỳ vọng vào những chính sách lớn

Học sinh, sinh viên sử dụng AI trong học tập ngày càng phổ biến

ẢNH: NHƯ AN

Nhiều câu hỏi từng đặt ra liệu AI có thể thay thế người thầy? Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng thay vì lo lắng như vậy thì cần trang bị cho GV để có kỹ năng, kiến thức cần thiết trong khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo, giúp ích cho việc dạy và học.

PGS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng AI không làm giảm đi vai trò của người thầy, mà trái lại đòi hỏi các GV phải nắm vững công nghệ để có thể tổ chức môi trường học tập xoay quanh AI một cách hiệu quả. Sự thay đổi này đòi hỏi người dạy phải có năng lực số mạnh mẽ, tự tin và linh hoạt trong việc xây dựng kịch bản sư phạm số. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, GV cần giúp HS tránh khỏi tâm lý phụ thuộc vào AI.

“QUY VỀ MỘT MỐI” TRONG QUẢN LÝ DẠY NGHỀ

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 13 trường CĐ và 3 trường ĐH sư phạm trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH sẽ chuyển sang chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi này phù hợp với thực tiễn khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tuyển sinh và liên thông giữa các bậc học với nhau; góp phần hạn chế một số rào cản về quy trình thủ tục, thông tin kỹ thuật rườm rà; giúp cơ cấu lại hợp lý và cân đối hơn về nguồn tuyển sinh giữa các bậc học; tạo sự thuận lợi đối với vấn đề liên thông. Bộ GD-ĐT quản lý cả trình độ giáo dục nghề nghiệp sẽ cân bằng được việc tuyển sinh giữa ĐH và CĐ, phân luồng HS cũng sẽ thuận lợi, thực chất hơn.

CẦN ĐẢM BẢO CHI NGÂN SÁCH TỐI THIỂU CHO GIÁO DỤC

Năm 2025 sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2025 -2030), trong phát biểu thực hiện nhiệm vụ của năm học này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu các sở GD-ĐT cần lưu ý tham mưu xây dựng kế hoạch 5 năm để chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó, các địa phương cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%.

Sở dĩ, Bộ GD-ĐT phải nhấn mạnh yêu cầu này vì cả chục năm qua, ngân sách chi cho GD-ĐT chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img